Vì sao Bộ GD&ĐT "tuýt còi" dừng tuyển thẳng lớp 10 bằng chứng chỉ tiếng Anh?
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành công văn 715/BGDĐT-GDTrH do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ký về thực hiện tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025 gửi các tỉnh, thành.
Theo Bộ cho biết, một số địa phương đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025, trong đó có tình trạng thêm một số nội dung không đúng quy định. Đó chính là việc tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên cho học sinh đoạt giải thi học sinh giỏi tỉnh, có chứng chỉ ngoại ngữ.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện đúng chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn theo đúng quy định tại văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT năm 2019 về Quy chế tuyển sinh THCS và THPT.
Đối với các tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT chưa đúng quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên phải điều chỉnh bảo đảm đúng quy định tại điều 7 văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT và thông báo công khai đến các đối tượng liên quan.
UBND tỉnh, thành cần chủ động, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn.
Cũng tại công văn này, Bộ GD&ĐT cho biết bộ này sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại một số địa phương.
Thông tin trên báo Công Thương, theo điều 7 của văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT Quy chế tuyển sinh THCS, THPT năm 2019, trong đối tượng được tuyển thẳng, ưu tiên khi tuyển sinh lớp 10 không có thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ, trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS. Mặc dù quy định là vậy, song, thời gian qua một số tỉnh, thành đã áp dụng tuyển thẳng hoặc ưu tiên cho học sinh có chứng chỉ IELTS khi thi tuyển sinh vào lớp 10.
Về lý do Bộ không cho phép tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên cho thí sinh có chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh lớp 10, đại diện Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc Bộ không cho phép tuyển thẳng, cộng điểm là nhận thấy chính sách này có thể gây mất công bằng. Vì thực tế ở cùng một địa phương, học sinh ở khu vực trung tâm dễ tiếp cận với việc học và lấy chứng chỉ ngoại ngữ hơn.
Ngược lại, ở những địa bàn khó khăn, dù có nỗ lực học tốt ngoại ngữ, việc đi đến địa điểm thi hay chuẩn bị tiền triệu để đóng lệ phí cũng gặp trở ngại. Như vậy, dùng chứng chỉ IELTS để tuyển sinh lớp 10 là không công bằng.
Theo đại diện Vụ Giáo dục trung học, học để chiếm lĩnh kiến thức, phát triển kỹ năng, phát triển năng lực thực sự của bản thân và năng lực thực sự ấy mới quan trọng để sau này các em có định hướng tốt cho học lên, có định hướng tốt hơn cho nghề nghiệp.
"Với yêu cầu của thị trường việc làm hiện nay thì người lao động có năng lực đến đâu sẽ có cơ hội việc làm đến đấy chứ không chỉ là câu chuyện học để lấy tấm bằng. Học sinh phải có động lực học và học một cách thực sự nghiêm túc. Học thật và học thật rồi thì bất cứ kỳ thi nào cũng không cần trông chờ vào sự ưu tiên nào cả", đại diện Vụ Giáo dục trung học cho hay.
Thực tế, để đánh giá năng lực của học sinh, cần trải qua các kỳ thi sẽ chứng minh được năng lực thực sự và có như vậy, các em mới có kế hoạch học tập tốt hơn, để lựa chọn nghề nghiệp đúng và đáp ứng yêu cầu, phát triển bản thân.
Ý kiến trái chiều
Sau khi công văn của Bộ GD&ĐT ban hành đề nghị các tỉnh, thành dừng việc tuyển thẳng, ưu tiên thí sinh có chứng chỉ IELTS, ngoại ngữ quốc tế vào lớp 10, phụ huynh ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã có hai luồng ý kiến, một phần đồng tình, một phần phản đối.
Những ý kiến phản đối cho rằng, việc Bộ GD&ĐT "tuýt còi" vào thời điểm này không phù hợp khi nhiều tỉnh đã công bố kế hoạch rồi và không dựa trên tinh thần khuyến khích học sinh nâng cao năng lực tiếng Anh.
Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ, chị Thủy, phường Bến Thủy, Tp.Vinh, Nghệ An, bày tỏ lo lắng: "Tôi không biết thi lớp 10 ở Nghệ An thế nào nhưng nghe thông tin này thấy lo lắng. Con tôi đã đi luyện IELTS và đang mong sẽ được vào trường chuyên của tỉnh. Vả lại, nếu không xét nữa thì phải công bố từ đầu năm cho học sinh đỡ cực".
Năm nay, Nghệ An chưa công bố phương án tuyển sinh lớp 10 nhưng năm ngoái tỉnh này đã dùng IELTS kết hợp học bạ THCS để xét tuyển thẳng học sinh vào một số lớp tiếng Anh tăng cường ở bậc THPT.
Năm ngoái, để có suất vào lớp chuyên Anh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), thí sinh phải đạt tối thiểu 7.0 IELTS, các trường khác dao động 6.0-6.5.
