Vì sao "căn bệnh trầm kha" dạy thêm, học thêm còn tồn tại?

Admin

ĐBQH Nguyễn Minh Đức cho rằng, hệ thống lương cho giáo viên các bậc phổ thông còn nhiều nơi chưa đáp ứng, cho nên dẫn đến phải tổ chức dạy thêm.

Sáng 24/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, các đại biểu thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

ĐBQH Nguyễn Minh Đức (đoàn Tp.HCM) tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc được nêu trong báo cáo.

Trong đó, đại biểu quan tâm đến vấn đề giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Nói về tình trạng hệ thống giáo dục hiện nay, theo ông Đức, sau khi ban hành một loạt các bộ sách giáo khoa, thì bây giờ lại xuất hiện câu chuyện không được đồng bộ, có sự lạm dụng trong triển khai sách giáo khoa tới các trường phổ thông, cách tiếp cận đối với các nội dung trong đó còn nhiều vấn đề, có nhiều lỗi...

Giáo dục - Vì sao 'căn bệnh trầm kha' dạy thêm, học thêm còn tồn tại?

Các ĐBQH thảo luận tại tổ Tp.HCM.

“Đối với lĩnh vực này, ngành Giáo dục cần phải tổng kết ngay, chỉ ra những “căn bệnh” để khắc phục ngay. Đây là vấn đề khi tiếp xúc cử tri ở Tp.Hồ Chí Minh vừa qua cũng đã nêu”, ông Đức nói.

Thêm câu chuyện lâu nay vẫn nhắc, “căn bệnh trầm kha” đó là là tình trạng dạy thêm, học thêm. Tại sao vẫn còn tồn tại vấn đề đó? Ông Đức cho rằng chúng ta phải rất suy nghĩ về vấn đề này.

“Hệ thống lương cho giáo viên các bậc phổ thông còn nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu của đời sống thực tế, cho nên dẫn đến câu chuyện phải tổ chức dạy thêm”, ông Đức cho biết dạy thêm ở đây có 2 động cơ, một là muốn nâng cao năng lực cho học sinh cũng như cho chính bản thân giáo viên. Hai là lại có một phần nào đó liên quan đến vấn đề thu nhập kinh tế dẫn đến câu chuyện người học phải đóng tiền, từ tiền túi của phụ huynh.

Theo ông Đức, câu chuyện ở đây là chưa tìm được tiếng nói chung, nên phải giải quyết dứt điểm và làm thế nào nâng cao đời sống cho giáo viên. Để hạn chế mức thấp nhất chuyện học thêm, dạy thêm.

“Vấn đề nữa đặt ra là tại sao phải dạy thêm,học thêm? Bởi trong chương trình phổ thông học kín mít”, ông Đức một lần nữa nêu băn khoăn và chia sẻ với thế hệ trẻ hiện nay không có thời gian để nghỉ ngơi, bổ sung thêm các kiến thức xã hội, kến thức tự nhiên... Chính vì thế, cho nên, trẻ em mất giời gian quá nhiều trong việc học dẫn đến kiến thức xã hội có “lỗ hổng”, thiếu kỹ năng về văn hóa, xã hội trong cuộc sống, nên cách ứng xử còn hạn chế.

Chưa kể, các văn hóa phẩm xấu, độc hại trên mạng xã hội… dẫn đến tình trạng một bộ phận học sinh ứng xử với nhau chưa tốt, còn bạo lực trong học đường. Do đó, đây là bài toán phải giải quyết.

Giáo dục - Vì sao 'căn bệnh trầm kha' dạy thêm, học thêm còn tồn tại? (Hình 2).

ĐBQH Nguyễn Minh Đức nêu ý kiến liên quan đến giáo dục và đào tạo.

Về giáo dục thể chất, ông Đức cho rằng nếu một xã hội muốn phát triển được thì giáo dục thể chất cần phải có tên trên tỉ lệ số dân cư là bao nhiêu, khi có trường thì không có diện tích nhất định để tạo ra khu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao cho học sinh. Cho nên, thể chất của trẻ em đang có vấn đề báo động.

Ông Đức cũng bày tỏ lo lắng về bữa ăn cho các học sinh tại các trường bán trú. “Ai sẽ là người kiểm định theo một tiêu chuẩn, quy chuẩn nhất định đó là các bữa ăn của các em học sinh có đủ các chất dinh dưỡng hay không?”, ông Đức nói và cho biết vẫn còn tình trạng ngộ độc thực phẩm ở các trường. Do đó, ông kiến nghị cần có những quy định, kiểm tra rõ ràng bởi học sinh là thế hệ tương lai của đất nước.

Vị đại biểu đoàn Tp.HCM cũng nêu ra những hệ lụy do giáo dục thể chất chưa đảm bảo. Do đó, đại biểu đề nghị vấn đề này cần phải xem lại và học hỏi thêm mô hình của các nước.

“Một lần nữa, chúng tôi tha thiết đề nghị Chính phủ phải có những nhìn nhận, thực hiện mang tính mệnh lệnh đó làm sao cải thiện được đời sống của giáo viên các cấp. Đồng thời, phải đào tạo hệ thống giáo viên đạt chất lượng cao”, ông Đức nêu và cho biết cần phải giải quyết bài toán nguồn nhân lực. Vì con người là cốt lõi trong xây dựng và phát triển đất nước. Vì thế, cần phải đánh giá rất khách quan và chặt chẽ vấn đề này.

Trước đó, ngày 23/10, thẩm tra về Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, thông tin và truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo còn một số khó khăn, vướng mắc, cần được quan tâm.

Nguồn lực đầu tư cho văn hóa, giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ chế quản lý, khai thác, vận hành các thiết chế văn hóa, thể thao của Nhà nước còn bất cập.

Tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc, thiếu trường, lớp học, thiếu trang thiết bị dạy học diễn ra ở một số nơi. Việc thực hiện sách giáo khoa, chương trình mới, chế độ, chính sách cho giáo viên còn nhiều bất cập. Bạo lực học đường, ứng xử lệch chuẩn mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, lạm thu đầu năm học vẫn diễn ra.

Trong những tháng cuối năm 2023, Ủy ban Kinh tế đề nghị xử lý có hiệu quả các bất cập về sách giáo khoa, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thiếu trường học, lớp học.