Vì sao Hà Nội chỉ cấp phép được 1 dự án nhà xã hội trong năm 2024?

Admin

Từ đầu năm đến nay, cả Hà Nội có duy nhất một dự án nhà ở xã hội được cấp phép xây dựng, doanh nghiệp triển khai xây dựng vẫn đối mặt nhiều khó khăn. Nhiều chuyên gia kiến nghị cần có Nghị quyết của Quốc hội về phát triển nhà ở xã hội.

Cả năm được 1 dự án cấp phép xây dựng

Sở Xây dựng Hà Nội vừa cấp giấy phép xây dựng chung cư cao tầng CT1 thuộc Khu nhà ở xã hội Thượng Thanh - Long Biên cho liên danh Công ty cổ phần Himlam Thủ Đô và Công ty cổ phần BIC Việt Nam. Giấy phép xây dựng có hiệu lực khởi công xây dựng trong 12 tháng.

Dự án nằm trên ô đất ký hiệu CT1 tổng diện tích hơn 5.100 m2, diện tích xây dựng khoảng 3.300 m2.

Theo quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, chung cư CT1 sẽ cung cấp khoảng 600 căn hộ, quy mô dân số gần 1.700 người. Chung cư CT1 thuộc khu nhà xã hội Thượng Thanh, là dự án duy nhất được cấp phép xây dựng trong năm nay.

Trước đó, năm 2023, Hà Nội cũng có duy nhất một dự án nhà xã hội tại Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, huyện Mê Linh do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư được cấp phép xây dựng.

Trước đó, Đoàn giám sát Quốc hội nêu trong báo cáo về quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội giai đoạn 2015 - 2023 cho thấy, nhiều địa phương có nhu cầu nhà ở rất lớn nhưng kết quả triển khai hạn chế so với mục tiêu tại đề án xây một triệu căn nhà xã hội đến 2025.

Vì sao Hà Nội chỉ cấp phép được 1 dự án nhà xã hội trong năm 2024?- Ảnh 1.

Số căn nhà ở xã hội được triển khai vẫn ít, không đủ đáp ứng nhu cầu (ảnh: Như Ý).

Đơn cử, Hà Nội phải xây 18.700 căn đến 2025, nhưng mới có 3 dự án được khởi công (1.700 căn), đạt 9% chỉ tiêu. TP HCM cần xây 26.200 căn đến 2025, song hiện đạt khoảng 19% mục tiêu, gần 5.000 căn. Tương tự, Đà Nẵng cũng mới đạt 43% với 2.750 căn tại 5 dự án.

Thậm chí, một số địa phương không có dự án nhà xã hội nào được khởi công từ năm 2021 đến nay, như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi...

Trao đổi với PV Tiền Phong về thực trạng phát triển nhà xã hội tại Hà Nội, không ít nhà đầu tư cho rằng vẫn còn tình trạng " trên rải thảm, dưới rải đinh". Nhiều thủ tục chậm triển khai, sự quan tâm và giải pháp của thành phố đối với vấn đề này chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả.

"Đa số địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội", đoàn giám sát của Quốc hội nhận xét.

Cần có Nghị quyết của Quốc hội về nhà ở xã hội

Ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành - chia sẻ, để làm được nhà xã hội cần sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển dự án minh bạch và hiệu quả.

Ông Nghĩa cho rằng, để đảm bảo nhà ở xã hội đến đúng đối tượng thụ hưởng, cần xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ, đồng thời cho phép việc chuyển nhượng dễ dàng hơn. Điều này giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và giảm thiểu tình trạng đầu cơ.

Theo ông Nghĩa, đối các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội đang phải tự bỏ vốn đầu tư và đối mặt nhiều khó khăn trong quá trình thanh kiểm tra, phê duyệt dự án. Theo đó, cơ quan chức năng cần tạo cơ chế hỗ trợ tài chính cho cả chủ đầu tư và người mua nhà. Nếu không có các gói ưu đãi đặc biệt về lãi suất và vốn vay, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bên lề cuộc hội thảo về bất động sản mới đây, ông Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, cần xây dựng một Nghị quyết Quốc hội liên quan đến nhà ở xã hội và các dự án bất động sản để giải quyết triệt để bất cập hiện tại.

“Đây không chỉ là niềm hy vọng của các doanh nghiệp bất động sản mà còn là lời giải cho bài toán nhà ở đáp ứng nhu cầu của hàng triệu người dân. Nếu không hành động kịp thời, thị trường sẽ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn, các cơ hội đầu tư và phát triển bị bỏ lỡ”, ông Nghĩa nói.