Cũng trên tinh thần không đồng tình với văn bản của Bộ GD&ĐT, anh Dũng, một phụ huynh có con chuẩn bị thi lớp 10 ở tỉnh Quảng Trị, thẳng thắn:
"Đầu tháng 2, tỉnh tôi đã công bố kế hoạch tuyển sinh lớp 10, trong đó thí sinh có IELTS được quy đổi sang điểm thi tiếng Anh. Nay mà không cho quy đổi thì học sinh sẽ tính thế nào, lại phải thi cử áp lực à?".
Lãnh đạo Sở GD&ĐT của một tỉnh cũng nói với báo Tuổi Trẻ rằng việc Bộ GD&ĐT "tuýt còi" vào thời điểm này không phù hợp khi nhiều tỉnh đã công bố kế hoạch rồi và không dựa trên tinh thần khuyến khích học sinh nâng cao năng lực tiếng Anh của tỉnh này.
Bên cạnh đó, không ít phụ huynh và giáo viên lại cho rằng chính sách không tuyển thẳng, không cộng điểm ưu tiên đối với thí sinh thi lớp 10 có chứng chỉ IELTS, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là đúng đắn.
Có con đang học lớp 9, bà Nguyễn Thị Kim Anh, phụ huynh ở ngoại thành Hà Nội cho rằng, bà phản đối quy định này và cho rằng tiếng Anh chỉ là một ngôn ngữ.
"Ở quê, việc tiếp cận với những chứng chỉ này còn rất hạn chế. Nếu có khả năng học nhưng khả năng tài chính không có thì cũng chịu. Thậm chí, nhiều học sinh thi tốt nghiệp và đại học rất quan trọng, biết sẽ thiệt thòi nhưng vẫn ngậm ngùi chấp nhận đấy thôi", phụ huynh này cho hay.
Thầy giáo Vũ Huy Tiến, giáo viên tiếng Anh của một trường mầm non quốc tế ở khu vực quận Hà Đông, Hà Nội thẳng thắn phản đối việc ưu tiên xét tuyển vào lớp 10.
Vị giáo viên này cũng cho rằng, bài thi IELTS chưa đủ để phản ánh chất lượng toàn diện cũng như nền tảng kiến thức của học sinh ở tất cả các môn học. Học để nắm được ngoại ngữ, dùng làm phương tiện học tập và làm việc, chứ không phải học chỉ để lấy chứng chỉ phục vụ tuyển sinh.
Tuy nhiên, thầy Tiến thừa nhận, thực tế, có rất nhiều gia đình đã đầu tư cho con học ngoại ngữ và thi lấy chứng chỉ từ rất sớm, ngay từ lớp 6,7,8. “Điều này cũng không sao cả nếu các em có kế hoạch và mục tiêu rõ ràng vào chuyên ngoại ngữ cấp 3. Như vậy, nếu học sinh đã học được chứng chỉ thì việc cho điểm khuyến khích cũng không phải là vấn đề lớn", thầy Tiến trao đổi với báo Tiền Phong.
Thầy Đào Tuấn Đạt, giảng viên Vật lý đại cương tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, và là cố vấn giáo dục trường THPT Anhxtanh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, quyết định dừng áp dụng chế độ tuyển thẳng hoặc ưu tiên cộng điểm cho học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS,... ở một số tỉnh vào kì thi lớp 10 của Bộ GD&ĐT là hoàn toàn chính xác.
Vị giảng viên này cho rằng, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS mang tính học thuật. Lượng kiến thức đòi hỏi trình độ hiểu biết nhất định, nếu cho học sinh cấp 2 đã đi học thì biến học sinh thành con vẹt.
“Việc bắt học sinh học kiến thức không phù hợp với tâm sinh lý của học sinh là không nên do đó Bộ quyết định dừng là đúng đắn”, ông Đạt cho hay.
TS Lê Xuân Quỳnh, Trưởng bộ môn chương trình cử nhân ngôn ngữ Đại học RMIT, cũng cho rằng các tỉnh, thành có chính sách dùng IELTS để tuyển thẳng thí sinh vào lớp 10 là chưa phù hợp.
Vì chứng chỉ IELTS không thể thay thế các môn thi khác. Cũng như vậy, việc quy đổi điểm thi IELTS sang điểm môn tiếng Anh cho thí sinh vì không có cùng thang đo nên sẽ khập khiễng.
Tuy nhiên, nếu các tỉnh, thành kết hợp giữa việc thí sinh có chứng chỉ IELTS và học bạ học sinh bậc THCS thì có cơ sở để miễn cho học sinh thi tuyển sinh lớp 10. "Điều kiện mỗi tỉnh, thành là khác nhau và vì thế tuyển sinh lớp 10 cần căn cứ trên tình hình thực tế của mỗi địa phương", ông Quỳnh nêu ý kiến.
Minh Hoa (t/h)