Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có thông tin về 10 kết quả nổi bật công tác giáo dục và đào tạo Thủ đô năm 2023, cụ thể như sau:
1. Quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển. Năm học 2023 - 2024, thành phố Hà Nội có 2.875 trường mầm non, phổ thông; gần 2,3 triệu học sinh; hơn 124.000 giáo viên. Đến hết tháng 12/2023, tỉ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 76%. Công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn Thành phố được tăng cường. Công tác tham mưu về cơ chế chính sách được thực hiện chủ động.
2. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên. Năm 2023, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức công khai, minh bạch, đảm bảo tiến độ, kế hoạch kỳ tuyển dụng viên chức làm việc tại các trường, cơ sở giáo dục trực thuộc Sở (tuyển dụng được 397 viên chức).
Tham mưu UBND Thành phố trình Hội đồng xét tặng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng 1 “Nhà giáo Nhân dân” và 56 “Nhà giáo ưu tú” cho các nhà giáo thuộc thành phố Hà Nội.
3. Chất lượng giáo dục đại trà được quan tâm; triển khai thực hiện bài bản, khoa học, hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
4. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở mức cao. Năm qua, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức an toàn 6 kỳ thi, đặc biệt, năm 2023, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông chung toàn thành phố đạt 99,56% (tăng 11 bậc so với năm 2022; Hà Nội là địa phương có nhiều điểm 10 thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhất cả nước với 1.232 điểm 10, tăng 3,35 lần so với năm 2022).
Trong đó, khối giáo dục thường xuyên đạt gần 98,3%, tăng 2% - tăng 4 bậc so với năm 2022).Công tác tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp năm học 2023 - 2024 đảm bảo nghiêm túc, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân.
5. Học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế với 12 học sinh đạt giải quốc tế; là địa phương dẫn đầu cả nước với 141 học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Đứng đầu Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V do Bộ GD&ĐT tổ chức với 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba.
6. Phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025 được các quận, huyện, thị xã, các trường học trên địa bàn Thành phố hưởng ứng, triển khai thực hiện.
Đây là một trong những giải pháp trọng tâm của Sở GD&ĐT Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần từng bước thu hẹp khoảng cách, chất lượng giáo dục giữa các nhà trường, các quận nội thành và các huyện ngoại thành trên địa bàn thành phố Hà Nội.
7. Công tác giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục, xây dựng “Trường học hạnh phúc” được quan tâm. Sở đã phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, biên soạn nội dung, phương pháp thể hiện các trò chơi dân gian để đưa vào chương trình giáo dục thể chất của học sinh phổ thông; triển khai chương trình giáo dục di sản, tham quan học tập ngoại khoá tại các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn thành phố Hà Nội.
8. Công tác bồi dưỡng, phát triển Đảng viên trong học sinh có sự chuyển biến rõ nét. Số lượng học sinh được kết nạp Đảng năm học 2022 - 2023 tại các trường thuộc Sở là 92 học sinh, bằng gần 4 lần tổng số học sinh tại các trường thuộc Sở được kết nạp trong thời gian 12 năm (từ năm 2010 đến năm 2022): 26 học sinh.
9. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được quan tâm, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết, xử lý công việc và nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.
10. Công tác phối hợp giữa ngành GD&ĐT với các Cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, các Sở, ban, ngành Thành phố, các quận, huyện, thị xã có nhiều chuyển biến tích cực. Hợp tác về giáo dục và đào tạo của Thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước và các thành phố trên Thế giới được tăng cường: Tỉnh Fukuoka, Tokyo (Nhật Bản), Tasmania (Úc), Chungcheongbuk, (Hàn Quốc), Singapore… Tổ chức lớp Bồi dưỡng, nâng cao phương pháp dạy học, công nghệ thông tin ở nước ngoài cho 56 giáo viên tại Úc,...