Cán bộ Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế) kiểm tra dữ liệu máy tính của đối tượng mua bán trái phép thông tin cá nhân. (Ảnh minh họa: PHƯƠNG THỦY) |
Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới tình trạng nhiều phụ huynh tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội bị lừa chuyển khoản từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng khi nhận thông tin con mình phải nhập viện cấp cứu.
Thủ đoạn chiếm đoạt tài sản là các đối tượng mạo danh nhân viên bệnh viện, giáo viên, nhân viên y tế và những người liên quan gọi điện, nhắn tin với nội dung học sinh bị tai nạn cấp cứu, yêu cầu chuyển khoản gấp để thanh toán viện phí. Do quá lo lắng, không ít cha mẹ học sinh đã chuyển khoản và bị lừa hàng trăm triệu đồng.
Trước thực trạng này, nhiều trường học trên địa bàn TP Hà Nội đã yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm thông báo đến cha mẹ học sinh của tất cả các lớp trên toàn trường để tránh bị lừa.
Thông báo của Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) gửi tới cha mẹ học sinh nêu rõ: "Kẻ xấu nắm rất rõ thông tin của học sinh và tên chính xác của giáo viên, kể cả môn dạy. Nếu cha mẹ học sinh nhận được tin nhắn, cuộc gọi tương tự thì liên hệ ngay với nhà trường hoặc thầy, cô chủ nhiệm để xác minh".
Tuy đã được cảnh báo về hình thức lừa đảo này, nhưng nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn với câu hỏi không hiểu thông tin của phụ huynh, học sinh lộ, lọt bằng cách nào, khi hiện nay các trường học, cơ quan nhà nước đều có quy trình, quy định quản lý thông tin một cách chặt chẽ, có kiểm tra độ bảo mật và an toàn.
Hiện nay, với gần 70 triệu người sử dụng internet và các dịch vụ trực tuyến ngày càng phổ biến, dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực này trở thành nguyên liệu đầu vào để khai thác, cho nên tình trạng mua bán, trao đổi kho dữ liệu diễn ra phức tạp. |
Theo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội, thông tin, số điện thoại cha mẹ và dữ liệu cá nhân học sinh bị lộ có thể qua nhiều hình thức khác nhau như: lỗ hổng bảo mật, dữ liệu do các đơn vị, doanh nghiệp; cửa hàng thu thập làm lộ, lọt, như khi làm thẻ khách hàng tại khu vui chơi, cửa hàng ăn uống, trung tâm ngoại ngữ...
Bởi lẽ, không chỉ sự việc xảy ra mới đây mà thực tế đã có rất nhiều người rơi vào tình cảnh "dở khóc, dở cười" này. Chị Huyền Minh, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: "Tôi từng mua căn hộ chung cư, sau khi đăng ký thông tin cá nhân để mua thì vài ngày sau đó tôi nhận được khá nhiều cuộc gọi đến hỏi có cho thuê nhà không, có bán nhà không. Nhiều lúc cảm thấy rất khó chịu. Tôi nghĩ rằng số điện thoại của mình đã bị cung cấp ra ngoài".
Không ít người cũng than phiền việc sau mỗi lần gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng thì mỗi ngày lại có một vài số điện thoại lạ gọi đến chào mời đầu tư bất động sản, mua bảo hiểm, tham gia rút thăm trúng thưởng các chuyến du lịch.
Thực tế, việc bị nhận cuộc gọi không mong muốn như các trường hợp nêu trên đã trở thành hiện tượng tương đối phổ biến trong xã hội, gây nhiều phiền toái và bức xúc.
Ðang dự một cuộc họp quan trọng, đang tập trung hoàn thành công việc, tham gia giao thông, hay thậm chí đang lúc ngủ ngon sau ca trực đêm vất vả, bỗng dưng có người gọi điện chào mời mua hàng hóa, dịch vụ. Ðó là tình huống không ít người đã từng gặp phải và cảm thấy bực bội. Nguy hiểm hơn, trong xã hội đã xảy ra rất nhiều vụ việc gọi điện giả danh cơ quan nhà nước, cơ quan công an để lừa đảo, chiếm dụng tài sản, tiền trong tài khoản ngân hàng; tống tiền, đe dọa theo kiểu xã hội đen; chiếm dụng tài khoản mạng xã hội để lừa đảo người thân, bạn bè của chủ tài khoản...
Hiện nay, với gần 70 triệu người sử dụng internet và các dịch vụ trực tuyến ngày càng phổ biến, dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực này trở thành nguyên liệu đầu vào để khai thác, cho nên tình trạng mua bán, trao đổi kho dữ liệu diễn ra phức tạp.
Ngày càng nhiều chủ thể tham gia vào quá trình thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau, nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra hành vi vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Hậu quả xảy ra có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tài chính, tâm lý, đời sống riêng tư của các cá nhân.
Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và đặc biệt là người dân cần ý thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân khi tham gia sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng.
Cùng với đó việc hoàn thiện hệ thống các quy định, chế tài rõ ràng, đủ sức răn đe với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; xử lý nghiêm khắc các hành vi trao đổi, buôn bán, làm lộ, lọt thông tin cá nhân.
Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và đặc biệt là người dân cần ý thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân khi tham gia sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng.
Cần có những biện pháp cả về kỹ thuật lẫn pháp lý. Ngoài việc các cá nhân có các biện pháp tự bảo vệ mình, thì các tổ chức thu thập dữ liệu cũng phải có biện pháp bảo mật thông tin, tránh bị đánh cắp; khi thu thập thông tin phải mã hóa trước khi lưu trữ và sử dụng dữ liệu; đồng thời cần nghiêm túc rà soát lại hệ thống để bảo đảm an toàn thông tin cho khách hàng.
Quan trọng hơn, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo mật thông tin cá nhân; cân nhắc kỹ trước khi cung cấp thông tin cá nhân, hạn chế chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, nhằm bảo vệ mình trước nguy cơ bị lộ thông tin trên mạng xã hội.
"Mua bán dữ liệu cá nhân trên mạng không còn là vấn đề mới tại Việt Nam. Song, những năm gần đây diễn ra phức tạp, quy mô lớn, công khai trước sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Các cơ quan chức năng cần xây dựng hệ thống các quy định rõ ràng, đủ sức răn đe với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật với các hành vi trao đổi, buôn bán, làm lộ thông tin cá nhân khi không được phép". Luật sư Hoàng Thu Hằng (Văn phòng luật sư Hồng Ðức) |
THANH HỒNG và QUANG MINH