Việt Yên: Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập

Admin

Hưởng ứng phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, ngành Giáo dục & Đào tạo huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang (GDĐT) đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo trong công tác quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học; khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Giáo dục - Việt Yên: Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập

Triển khai mạnh mẽ đổi mới

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT. Ngành GDĐT huyện Việt Yên Triển khai thực hiện chương trình hành động, các đề án, kế hoạch của huyện, của ngành thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; chủ động tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp ban hành các chương trình, kế hoạch phát triển GD&ĐT giai đoạn 2021-2025 phù hợp với địa phương.

Toàn ngành tiếp tục đổi mới mạnh mẽ việc thực hiện chương trình GDMN, phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong GDPT. Tại các cơ sở giáo dục đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, thực hiện chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học của các môn học và các chủ đề dạy học tích hợp liên môn… nhằm mang lại hiệu quả trong quản lý, giáo dục học sinh, đồng thời tạo sự chuyển biến trong đổi mới căn bản phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, giáo dục theo phương hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Với bậc học Mần non: Thực hiện đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, tổ chức học 2 buổi/ngày; Đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ, đảm bảo trẻ được “chơi mà học, học bằng chơi”, chuẩn bị nền tảng vững chắc cho trẻ vào lớp 1. Duy trì và củng cố chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường MN”; chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm”; Chỉ đạo 100% các trường MN xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học, trang trí mảng tường mở cho trẻ hoạt động, tăng cường các hoạt động của cá nhân trẻ trong quá trình hoạt động; Triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua: “Xây dựng vườn rau sạch cho bé”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Mỗi giáo viên giúp đỡ một đồng nghiệp tiến bộ”, “Xây dựng trường mầm non xanh - an toàn - thân thiện”.

Ở bậc giáo dục Tiểu học: linh hoạt, sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học theo phương pháp dạy học giải quyết vấn đề, mĩ thuật mới, dạy học theo nhóm; tích cực tổ chức dạy học tại vườn trường, cơ sở sản xuất, trang trại, di tích lịch sử... Thực hiện linh hoạt, sáng tạo việc đổi mới chương trình, SGK lớp 1, 2, 3; Chỉ đạo thực hiện hiệu quả các mô hình đổi mới giáo dục như sinh hoạt chuyên môn (SHCM ) theo nghiên cứu bài học, học tập gắn liền với lao động sản xuất, thư viện thân thiện

Giáo dục - Việt Yên: Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập (Hình 2).

Đổi mới, lựa chọn và thực hiện nhiều bài học STEM trong khối tiểu học nhằm phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh

Thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 và đổi mới công tác quản lý giáo dục trung học: 100% GV được phân công dạy chương trình mới được bồi dưỡng trước thời điểm triển khai áp dụng ở từng khối lớp theo kế hoạch; Các trường giữ vững kỉ cương nền nếp, thực hiện nghiêm túc chương trình và kế hoạch dạy học đã được phê duyệt; Tích cực vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, dạy học theo tình huống; áp dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của HS theo định hướng phát triển năng lực HS, rèn luyện phương pháp tự học; bảo đảm cân đối giữa trang bị kiến thức, kỹ năng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học; sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học phù hợp với nội dung bài học; Các hoạt động SHCM được đẩy mạnh với hình thức đa dạng, phong phú được vận dụng sáng tạo phù hợp với từng nhà trường đã tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng dạy và học, phát huy được vai trò nòng cốt của đội ngũ GV cốt cán, tổ trưởng chuyên môn, góp phần duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Những năm qua, phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” được ngành giáo dục Việt Yên triển khai sáng tạo gắn với thực hiện phương châm “4 tốt” (môi trường giáo dục tốt, quản lý tốt, dạy tốt, học tốt). Toàn ngành thực hiện phong trào thi đua gắn với đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các nhà trường, chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi... Tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; Tăng cường các hoạt động giao lưu, tích cực mở rộng hợp tác quốc tế trong dạy và học tiếng Anh; huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, xanh - sạch - đẹp - an toàn.

