Ngày 11/12, Tổ chức giáo dục Education First Việt Nam (gọi tắt là EF Việt Nam) đã công bố chỉ số thông thạo tiếng Anh của 113 quốc gia trên toàn cầu.
Theo đó, để tạo ra chỉ số thông thạo Anh ngữ trên toàn cầu năm 2023, EF đã phân tích kết quả của 2,2 triệu người trưởng thành đã tham gia bài kiểm tra tiếng Anh EF Set trong năm 2023.
Đây là bài kiểm tra tiếng Anh trực tuyến về kỹ năng Đọc và Nghe, được tiêu chuẩn hóa và thiết kế để phân loại khả năng ngôn ngữ.
Từ kết quả này cho thấy, chỉ số thành thạo tiếng Anh của người Việt Nam trong năm 2023 đạt 505/800 điểm, xếp thứ 58 trên tổng số 113 quốc gia và vùng lãnh thổ, và nằm trong nhóm có mức độ thông thạo tiếng Anh ở mức trung bình.
Cách đây 2 năm, Việt Nam chỉ đạt 486 điểm, nằm trong nhóm các quốc gia có mức độ thông thạo thấp.
Trong báo cáo năm nay, mức độ thông thạo tiếng Anh của người Việt đã tăng 9 điểm, xếp thứ 7 trong khu vực Châu Á, cao hơn điểm số của Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia.
Khu vực thông thạo Anh ngữ hàng đầu tại Việt Nam là Đồng bằng Sông Hồng, trong đó Hà Nội đạt số điểm cao nhất là 538 điểm, sau đó mới tới Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhóm tuổi từ 26 đến 30 tuổi sử dụng tiếng Anh tốt nhất cả nước. Chỉ số thành thạo tiếng Anh của nam giới cao hơn nữ giới tại Việt Nam.
Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện đang xếp ở vị trí thứ 4, chỉ sau Singapore, Philippines và Malaysia.
Đáng chú ý, Hà Lan giữ vững vị trí số 1 về độ thuần thục khi sử dụng tiếng Anh, với 647 điểm. Châu Âu vẫn là châu lục dùng tiếng Anh tốt nhất thế giới, chỉ 2/34 nước và vùng lãnh thổ ở khu vực này rơi vào nhóm có năng lực tiếng Anh thấp.
Ngoài Hà Lan, top 5 quốc gia có người dân thông thạo tiếng Anh nhất trên thế giới là Singapore, Áo, Đan Mạch và Na Uy.
EF đưa ra nhận định, khu vực Nam Á và Đông Nam Á có một sự giảm nhẹ về trình độ tiếng Anh trung bình, tuy nhiên nhiều quốc gia trong khu vực này vẫn giữ điểm số ổn định hoặc tăng nhẹ.
Số điểm trung bình ở khu vực này bị ảnh hưởng bởi trình độ tiếng Anh ở Ấn Độ đã giảm dần trong vài năm qua. Thêm vào đó, điểm số của Thái Lan cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Đặc biệt ở Trung Á, trình độ tiếng Anh thấp và ổn định, với khoảng cách giới tính cao hơn mức trung bình, xu hướng chênh lệch nam giới hơn nữ giới đều có ở hầu hết các quốc gia này.
Ngoài xếp hạng, EF đánh giá một số xu hướng sử dụng tiếng Anh trên thế giới. Chẳng hạn, trình độ tiếng Anh của thế hệ trẻ đang bị suy giảm ở một số nơi.
Theo EF, nhóm tuổi trẻ nhất (18-20 tuổi) đang có sự suy giảm về khả năng sử dụng tiếng Anh. Tuy nhiên, nhận định này xảy ra ở một số quốc gia lớn. Còn ở hầu hết các nơi, khả năng sử dụng tiếng Anh của giới trẻ đã ổn định, hoặc nếu có sự suy giảm thì lý do là do gián đoạn của hệ thống giáo dục trong thời kỳ COVID-19.
Cũng theo EF, trong vòng 10 năm qua, trên toàn cầu trình độ tiếng Anh của nam giới đã được cải thiện, trong khi phụ nữ lại giảm nhẹ. Mặc dù đa số các quốc gia không có khoảng cách đáng kể giữa nam và nữ, nhưng trong số những quốc gia có khoảng cách đó, có 38 quốc gia ưu ái nam giới và chỉ có 5 quốc gia ưu ái nữ giới.
Được biết, EF Education First (gọi tắt là EF) là một trong những tổ chức giáo dục quốc tế (với hơn 400 trường học, 34.000 nhân viên làm việc cho 16 công ty con và tổ chức phi lợi nhuận có mặt tại trên 50 quốc gia trên thế giới) được thành lập từ năm 1965 tại Thụy Điển, và hiện đặt trụ sở tại Thụy Sĩ.
Bảng xếp hạng mức độ thông thạo ngôn ngữ tiếng Anh được EF thực hiện hàng năm, thường công bố vào tháng 11.
Trúc Chi (t/h theo Giáo Dục Việt Nam, Người Lao Động)