Venezuela tố bị Brazil cản trở gia nhập BRICS, lập tức rút Đại sứ

Admin

Celso Amorim- Cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Brazil cho biết, nước này phủ quyết đơn đề nghị gia nhập BRICS từ Venezuela bởi Caracas đã “phá vỡ lòng tin” của các đối tác.

Venezuela đã rút Đại sứ nước này tại Brazil, liên quan đến cuộc tranh cãi về nỗ lực gia nhập khối BRICS của Caracas.

Bộ Ngoại giao Venezuela ngày 30/10 đã lên tiếng chỉ trích các quan chức Brazil vì chặn tư cách thành viên BRICS của nước này và đưa ra những tuyên bố “thô lỗ”. Bộ này cũng đã triệu tập phái viên thương mại của Brazil để giao thiệp, Reuters đưa tin.

Động thái này làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia Nam Mỹ láng giềng.

Trong tuyên bố mới nhất, Bộ Ngoại giao Venezuela đã chỉ trích ông Celso Amorim, cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Brazil. Trước đó, ông Celso Amorim cho biết Brazil đã phủ quyết đơn xin gia nhập BRICS từ Caracas vì Venezuela đã "phá vỡ lòng tin" của các đối tác.

Vừa qua, Brazil cũng là quốc gia sáng lập thứ hai của nhóm BRICS từ chối tham gia sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Brazil là quốc gia thứ hai trong BRICS không hưởng ứng sáng kiến hạ tầng khổng lồ này, sau Ấn Độ.

Cố vấn Celso Amorim hôm 28/10 nói chính quyền Tổng thống Lula da Silva sẽ không tham gia BRI và thay vào đó tìm kiếm những phương án thay thế để hợp tác với các nhà đầu tư Trung Quốc.

Brazil muốn "nâng tầm mối quan hệ với Trung Quốc mà không cần phải ký một thỏa thuận gia nhập", ông Amorim nói.

Theo ông Amorim, Brazil muốn tận dụng một số khuôn khổ trong BRI để tìm ra “sự tương hỗ” giữa các dự án cơ sở hạ tầng của nước này và các quỹ đầu tư liên quan đến sáng kiến này, mà không nhất thiết phải chính thức tham gia BRI.

Nhóm BRICS, được đặt theo tên của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đã chào đón thêm 4 thành viên mới từ đầu năm nay: Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ethiopia và Ai Cập. Mặc dù Ả Rập Xê Út đã được mời tham gia, nhưng quy trình chính thức vẫn chưa diễn ra.

Thường được coi là một đối trọng với các tổ chức do phương Tây lãnh đạo như Liên minh châu Âu (EU), nhóm G7 hay Tổ chức Hiệp hước Bắc Đại Tây Dương (NATO), BRICS báo hiệu một sự thay đổi đáng kể trong động lực quyền lực toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay diễn ra tại Kazan, Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết có khoảng 30 quốc gia đang quan tâm tới việc gia nhập BRICS bằng những hình thức khác nhau. Trong số các quốc gia công khai bày tỏ mong muốn gia nhập nhóm có Belarus, Cuba, Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Malaysia, Pakistan,...

Tuy nhiên, hồi cuối tháng 6 năm nay, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố BRICS sẽ tạm ngừng kết nạp thành viên nhằm hoàn tất việc hội nhập cho các thành viên mới gia nhập khối vào đầu năm.