Vụ bê bối 'cum-ex': Thủ tướng Đức Olaf Scholz đứng ra làm chứng

Vũ Xuân Kiên

Một năm trước, Tòa án Tư pháp liên bang Đức lần đầu tiên ra phán quyết nêu rõ các thương vụ trốn thuế hàng tỷ euro theo hình thức "cum-ex," vốn được coi là "vụ cướp thế kỷ," là hành vi trốn thuế.

warburgbank-1660960361.jpg
Ngân hàng Warburg. (Nguồn: Tagesschau)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 19/8 lần thứ hai xuất hiện với vai trò người làm chứng trước Ủy ban điều tra thuộc Nghị viện Hamburg (PUA) về vụ bê bối "cum-ex" liên quan tới Ngân hàng Warburg ở thành phố Hansestadt, bang Hamburg, miền Bắc nước Đức.

Trong lần làm chứng này, Thủ tướng Scholz sẽ đề cập tới vai trò của ông khi còn làm Thị trưởng thứ nhất của Hamburg trong việc giải quyết vụ gian lận thuế của Ngân hàng Warburg.

Ủy ban điều tra sẽ xem xét vai trò của các chính trị gia về khả năng tác động chính trị tới cơ quan thuế quan khi Hamburg không truy thu khoản thuế hàng chục triệu euro của Ngân hàng Warburg.

Thủ tướng Scholz từng nhấn mạnh không hề có tác động chính trị trong vụ việc khi vụ điều tra đã kéo dài hai năm rưỡi với rất nhiều hồ sơ đã được nghiên cứu và nhiều người đã ra làm chứng.

Một năm trước, Tòa án Tư pháp liên bang Đức (BGH) lần đầu tiên ra phán quyết nêu rõ các thương vụ trốn thuế hàng tỷ euro theo hình thức "cum-ex," vốn được coi là "vụ cướp thế kỷ," là hành vi trốn thuế và có thể bị truy thu.

Với các giao dịch theo hình thức "cum-ex," các nhà đầu tư, ngân hàng và người mua chứng khoán đã lừa đảo cơ quan thuế quan của Đức hàng tỷ euro trong nhiều năm.

Theo hình thức này, cổ phiếu được (cum) hưởng cổ tức hoặc không được (ex) hưởng cổ tức đã được chuyển đổi vòng tròn qua lại xung quanh ngày tuyên bố trả cổ tức để không rõ ai là chủ sở hữu cổ phiếu.

Với các giao dịch như vậy, các bên đồng thời được yêu cầu có quyền sở hữu với cổ phiếu và họ được hoàn thuế cổ tức mà họ thực sự chưa bao giờ trả. Nói cách khác, các nhà đầu tư có thể được hoàn thuế một lần nhưng thực tế lại được hoàn trả nhiều lần. Lợi nhuận cuối cùng được các bên chia nhau.

Vấn đề đặt ra là phải làm rõ việc giao dịch theo hình thức như vậy chỉ là lỗ hổng trong luật thuế hay là hành vi vi phạm luật pháp.

Các giao dịch "cum-ex" đã được thực hiện ở nhiều nước châu Âu từ năm 2001, gây thiệt hại lớn cho ngân khố các nước, trong đó riêng tại Đức thiệt hại 7,2 tỷ euro, Đan Mạch 1,7 tỷ euro và Bỉ 201 triệu euro.

Hồi tháng 3/2020, một tòa án ở thành phố Bonn của Đức đã kết án tù nhưng cho hưởng án treo hai nhà giao dịch chứng khoán người Anh vì hành vi trốn thuế hoặc tiếp tay cho việc trốn thuế, yêu cầu truy thu 14 triệu euro từ hai người này, trong khi ngân hàng tư nhân M.M. Warburg bị buộc phải trả 176 triệu euro.

Hai nhà giao dịch người Anh đã thú nhận trước tòa về cách thức hoạt động của các giao dịch phức tạp, song tuyên bố họ không làm gì trái pháp luật.

Với phán quyết của BGH nêu trên, các thương vụ này không chỉ bị coi là lợi dụng lỗ hổng thuế quan mà còn là hành vi trốn thuế, một tội hình sự./.