Từ năm 2025, làm việc bán thời gian có được hưởng chế độ ốm đau?

Admin

Luật BHXH 2024 mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tạo điều kiện cho nhiều người lao động được hưởng các chính sách BHXH như chế độ ốm đau...

Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 2 Luật BHXH 2024 (có hiệu lực từ 1-7-2025), đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.

Trong trường hợp người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm này nhưng làm việc không trọn thời gian, nếu có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất (tức là mức lương tối thiểu vùng) thì cũng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Từ năm 2025, làm việc bán thời gian có được hưởng chế độ ốm đau?- Ảnh 1.

Luật BHXH 2024 mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tạo điều kiện cho người lao động thụ hưởng chính sách của BHXH

Dựa theo quy định trên, người làm việc không trọn thời gian (hay làm việc bán thời gian) nhưng có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu sẽ được hưởng chế độ ốm đau từ ngày 1-7-2025 nếu có tham gia BHXH bắt buộc.

Điều kiện để hưởng chế độ ốm đau là gì?

Căn cứ theo quy định của Luật BHXH 2024, người làm việc không trọn thời gian (có tham gia BHXH bắt buộc) sẽ được hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ việc thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Điều trị khi mắc bệnh mà không phải bệnh nghề nghiệp;

- Điều trị khi bị tai nạn mà không phải là tai nạn lao động;

- Điều trị khi bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

- Điều trị, phục hồi chức năng lao động khi thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc do bị tai nạn quy định tại điểm c khoản này;

- Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật;

- Chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau.

Như vậy, khi người thuộc đối tượng được hưởng chế độ ốm đau gặp các trường hợp này mà phải nghỉ việc thì sẽ được nghỉ hưởng chế độ ốm đau.