Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển điện gió

Tran Huy

Ngày 1-12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị điện gió Việt Nam năm 2022 do Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu và Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4 (EVNPECC4) đồng tổ chức.

Được tổ chức từ năm 2018, năm nay Hội nghị điện gió Việt Nam sẽ diễn ra trong hai ngày 1 và 2-12 với sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam như: Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Đức, Anh… cùng các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề liên quan, các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế và các địa phương có tiềm năng về phát triển điện gió tại Việt Nam.

Là một trong các nền kinh tế phát triển nhanh hàng đầu khu vực Đông Nam Á, dân số gần 100 triệu người, nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam luôn tăng ở mức cao nhiều năm liên tục. Hiện, quy mô hệ thống điện của Việt Nam lớn thứ nhất trong khu vực ASEAN về công suất lắp đặt, đứng thứ 22 trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng điện từ năm 2011-2019 là 10,5%, chỉ riêng năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên tốc độ tăng trưởng điện giảm xuống.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, dự báo trong những năm tới, khi nền kinh tế hoàn toàn phục hồi, tăng trưởng nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng nhanh ở mức cao.

Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển điện gió

Các diễn giả thảo luận tại Hội nghị điện gió Việt Nam năm 2022. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, đứng trước các khó khăn về bảo đảm nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng thì việc chú trọng tới chuyển dịch năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững, đáp ứng các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu được xác định là mục tiêu then chốt và xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều giải pháp về chính sách, cơ chế nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt khoảng 20,7 GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện, trong đó điện gió khoảng 4 GW. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực về gia tăng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo.

Là nước nhiệt đới với bờ biển dài hơn 3.200 km, tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió và điện gió ngoài khơi rất lớn. Trên thế giới, công nghệ năng lượng tái tạo đang phát triển vượt bậc, chi phí công nghệ đang giảm nhanh, các giải pháp công nghệ về truyền tải, lưu trữ điện đang có những tiến bộ mới.

Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển điện gió
 Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chia sẻ tại hội nghị.

Thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, đối với điện gió ngoài khơi, cơ hội rất nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn. Nguồn điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đến năm 2030 vẫn là nguồn điện có chi phí đầu tư xây dựng cao.

Bên cạnh đó, phát triển điện gió ngoài khơi đòi hỏi cao về hạ tầng đồng bộ, tăng cường khả năng vận hành của hệ thống và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với tính phức hợp của dự án điện gió ngoài khơi (gồm cả công trình trên bờ và trên biển), cần thiết phải hoàn thiện các văn bản luật và dưới luật, hoàn chỉnh các quy định về khảo sát dự án, giao khu vực biển, đánh giá tác động môi trường…

Tại hội nghị, nhiều nội dung quan trọng sẽ được đưa ra thảo luận như: Chính sách năng lượng và phát triển điện gió; vai trò của hợp tác quốc tế đối với phát triển gió tại diễn đàn Việt Nam; quan điểm trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của điện gió Việt Nam…

Bên cạnh đó là một loạt các phiên thảo luận và phiên họp liên quan đến các nội dung: Hợp đồng mua bán điện trực tiếp; cấp giấy phép cho điện gió ngoài khơi; đấu giá và cơ chế khác cho hỗ trợ điện gió ngoài khơi tại Việt Nam; các thách thức về tài chính trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi…

Tin, ảnh: VŨ DUNG