Tránh gây xáo trộn lớn tới người dân
Đầu tháng 8/2023, khi Sở Nội vụ Tp.HCM cung cấp thông tin về việc sắp xếp đơn vị hành chính tại một cuộc họp báo thường kỳ của Tp.HCM, người dân đã thảo luận sôi nổi về chủ đề này. Hiện nay, Tp.HCM có 16 quận, 5 huyện và Tp.Thủ Đức với 312 phường, xã, thị trấn.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên, Sở Nội vụ Tp.HCM, cho biết qua rà soát, Tp.HCM có 6 quận chưa đủ điều kiện về dân số và diện tích nên thuộc diện sắp xếp gồm: quận 3, quận 4, quận 5, quận 10, quận 11 và quận Phú Nhuận. Ngoài ra, trong 3 năm tới, Tp.HCM cũng có 142 đơn vị cấp xã (hơn 45%) thuộc diện phải sắp xếp lại để đáp ứng các tiêu chuẩn chung.
Từ thông tin này, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều phương án sáp nhập các quận lại với nhau khiến Sở Nội vụ Tp.HCM phải lên tiếng bác bỏ.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ Tp.HCM cho biết, Sở này đang phối hợp các địa phương rà soát, xây dựng phương án để tham mưu UBND Tp.HCM. Do vậy, các phương án lan truyền trên mạng xã hội đều là tin giả. Dự kiến đề án sẽ được trình UBND Tp.HCM trước ngày 31/10.
Đa số người dân Tp.HCM cho rằng, sáp nhập hay tách rời quận, huyện cần được suy xét và chuẩn bị thật chu đáo vì trong quá khứ đã làm xáo trộn không nhỏ đến cuộc sống của người dân.
Cử tri Mã Thị Muối, quận 6 nêu ý kiến: “Các quận huyện ở Tp.HCM đã ổn định rồi, không nên sáp nhập. Có chăng là nên sáp nhập các đơn vị hành chính để một UBND và các phòng chức năng có thể quản lý 2 - 3 quận”.
Là một doanh nhân, cử tri Hoàng Đức Bình, quận 1 nói: “Việc sắp xếp hành chính không chỉ liên quan đến người dân cư trú ở địa bàn đó, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều người tại các quận huyện khác. Xáo trộn rất nhiều vì biết bao thứ giấy tờ, hồ sơ phải làm lại cho khớp. Nào nhà đất, nào giấy khai sinh, nào căn cước; ngay cả học bạ ở trường cũng phải đổi; giấy tờ, bảng hiệu của các cơ quan nhà nước”.
Cử tri Nguyễn Thị Thơm, ngụ quận 10 cho rằng, các quận huyện nên nhập lại, để giảm người hưởng lương và tăng lương cho người ở lại làm việc, khi tăng lương đủ sống thì cán bộ sẽ làm việc tốt hơn trước.
Cuối tháng 7/2023, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023-2030, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố xác định việc sắp xếp các đơn vị hành chính phải gắn sát với việc lập quy hoạch thành phố, rà soát quy hoạch chung Tp.HCM và đặc biệt là gắn sát với việc triển khai đề án xây dựng nền công vụ thành phố hiệu lực, hiệu quả.
Do vậy, Tp.HCM sẽ tập trung đánh giá kỹ lưỡng các tác động của việc sắp xếp này đối với người dân, doanh nghiệp và đối với hoạt động kinh tế xã hội của thành phố; đồng thời chuẩn bị các phương án để xử lý các vướng mắc phát sinh.
Bài toán quy hoạch kinh tế xã hội
Trước đó, vào đầu tháng 7/2023, trong báo cáo gửi Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ Tp.HCM cho rằng, một số đơn vị hành chính cấp huyện, xã của thành phố diện tích nhỏ nhưng quy mô dân số lớn nên khó sáp nhập trong giai đoạn tới. Có xã, phường tại Tp.HCM đạt hơn 2.000% tiêu chuẩn về quy mô dân số.
Cụ thể, Tp.HCM có 11/22 đơn vị hành chính cấp huyện và 217/312 cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích. Tuy nhiên có đến 21 huyện và 223 xã vượt 100% tiêu chuẩn về dân số. Điều này khiến thành phố đối mặt với nhiều khó khăn trong nghiên cứu, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, đảm bảo cả hai tiêu chuẩn về diện tích và dân số.
Thời gian tới, Tp.HCM sẽ nghiên cứu xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố. Sau khi sắp xếp, thành phố sẽ ổn định bộ máy, nhân sự tại các nơi được sắp xếp, nhất là công tác tư tưởng, xử lý tốt vấn đề cán bộ dôi dư.
Bình luận về vấn đề này, TS.Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Quản lý và kinh tế Tp.HCM cho rằng, chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính là cần thiết, giúp tinh giản biên chế, tăng quy mô đơn vị hành chính. Nhưng mỗi lần sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính là người dân lại phải thay đổi giấy tờ. Do vậy, Nhà nước phải có cơ chế chủ động đổi giấy tờ cho người dân chứ không phải bắt người dân đi đổi giấy tờ.
"Các cơ quan phải chuẩn bị sẵn hồ sơ, người dân chỉ cần đến ký tên là hoàn thiện thủ tục và chờ ngày nhận giấy tờ mới. Việc sắp xếp cần tính toán đến quy hoạch, bố trí dân cư hài hòa các phúc lợi xã hội, mang lại sự thuận lợi cho người dân”, ông Thắng nói.
Trong khi đó, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về quy hoạch đô thị chỉ ra, khi sáp nhập các quận, ngoài yếu tố hành chính, cần xem thêm yếu tố bản sắc đô thị tương đồng và yếu tố kinh tế.
Từ đó, ông Nam Sơn gợi ý nếu Tp.HCM quyết tâm sáp nhập thì có thể nhập quận 3 vào quận 1 vì cùng bản sắc trung tâm Sài Gòn ngày xưa. Còn quận 4 tuy giáp quận 1, nhưng cấu trúc đô thị quận 4 lại vụn vặt, công trình cấp 3, cấp 4 quá nhiều. Do đó, nếu sáp nhập hai quận này, để chỉnh trang quận 4 lên ngang tầm quận 1 sẽ gặp nhiều khó khăn.
Chuyên gia này cũng băn khoăn, cần xem xét ở góc độ Tp.HCM là một thành phố đặc biệt, đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương. Do đó, nếu như sáp nhập các quận phải nằm trong định hướng phát triển chung của Tp.HCM trong tương lai chứ không phải dựa trên dân số và diện tích.