Xây dựng lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam chính quy

Trần Thu

Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết từ tháng 6/2014-8/2022, Quân đội đã cử 512 lượt sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi làm nhiệm vụ ở Phái bộ Nam Sudan, CH Trung Phi, khu vực Abyei....

Xay dung luc luong gin giu hoa binh LHQ cua Viet Nam chinh quy hinh anh 1

Đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng tiễn đoàn lên đường. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Sáng 25/8, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm công tác tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và công bố Quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 theo hình thức trực tuyến.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành, Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, chủ trì Hội nghị.

Báo cáo rút kinh nghiệm công tác tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng cho biết từ tháng 6/2014 đến tháng 8/2022, Quân đội đã cử 512 lượt sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc.

Các lực lượng của Việt Nam đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ; được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ; được Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đóng góp tích cực vào sự thành công trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 của Việt Nam với phiếu bầu rất cao (192/193 phiếu tán thành).

Đồng thời, lực lượng Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã thể hiện tính chuyên nghiệp, kỷ luật, tinh thần đoàn kết quốc tế, đặc biệt là khả năng thích ứng nhanh trong môi trường làm việc khắc nghiệt tại các phái bộ. Đáng chú ý, năm 2020, 4 sỹ quan của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã xuất sắc vượt qua các bài kiểm tra và được Liên hợp quốc tuyển dụng.

Đối với hình thức cá nhân, từ 2 sỹ quan Quân đội đầu tiên đi làm sỹ quan liên lạc tại Phái bộ Nam Sudan năm 2014, đến nay, Việt Nam đã cử 76 lượt sỹ quan hoạt động độc lập trên các cương vị sỹ quan: tham mưu tác chiến, tham mưu huấn luyện, trang bị, phân tích thông tin tình báo, quân lương, ngoài ra còn có vị trí quan sát viên quân sự.

Đối với hình thức đơn vị, từ tháng 10/2018 đến nay, Việt Nam đã triển khai 4 Bệnh viện dã chiến cấp 2 tới Nam Sudan. Các bệnh viện đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được chỉ huy Phái bộ đánh giá cao, tiếp tục khẳng định được năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao, là chỗ dựa tin cậy về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên Liên hợp quốc tại địa bàn. Đặc biệt, tháng 5/2022, Việt Nam đã cử Đội Công binh đầu tiên với 184 sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp và gần 2.000 tấn trang thiết bị sang Phái bộ Lực lượng an ninh lâm thời của Liên hợp quốc tại Abyei (UNISFA).

Thực hiện Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh, trong 8 năm qua, Việt Nam đã cử tổng số 74 nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, từ tháng 6/2018, Liên hợp quốc đã công nhận Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam là một trong bốn Trung tâm Huấn luyện quốc tế ở khu vực để triển khai huấn luyện theo chương trình Đối tác ba bên (Việt Nam, Liên hợp quốc và Nhật Bản). Từ năm 2018-2020, Việt Nam đã tổ chức 3 khóa huấn luyện cho hơn 100 học viên quốc tế và trong nước về vận hành trang bị công binh hạng nặng.

Theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Bộ Quốc phòng đã tích cực phối hợp với Bộ Công an tiếp nhận và huấn luyện về gìn giữ hòa bình cho gần 30 sỹ quan của Bộ Công an, giúp bồi dưỡng, huấn luyện tiền triển khai, kiểm tra, sát hạch cho hàng chục sỹ quan trước khi đi tập huấn tại nước ngoài và phục vụ các đợt kiểm tra của Liên hợp quốc. Kết quả, hiện Bộ Công an có 4 sỹ quan được lựa chọn triển khai (1 sỹ quan tại Trụ sở Liên hợp quốc, 3 sỹ quan tại Phái bộ Nam Sudan).

Để Việt Nam tiếp tục tham gia có hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh, công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước về chỉ đạo, quản lý, chỉ huy và điều hành lực lượng tại các phái bộ cần được chú trọng, song song với việc xây dựng, nâng cao năng lực cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội và Công an ngày càng chính quy, kỷ luật, có tính chuyên nghiệp cao.

Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành xây dựng Trung tâm điều phối quốc gia về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc do Bộ Quốc phòng chủ trì, từ đó thống nhất công tác chuẩn bị, nâng cao hiệu quả triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân.

Đồng thời, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đề nghị đẩy mạnh, đa dạng hóa nội dung và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc để thu hút nguồn lực từ bên ngoài, đặc biệt là với các đối tác có nhiều thế mạnh về nguồn lực, kinh nghiệm công tác huấn luyện. Việt Nam cần chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong các cơ chế đa phương khu vực và quốc tế.

Dịp này, Thiếu tướng Trịnh Ngọc Giao, Phó Cục trưởng Cục Quân lực thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam đã công bố quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng về việc thành lập Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 thuộc Bệnh viện Quân y 175 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc./.