Việc trả thù lao cho giảng viên có đăng ký nghiên cứu và có công bố khoa học là một trong những chính sách mới được trường Đại học Tôn Đức Thắng công bố giữa tháng 10. Theo đại diện trường, chính sách nhằm hướng tới sự phát triển khoa học công nghệ bền vững, thực chất và phù hợp chuẩn mực quốc tế.
Hiện, nhiều trường có chính sách trả thù lao, thưởng, hỗ trợ tài chính cho các giảng viên có công bố quốc tế. Trong đó, 360 triệu đồng tiền thù lao cho một công bố mà trường Tôn Đức Thắng đưa ra là mức cao.
Như tại Đại học Kinh tế TP HCM, từ năm 2017, trường này thưởng cao nhất 200 triệu đồng cho một bài báo công bố quốc tế.
Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM cũng từng quy định giảng viên có trình độ giáo sư phải có hai bài báo quốc tế mỗi năm, phó giáo sư là 1,5 bài, tiến sĩ là một bài và thạc sĩ là hai năm một bài. Giảng viên có công bố khoa học vượt định mức này sẽ được thưởng 1.500 USD (hơn 36 triệu đồng) một bài.
Từ năm ngoái, cán bộ khoa học trẻ của Đại học Quốc gia Hà Nội (dưới 40 tuổi), có học vị tiến sĩ trở lên được hỗ trợ 50-100 triệu đồng một bài đăng nếu bài chưa nhận được tài trợ bởi đề tài, dự án nào. Mức hỗ trợ thực tế cho một bài báo có thể cao hơn, phụ thuộc vào số lượng và vai trò của các tác giả bài báo.
Ngoài chi thù lao cho giảng viên có công bố khoa học, trường Đại học Tôn Đức Thắng đưa ra nhiều chính sách khác nhằm thu hút các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đến làm việc và xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh.
Đối tượng thu hút gồm các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thuộc các ngành phù hợp với nhu cầu đào tạo của trường; chuyên gia, nhà khoa học có trình độ tiến sĩ trở lên có khả năng nghiên cứu khoa học; nhóm nhân sự để thực hiện công tác quản lý theo đề án vị trí việc làm (bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý chuyên môn).
Ngoài thu nhập, các chế độ theo quy định hiện hành của trường, nhóm trên được hưởng thêm các chế độ về thu nhập, chính sách ưu đãi, chế độ phụ cấp. Trong đó, các giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học uy tín được ưu tiên xem xét bố trí phòng làm việc, hỗ trợ chỗ ở tại nhà công vụ.
Mức phụ cấp thu hút tăng thêm được áp dụng lên đến 30 triệu đồng mỗi tháng đối với giáo sư, 20 triệu đồng đối với phó giáo sư và 10 triệu đồng đối với tiến sĩ liên tục trong 24 tháng kể từ ngày về công tác tại trường.
Ngoài ra, các chuyên gia, nhà khoa học là nghiên cứu viên, trợ lý nghiên cứu viên cơ hữu của trường được hưởng phụ cấp học hàm, học vị hàng tháng với mức 8 triệu đồng đối với giáo sư, 6 triệu với phó giáo sư và 3,5 triệu với tiến sĩ.
Trường cũng có chính sách ưu đãi đối với các nhà khoa học của trường có chỉ số trích dẫn cao với mức 3-10 triệu đồng mỗi tháng, tùy thuộc số lượng trích dẫn.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo hồi cuối tháng 8, số lượng công bố khoa học của các trường đại học tăng đều theo từng năm, từ gần 12.000 bài báo Scopus năm 2019 lên thành hơn 17.700 bài trong năm ngoái, chiếm hơn 95% số bài báo Scopus của cả nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá nghiên cứu khoa học dần gắn với đào tạo; đề tài, dự án nghiên cứu góp phần đào tạo, tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Nhiều đề tài đóng góp quan trọng cho các ngành công nghiệp, sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần giúp các trường đại học duy trì và có vị trí tốt trong các bảng xếp hạng quốc tế.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một trong 10 tổ chức có nhiều công bố quốc tế nhất năm ngoái với 874 công bố. Tính trong khối đại học, trường này xếp sau Đại học Quốc gia TP HCM, Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội và trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng).
Việc các trường có chính sách thưởng, trả thù lao, hỗ trợ tài chính cho các công bố khoa học góp phần nâng số lượng và chất lượng các nghiên cứu.