Ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát thực địa và có cuộc làm việc với yêu cầu hoàn thành 2 dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Hữu Nghị - Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) ngay trong năm 2025, góp phần thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau trong năm 2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 2 dự án cao tốc dài hơn 150 km rất quan trọng để kết nối hai tỉnh, kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô với miền núi phía Bắc; kết nối quốc gia, nối tuyến cao tốc từ Cao Bằng - Lạng Sơn tới Hà Nội, thông tuyến cao tốc từ Bắc vào Nam tới tận mũi Cà Mau.
Theo Thủ tướng, hai tuyến cao tốc này cũng đi qua những địa điểm lịch sử, có 6 ý nghĩa quan trọng, thể hiện quyết tâm của khối óc; kỳ vọng của nhân dân trước yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển, sự kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Trung Quốc.
Vậy 2 tuyến cao tốc này đang thi công ra sao?
Cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng)
Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) được đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), liên danh các nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu. Công trình có tổng chiều dài 121 km, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 1 được đầu tư hơn 93 km, tổng mức đầu tư 14.114 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước chiếm hơn 69%. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư tiếp gần 28 km còn lại.
Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng dự án đạt 93,6%, trong đó đoạn qua tỉnh Cao Bằng đạt 99%, đoạn qua tỉnh Lạng Sơn đạt 90%. Hai tỉnh đồng lòng phấn đấu đến hết tháng 12 sẽ bàn giao 100% mặt bằng của dự án.
Các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công đã huy động 1.020 nhân sự, 357 máy móc thiết bị, triển khai 36 mũi đồng loạt tiếp cận, tổ chức thi công ngày đêm khi các phân đoạn mặt bằng được bàn giao.
Dự án khởi công ngày 1/1/2024, dự kiến tổng sản lượng trong năm 2024 đạt 1.010 tỷ đồng, tổng giải ngân các nguồn vốn đạt 2.000 tỷ đồng, làm nền tảng cho việc quyết tâm thông tuyến trong năm 2025 để hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối năm 2026.
Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng đến Hà Nội và ngược lại từ 6-7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ.
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được kỳ vọng sẽ mở cánh cửa giao thương tiếp giáp với Trung Quốc, sớm đưa Cao Bằng trở thành cửa ngõ kết nối các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc với các tỉnh lân cận Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội đi Hải Phòng; các tỉnh phía Nam Việt Nam kết nối với các tỉnh Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội, kết nối với tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang và các tỉnh phía Tây Bắc Việt Nam.
Xa hơn, là hình thành tuyến vận tải hướng Nam kết nối ASEAN đi Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Quý Châu (Trung Quốc) sang Trung Á và châu Âu. Đồng thời, đảm bảo giao thương thuận lợi, nâng cao hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng kết nối khu vực nói riêng.
Ngoài ra, Dự án giúp kết nối các trục ngang tuyến trong mạng lưới hệ thống đường cao tốc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển của tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế khu vực phía Bắc, tạo dư địa, động lực, không gian phát triển cho toàn vùng Đông Bắc với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn)
Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài hơn 43 km, điểm đầu tại Quốc lộ 1A, kết nối với đường vào cửa khẩu Hữu Nghị, thuộc thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Điểm cuối kết nối với cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng, thuộc xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
Cao tốc được đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m ở giai đoạn 1. Ở giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được nâng lên 6 làn xe, với nền đường rộng 32 m.
Dự án cũng đầu tư hai đoạn kết nối với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam dài 17 km. Hai đoạn này ban đầu có quy mô 2 làn xe, rộng 14,5 m, và sẽ được nâng lên 4 làn xe, rộng 22 m khi hoàn chỉnh.
Tổng mức đầu tư của cao tốc này là 11.024 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước tham gia hơn 5.490 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động là 5.520 tỷ đồng. Vốn nhà nước được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc dự án, chi trả cho việc giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư.
Được khởi công tháng 4/2024, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng của cao tốc đạt 67%, phấn đấu đến hết tháng 12/2024 sẽ bàn giao 100%.
Dự án đã huy động 570 nhân sự, 350 đầu xe máy móc thiết bị, triển khai 30 mũi thi công theo các phân đoạn mặt bằng được bàn giao. Dự kiến tổng sản lượng hoàn thành trong năm 2024 là 595 tỷ đồng, tổng giải ngân các nguồn đạt 1.450 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành đi vào hoạt động, dự án sẽ kết nối các cửa khẩu Hữu Nghị - Cốc Nam - Tân Thanh (Lạng Sơn) đến các trung tâm kinh tế Hà Nội - Bắc Giang - Bắc Ninh, kết nối ra các cảng biển tại khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh, góp phần tăng cường thông thương trong nước và quốc tế, cùng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đồng bộ toàn mạng lưới cao tốc phía Bắc, nâng cao hiệu quả vận hành khai thác chung.
Bên cạnh đó, tuyến cao tốc này khi hoàn thành sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết bài toán lưu lượng và doanh thu của tuyến cao tốc “cụt” Bắc Giang - Lạng Sơn hiện nay.
Bởi sau gần 5 năm đưa vào khai thác, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Hiện nay, khi hết cao tốc, các phương tiện phải di chuyển thêm khoảng 30 km trên Quốc lộ 1A mới đến được thành phố Lạng Sơn và cần đi thêm 43 km nữa nếu muốn tới cửa khẩu Hữu Nghị.
Sự gián đoạn này đã làm giảm hiệu quả đầu tư của đoạn tuyến Bắc Giang - Lạng Sơn. Hơn nữa, Quốc lộ 1A thường xuyên quá tải, khiến hàng hoá vận chuyển tới cửa khẩu bị tắc nghẽn. Nhiều người ví von tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là tuyến "cao tốc cụt", và tuyến này sẽ giảm giá trị nếu như tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng không được triển khai.