Vụ cô giáo "xin" ủng hộ tiền mua laptop: Chưa xử lý xong, tiếp tục đình chỉ công tác với cô giáo

Admin

Vụ cô giáo tại Trường tiểu học Chương Dương, quận 1, Tp.HCM "xin" phụ huynh hỗ trợ mua laptop để phục vụ mục đích giảng dạy nhanh chóng trở thành tâm điểm dư luận và dấy lên nhiều tranh luận.

Vẫn chưa được xử lý xong

Theo Vietnamnet lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận 1 xác nhận, vụ việc chưa được xử lý xong và sẽ tiếp tục đình chỉ công tác đối với cô giáo Trương Phương Hạnh để xác minh, làm rõ đơn phản ánh, nhằm ổn định tình hình phụ huynh, học sinh.

Cô Trương Phương Hạnh là giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3, khối trưởng khối 4, Trường Tiểu học Chương Dương bị hơn 20 phụ huynh lớp 4/3 đứng chung đơn phản ánh lên hiệu trưởng xin đổi chủ nhiệm. Lý do là cô đề nghị phụ huynh ủng hộ mua laptop, nhưng khi có ý kiến không đồng ý thì không soạn đề cương ôn tập cho học sinh.

Sự việc diễn ra cách đây 1 tháng. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm của lớp 4/3 (diễn ra ngày 14/9), cô Hạnh đề nghị phụ huynh hỗ trợ 1 laptop trị giá 4-5 triệu đồng, máy in tài liệu và hỗ trợ cô bảo mẫu của lớp 300 nghìn/tháng. Lúc đó, phụ huynh có ý kiến rằng máy in đã được trang bị từ lớp 3, cô giáo nên liên hệ giáo viên chủ nhiệm cũ để xin lại cho lớp.

Phụ huynh tính toán rằng với chiếc laptop giá 5-6 triệu đồng, mỗi người sẽ phải đóng góp từ 200-300 nghìn. Tuy nhiên, vì còn góp vào việc khác, phụ huynh phải đóng 500 nghìn/người.

Có 29 phụ huynh đã đóng tiền, tổng cộng 14,5 triệu đồng. Cô Hạnh đưa cô bảo mẫu 300 nghìn, đóng quỹ khuyến học 500 nghìn, giữ 13,7 triệu. Nữ giáo viên này nói xin 6 triệu đồng từ số tiền này để mua laptop trị giá 11 triệu (5 triệu còn lại cô tự bỏ ra) và muốn chiếc laptop này là của riêng cô.

Sau khi cô giáo đề nghị mua laptop có 26 phụ huynh đồng ý, 3 người không đồng ý, còn 9 phụ huynh không nêu ý kiến. Vì vậy, nữ giáo viên đã "dỗi" và nói sẽ không soạn đề cương ôn tập cho học sinh. Đơn tố của phụ huynh cũng nêu cô Hạnh còn bán đồ ăn trong lớp cho học sinh như mì tôm, xúc xích…

Theo cô Hạnh xin tiền phụ huynh mua laptop vì nghĩ "đấy là xã hội hoá giáo dục". Theo cô, việc bị phụ huynh phản ánh lên hiệu trưởng do không nhận tiền mua laptop, nếu nhận của phụ huynh thì mọi chuyện đã không xảy ra.

Đối với việc bán xúc xích, mì gói cho học sinh, theo lý giải của cô Hạnh, nhà cô ở xa nên có những lúc đến trường chưa ăn sáng. Vì vậy cô luôn "thủ" sẵn mấy gói mì để hôm nào không kịp ăn sáng thì vào trường nấu ăn. 

Học sinh thấy vậy cũng lên nói "cô ơi con đói quá, cô nấu cho con gói mì" nên cô đã nấu mì cho học sinh ăn. 1 hộp mì và 1 cây xúc xích là 20.000 đồng. Học sinh có tiền thì trả còn không có thì thôi.

Vụ cô giáo "xin" ủng hộ tiền mua laptop: Chưa xử lý xong, tiếp tục đình chỉ công tác với cô giáo- Ảnh 1.

Cô Trương Phương Hạnh, Trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, Tp.HCM. Ảnh: Báo Tiền Phong.

Sau khi sự việc vỡ lở, Trường Tiểu học Chương Dương có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với viên chức. Theo đó, cô Trương Phương Hạnh bị tạm đình chỉ 15 ngày. Thời gian đình chỉ từ ngày 1-15/9.

Trước đó, Phòng GD&ĐT quận 1 cũng tổ chức thông tin cho báo chí và cho biết UBND quận 1 đã thống nhất chỉ đạo đối với trường hợp xảy ra ở Trường Tiểu học Chương Dương là kiên quyết xử lý, trường hợp vi phạm pháp luật (nếu có), không bao che các hành vi vi phạm, công khai, minh bạch, làm rõ thông tin dư luận.

Cô Hạnh đã có 30 năm làm việc trong ngành giáo dục và 18 năm dạy học tại Trường Tiểu học Chương Dương.

Tránh lạm dụng hoặc hiểu sai chính sách xã hội hóa

Vụ cô giáo tại Trường tiểu học Chương Dương, quận 1, Tp.HCM "xin" phụ huynh hỗ trợ mua laptop để phục vụ mục đích giảng dạy nhanh chóng trở thành tâm điểm dư luận và dấy lên nhiều tranh luận.

Điều đáng nói vụ việc không chỉ là vấn đề nội bộ của một trường học, mà còn phản ánh những thách thức lớn hơn về quản lý, nhận thức, và quan hệ giữa giáo viên, phụ huynh và nhà trường trong hệ thống giáo dục hiện nay.

Hiệu trưởng lên tiếng vụ cô giáo véo tai, đánh học sinh lớp 1 bầm tím lưngHiệu trưởng lên tiếng vụ cô giáo véo tai, đánh học sinh lớp 1 bầm tím lưngĐỌC NGAY

Theo báo Tuổi Trẻ việc lạm dụng hoặc hiểu sai chính sách xã hội hóa giáo dục có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, tạo ra những phản cảm. Điển hình, vụ việc cô giáo "xin" hỗ trợ máy tính dù chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", nhưng có thể làm tổn hại đến hình ảnh đạo đức của nghề dạy học. 

Hành động này còn có thể tạo ra một tiền lệ xấu, khiến các giáo viên khác có thể nghĩ rằng việc kêu gọi sự đóng góp từ phụ huynh là điều hiển nhiên rất đỗi bình thường, từ đó làm mờ ranh giới giữa sự giúp đỡ tự nguyện và áp lực tài chính.

Nhà trường và ngành giáo dục cần quán triệt mạnh hơn, rõ ràng hơn và có quy định chặt chẽ về hiểu và thực hiện chính sách xã hội hóa. 

Theo đó, xã hội hóa không có nghĩa là chuyển trách nhiệm tài chính lên phụ huynh, mà là tìm kiếm sự phối hợp hợp lý giữa các bên liên quan để cải thiện điều kiện học tập và dạy học.

Trúc Chi (t/h)