Gia cảnh khốn khó
Ngôi làng hẻo lánh ở Đăk Đoa (xã Đăk Rinh, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), nằm sâu trong thung lũng. Trong căn nhà của cậu học trò nghèo A Quê ngập tràn tiếng cười. Người làng rủ nhau đến chúc mừng A Quê, người con ưu tú làm rạng danh bản làng. Bởi đã lâu lắm rồi ở nơi rẻo cao này mới có người đỗ đại học.
Cuộc sống của người dân ở ngôi làng hẻo lánh này còn nghèo, sóng điện thoại chập chờn lúc có lúc không, mạng internet là một điều gì đó quá xa xỉ. Ấy vậy mà, cậu học trò nghèo làm nên "kỳ tích" với điểm thi tốt nghiệp khá cao, Ngữ văn đạt 7,25 điểm, Lịch sử 8,5 điểm, trong đó môn Địa lý đạt 10 điểm tuyệt đối.
Đặt chân đến đầu làng, chúng tôi hỏi thăm nhà A Quê, người dân ai nấy với vẻ mặt đầy tự hào, nhiệt tình chỉ đường. "Thương thằng bé ngoan hiền, chăm chỉ học hành, giờ đỗ đạt như thế nhưng nhà nghèo, mồ côi cha, mẹ tàn tật, không biết nó có viết tiếp được ước mơ của mình hay không, hay lại chọn ở nhà làm thuê phụ giúp gia đình", một người làng nói.
Sau cuộc trò chuyện ngắn ngủi với những người làng, một thanh niên dẫn chúng tôi đến tận ngõ nhà A Quê. Vòng qua mấy khúc cua, phía cuối làng, chỉ tay vào căn nhà gỗ đã cũ, thanh niên ra hiệu chúng tôi dừng lại. Trước cửa căn nhà gỗ, là hình ảnh cậu thanh niên ngồi tựa vào vai mẹ già thủ thỉ điều gì đó. Thấy khách lạ ghé thăm, hai mẹ con nở nụ cười mời khách vào nhà. Trong nhà chẳng có tài sản gì giá trị ngoài chiếc ti vi 16 inch đời cũ.
Trò chuyện với chúng tôi, A Quê giới thiệu: "Mẹ em là Y Phong (49 tuổi) đôi chân bị liệt không thể đi lại được, bố đã mất cách đây nhiều năm". Theo quan sát của chúng tôi, dù bị liệt đôi chân, nhưng bù lại, bà Y Phong có đôi tay khỏe mạnh, có thể di chuyển làm những việc lặt vặt trong nhà. Đặc biệt gương mặt lạc quan, luôn nở nụ cười.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Y Phong chia sẻ, từ nhỏ bà mắc bệnh bại liệt nên không thể đi lại được. Hơn 22 năm trước, bà nên duyên với bố của A Quê, sinh được 4 người con. Dù cuộc sống vất vả, nhưng hai vợ chồng cố gắng gượng nuôi nấng 4 người con. Thế nhưng số phận trớ trêu, 12 năm trước bố Quê bạo bệnh qua đời, để lại người mẹ khuyết tật gồng gánh nuôi con.
Nhà đông con, bản thân khuyết tật, không gồng gánh nổi, bà dắt díu đàn con nhỏ về nhà bà ngoại và dì nương tựa. Nhà có ít ruộng lúa, mỗi vụ cũng chỉ thu được dăm ba bao gạo. Những ngày nông nhàn, bà ngoại và dì của A Quê làm thuê đủ nghề để nuôi mấy miệng ăn. Thế nhưng ở quê ít việc, thu nhập chẳng đáng là bao, nên cả gia đình ăn bữa nay lại lo bữa mai.
Những năm thất bát, lúa vừa về đến sân phơi đã hết. Chẳng đủ gạo ăn, bà ngoại A Quê phải vay mượn khắp nơi để gia đình duy trì cuộc sống. Thời gian gần dây, bà ngoại A Quê sức đã yếu đi nhiều nên chỉ quanh quẩn ở nhà. Bởi vậy, gánh nặng nuôi gia đình có 6 người dồn cả lên đôi vai người dì.
Bà Y Phong lo lắng: "Hoàn cảnh gia đình thì vẫn thiếu trước hụt sau, lo chạy ăn từng bữa. Giờ con đậu đại học, cháu cũng mong muốn học hành thành đạt, có cái nghề kiếm tiền phụ giúp gia đình, mình rất mừng và cũng rất lo. Mình lo con đi học xa nhà, gia đình lại nghèo không có tiền. Hiện tại, mình không biết xoay sở thế nào cả".
Ước mơ vào đại học
Trò chuyện với chúng tôi, A Quê chia sẻ, nhà em nghèo, thương mẹ, thương bà ngoại nên mấy anh chị em ai cũng ý thức luôn phải cố gắng chăm ngoan, học hành thật giỏi. Những ngày rảnh rỗi, mấy chị em cũng rủ nhau đi làm thuê để phụ giúp gia đình. Chưa học hết cấp 3, chị gái đã vội đi lấy chồng để gia đình bớt một miệng ăn.
Trước thành tính đáng nể của cậu học trò nghèo, chúng tôi ngỏ ý muốn xem góc học tập của em. Tuy nhiên, Quê đưa tay gãi đầu, ngại ngùng: "Nhà em làm gì có có bàn ghế, làm gì có góc học tập riêng. Những lúc ôn bài em cầm sách vở bày ra giữa sàn nhà rồi học. Nhà bé tý, lại đông người có chỗ ăn chỗ ngủ cho các thành viên trong gia đình là em mừng lắm rồi".
Quê lo lắng: "Bản thân em luôn cố gắng hơn các bạn cùng trang lứa. Vì vậy em, phấn đấu thi vào Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Kon Plông để được hỗ trợ chỗ ăn ở. Nhà xa quá, em ở lại trường đôi ba tháng mới về một lần. Thương bà, thương dì, thương mẹ, 12 năm qua, em luôn là học sinh giỏi của trường.
Sắp tới nhập học em cũng rất lo lắng, vì không biết lấy tiền đâu để trang trải chi phí đi lại, ăn ở. Vừa rồi biết hoàn cảnh của em, có một số người hỗ trợ em một chút tiền học phí. Trước mắt em muốn nhập học xong, thì sẽ kiếm việc gì đó để làm thêm. Em mong muốn học xong ra trường kiếm được một công việc ổn định để lo cho gia đình mình".
Nói về lựa chọn sắp tới, A Quê cho biết, em dự định sẽ nộp nguyện vọng vào Trường đại học Quy Nhơn ngành Sư phạm địa lý.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Đăk Rinh cho biết: “Sau khi nắm được thông tin về điểm số của em Quê trong kỳ thi vừa qua, xã rất vinh dự khi có một học sinh trên địa bàn đạt thành tích tốt. Qua thông tin anh em xã nắm được. gia đình em Quê có hoàn cảnh rất khó khăn. Để động viên em yên tâm học hành, xã đã huy động các mạnh thường quân hỗ trợ một phần kinh phí để em có thể bước đến giảng đường đại học”.
Xem thêm: Bình Phước: Hỗ trợ 460 học sinh có hoàn cảnh khó khăn thi tốt nghiệp