Nhiều trẻ gặp biến chứng phổi do nhiễm RSV
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca mắc virus hợp bào hô hấp (RSV) có xu hướng gia tăng. Từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh viện ghi nhận hơn 1.100 ca nhiễm RSV. Trong tuần đầu tháng 3, hơn 160 ca mắc mới.
PGS, TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp cho biết, trong ngày hôm nay (14/3) có 30 bệnh nhi mắc RSV đang điều trị, chiếm 20% tổng bệnh nhi toàn trung tâm.
Ghi nhận tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, các giường bệnh đều kín mít. Phòng 118 có 3 bệnh nhi đang điều trị thì cả 3 đều mắc virus hợp bào hô hấp.
Bệnh nhi N.G.H (15 tháng, Hưng Yên) nhỏ xíu, thở khò khè, viêm phế quản do mắc virus RSV, phải nhập viện điều trị 2 ngày qua. Mẹ cháu cho biết, trước đó con sốt cao liên tục 39 độ C, ho, quấy khóc, thở khò khè nên gia đình vội đưa cháu đến viện. Ngày đầu nhập viện bệnh nhi phải thở khí dung. Sau 2 ngày nằm viện, bé đỡ sốt hơn, tỉnh táo hơn.
Nằm cùng phòng là 2 bé trai 5 và 14 tháng tuổi, đều nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho, thở khò khè. Riêng cháu bé 14 tháng, nhập viện ngày 6/3, sau gần 1 tuần điều trị tích cực viêm phế quản, đến nay sức khỏe đã chuyển biến tốt hơn. Còn bé 5 tháng tuổi mới nhập viện, vẫn còn ho nhiều, nôn trớ và quấy khóc. Mẹ bé cho biết: “Lúc đầu gia đình tưởng cháu sốt virus, sau đến viện mới biết đã bị viêm tiểu phế quản, mắc virus hợp bào hô hấp”.
Đỉnh dịch RSV rơi vào tháng 3 và tháng 8
PGS, TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhân nhiễm RSV có thể xuất hiện quanh năm, nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 3 và tháng 8 hằng năm. Vào thời điểm đỉnh dịch, số bệnh nhân viêm phổi do RSV có thể tăng tới 20-30%.
"Hầu hết bệnh nhân RSV vào Trung tâm Hô hấp đều có biểu hiện viêm phổi, ho, sốt, khó thở. Một số bệnh nhân nặng bị suy hô hấp, có rút lõm lồng ngực, tím tái, độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) giảm", bác sĩ Hanh cho biết.
Với các trường hợp này, các bác sĩ phải nhanh chóng đưa ra phác đồ chống suy hô hấp, bằng mọi cách cung cấp đủ oxy cho bệnh nhân… Trường hợp bị bội nhiễm sẽ được dùng kháng sinh, bù đủ nước, điện giải, dịch và cung cấp đủ dinh dưỡng.
RSV có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn có chứa virus được thải ra qua ho, hắt hơi lên mắt, mũi, miệng. Ngoài ra, người khỏe mạnh có thể bị lây bệnh khi tiếp xúc các bề mặt, vật dụng có chứa virus. Việc thơm, hôn, mớm thức ăn cũng có thể làm lây lan virus.
Nếu được chẩn đoán sớm và kịp thời, bệnh nhân sẽ khỏi bệnh trong 5-7 ngày, không để lại di chứng.
Tuy nhiên, một số trẻ có bệnh nền suy giảm miễn dịch, đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, có bệnh loạn sản phế quản phổi, tim bẩm sinh, khi nhiễm RSV nếu không điều trị kịp thời có nguy cơ diễn biến nặng, thậm chí tử vong. Nhiều bệnh nhân phải điều trị dài ngày.
Do chưa có vaccine phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây; tránh để trẻ sờ tay lên mặt, mũi, hoặc miệng bằng tay chưa rửa sạch; tránh cho trẻ tiếp xúc gần gũi với người khác nếu trẻ bị ho hoặc bị bệnh.
Khi mới khởi phát, trẻ nhiễm RSV có thể xuất hiện triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi. Ở giai đoạn toàn phát, bệnh nhân thở khò khè, ho, thở nhanh. Trẻ sơ sinh có thể tím tái hoặc có cơn ngừng thở.
Khi có triệu chứng chảy nước mũi trong, ho khan, hắt hơi, sốt nhẹ, sốt cao hoặc khó thở, giảm cảm giác thèm ăn thì cho con đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
Theo PGS, TS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, một người khi đã nhiễm RSV, khả năng tái nhiễm bệnh hoàn toàn có thể xảy ra (nhưng có thể nhiễm một tuýp virus RSV khác). Thậm chí, có người bị virus tấn công đến hai lần trong cùng một mùa RSV.
Tuy nhiên, các triệu chứng ở lần tái nhiễm thường không nghiêm trọng, chỉ như cảm lạnh thông thường. Bệnh chỉ nghiêm trọng ở người lớn tuổi hoặc những người bị bệnh tim/phổi mãn tính, trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non, nhẹ cân, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh...