Triển khai Chương trình GDPT 2018: Vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế

Admin

Mặc dù đã bước sang năm thứ 4, việc triển khai chương trình mới hiện nay còn gặp nhiều lúng túng, bất cập cần nhìn nhận lại.

Chiều nay (14/8), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông’’.

Nghiêm túc triển khai Chương trình GDPT 2018

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội đã được Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố và nhất là Bộ GD&ĐT, ngành giáo dục và toàn thể đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm.

Việc thể chế hóa chủ trương được nghiêm túc thực hiện. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện đã được ban hành tương đối toàn diện, bao quát những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất theo yêu cầu đổi mới.

Nhìn chung, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết các văn bản được ban hành kịp thời, đúng tiến độ, phù hợp thẩm quyền. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện chưa bảo đảm yêu cầu về tiến độ và chất lượng, chưa phù hợp với quy định và yêu cầu của thực tiễn.

Giáo dục - Triển khai Chương trình GDPT 2018: Vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu điều hành nội dung phiên họp.

Về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Đoàn giám sát nhận thấy, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn, có tính kế thừa và phát triển. Quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch.

Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và các địa phương đã chủ động chuẩn bị đội ngũ nhà giáo. Đề xuất nhiều giải pháp để bổ sung biên chế giáo viên; sửa đổi, hoàn thiện cơ chế tuyển dụng lao động để giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên; chủ động, tích cực đào tạo, bồi dưỡng tập huấn đội ngũ giáo viên, nâng chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo theo lộ trình; hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư.

Nhiều bất cập liên quan đến nội dung và đảm bảo cơ sở vật chất

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế liên quan đến việc nội dung sách giáo khoa mới chưa hợp lý về cơ cấu, thành phần, việc thực nghiệm những nội dung mới trong thời gian ngắn và phạm vi hẹp.

Nội dung kiến thức của một số môn học chưa thực sự được tinh giảm gây áp lực đối với học sinh, thiết kế tích hợp chưa hợp lý. Cùng với đó chuẩn bị lực lượng giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều lúng túng.

Đối với việc triển khai phương pháp dạy và học ở nhiều cơ sở giáo dục chưa đạt kết quả cao nhất là ở vùng kinh tế khó khăn, đổi mới thi đánh giá năng lực chưa theo kịp yêu cầu.

Chủ trương triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đồng thời ở 3 cấp học dẫn tới thời gian chuẩn bị ngắn, công tác bảo đảm các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Việc tổ chức các môn học mới (Mỹ thuật, Âm nhạc,…), hoạt động giáo dục chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Việc xây dựng các tổ hợp môn học tại cấp trung học phổ thông còn bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu định hướng nghề nghiệp và nhu cầu của học sinh.

Giáo dục - Triển khai Chương trình GDPT 2018: Vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế (Hình 2).

Biên soạn sách giáo khoa và vấn đề được quan tâm hiện nay.

Ông Nguyễn Đặc Vinh cho biết hiện nay tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, thiếu giáo viên các môn học mới diễn ra phổ biến. Cơ cấu giáo viên chưa cân đối, chất lượng giáo viên chưa đồng đều, công tác tập huấn thời gian ngắn, hiệu quả chưa cao.

Đặc biệt đến nay, việc biên soạn, thực nhiệm, thẩm định sách giáo khoa còn nhiều bất cập; cung ứng sách giáo khoa còn hạn chế, có tình trạng khan hiếm sách giáo khoa trước năm học mới, in ấn sách giáo khoa mới còn chậm, giáo viên gặp khó khăn trong nghiên cứu sách giáo khoa, giá cả còn cao, mức chi phí phát hành lớn.

Từ kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Đoàn giám sát đã đề xuất 3 nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế và về tổ chức thực hiện.

Cụ thể, nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách; nhóm giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; nhóm giải pháp về tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trong thời gian tới, Đoàn giám sát kiến nghị nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Giáo dục; xây dựng Luật điều chỉnh về Nhà giáo; bổ sung, sửa đổi pháp luật liên quan (như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các luật về thuế…).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; giám sát việc triển khai thực hiện nhiệm vụ về giáo dục trong các chương trình mục tiêu quốc gia; giám sát việc bảo đảm cơ sở vật chất trường, lớp được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của các địa phương.