Thông qua phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” đã xuất hiện nhiều gương nhà giáo vượt khó vươn lên, tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nỗ lực phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi, nhà giáo mẫu mực, được học sinh tin yêu, quý trọng. Luồng gió ấy thực sự khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong công tác giảng dạy, giáo dục, quản lý và nghiên cứu khoa học; đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp, góp phần đưa giáo dục huyện Việt Yên giữ vững vị thế tốp đầu trong toàn tỉnh.

Nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện

Xác định cơ sở hạ tầng là tiền đề quan trọng để phát triển GD&ĐT, những năm qua, huyện Việt Yên đã bố trí nguồn lực lớn, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học và hạ tầng CNTT tiếp tục được đầu tư theo hướng kiên cố, chuẩn hoá, đồng bộ và hiện đại. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Việt Yên Nguyễn Văn Chiến cho biết: Trong năm học 2022-2023; UBND huyện đã đầu tư xây mới và đưa vào sử dụng 162 phòng học, phòng chức năng, sân, tường... trị giá 159,8 tỉ đồng; đang xây mới 144 phòng học, phòng chức năng, 02 nhà đa năng; cải tạo … sân trường, xây tường bao trị giá 209,5 tỉ đồng.

Giáo dục - Việt Yên: Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập (Hình 3).

Việt Yên có tỷ lệ kiên cố hóa đạt 100 %

Với sự quan tâm, đầu tư lớn của tỉnh Bắc Giang và huyện Việt Yên, Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học và hạ tầng CNTT được đầu tư đồng bộ, hiện đại; tỉ lệ phòng học kiên cố, trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025; các chỉ số về giáo dục của huyện đạt chuẩn nông thôn mới được ngành GD&ĐT được duy trì, phát triển bền vững. Nhờ đó, chất lượng giáo dục các cấp trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện được được duy trì và có sự đột phá; chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều khởi sắc.

Toàn huyện có 66 trường (28 trường Mầm non; 19 trường Tiểu học, 19 trường THCS và 41 cơ sở độc lập tư thục, với tổng số 1559 nhóm lớp và 49.957 học sinh; Huyện duy trì kết quả phổ cập giáo dục các bậc học trong nhóm dẫn đầu tỉnh, tạo tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hiện nay 17/17 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2; Đến tháng 6/2023 Huyện Việt Yên có 2874 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Toàn ngành có 816 giáo viên giỏi cấp huyện,  giáo viên giỏi cấp tỉnh chu kì 2020-2024 bậc tiểu học: 41; 104  giáo viên mầm non và 54 giáo viên THCS đạt giáo viên  giỏi cấp tỉnh vòng 1 chu kỳ 2022-2024.

Chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì và phát triển bền vững, thi học sinh giỏi cấp tỉnh có tiến bộ về số lượng giải và chất lượng giải; điểm trung bình 3 môn thi vào lớp 10 THPT và số học sinh đỗ vào trường THPT chuyên Bắc Giang luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh; các hoạt động giáo dục truyền thống, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức pháp luật và trách nhiệm công dân tiếp tục được ngành GD&ĐT triển khai thực hiện tốt. Ông Chiến chia sẻ thêm

Năm học 2022-2023 ngành Giáo dục Việt Yên đã hoàn thành xuất sắc 15/18 tiêu chí, hoàn thành tốt 03/18 tiêu chí; được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập năm học 2022-2023”; UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngay 04/11/2013 của Ban Chấp hành TW Đảng “về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và Đào tạo đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen vì có thành tích trong thực hiện các phong trào thi đua góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ  huyện lần thứ XXIII.

Năm học 2023-2024 là năm học toàn ngành tiếp tục triển khai nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIII của Đảng bộ huyện. Phát huy những kết quả đạt được, quyết tâm khắc phục những hạn chế, tồn tại, toàn ngành giáo dục và đào tạo huyện Việt Yên tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững vị thế tốp đầu của tỉnh./.

Hà Anh