Cách thức chấm thi tốt nghiệp THPT như thế nào với câu hỏi mở?

Admin

Để tạo tiền đề cho năm 2025, kỳ thi vừa qua sử dụng nhiều ngữ liệu sát với thực tế nhằm tránh học tủ, học vẹt và văn mẫu.

Chiều nay (28/6), ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Bộ GD&ĐT đã có cuộc họp báo thông tin về quá trình tổ chức thi.

Nhìn chung, kỳ thi cuối cùng của Chương trình 2006 được đánh giá có tính đổi mới, đề thi sát với thực tế. Mặc dù cấu trúc định dạng đề không thay đổi nhưng có nhiều nội dung gợi mở phù hợp với lứa thí sinh học cả chương trình cũ và mới. Đây cũng là tiền đề cho kỳ thi năm 2025.

Không có chuyện lộ đề thi

Các vấn đề liên quan đến lộ đề thi, cách thức chấm thi tự luận và những quy định về kỳ thi là những nội dung nhận được rất nhiều sự quan tâm.

Câu hỏi lộ đề thi có thật sự là ngẫu nhiên hay không khi các thông tin lan truyền đoán trúng tác phẩm thi môn Ngữ văn hay chỉ rõ được nguồn bài đọc trong môn thi tiếng Anh là những băn khoăn báo chí gửi đến ngành giáo dục.

Trả lời nội dung này, GS.Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng Ban đề thi cấp quốc gia nhấn mạnh môn Ngữ văn không có lộ hay lọt đề thi. Có khẳng định này vì theo ông Hà nếu trùng cả về đoạn trích và lệnh hỏi thì mới coi là lộ đề.

Giáo dục - Cách thức chấm thi tốt nghiệp THPT như thế nào với câu hỏi mở?

GS.Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng Ban đề thi cấp quốc gia.

Còn đối với bài thi Tiếng Anh từ nhiều năm nay nguồn tư liệu vẫn sử dụng từ những sách, báo nước ngoài có uy tín và được kiểm duyệt.

Thông tin về cách thức chấm thi, ông Hà cho hay: “Đề thi Ngữ văn những năm gần đây có tính mở vì vậy quá trình chấm cũng phải có linh hoạt phù hợp. Sẽ có tiêu chí nhất định liên quan đến tính giáo dục, định hướng, còn với nội dung câu hỏi mở rộng nếu thí sinh có khác phương án nhưng đúng định hướng, có tính chất phát triển ý vẫn sẽ được xem xét tính điểm”.

Tại họp báo cũng có những phản ánh về việc đề thi môn Toán bị in mờ ở Hội đồng thi tỉnh Đắk Lắk, đề môn Lịch sử nghi vấn có nhiều đáp án đã được Bộ GD&ĐT nhận thông tin và rà soát kiểm tra.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT không mất đi vai trò của mình

Thông qua kỳ thi năm nay, vấn đề về vai trò, vị trí của kỳ thi tốt nghiệp THPT lại được đặt ra. Bởi hiện nay, áp lực của những nhân vật chính không còn, nhiều thí sinh đã nhận kết quả trúng tuyển sớm khiến lo ngại đây chỉ là cuộc thi mang tính hình thức? 

Trước câu hỏi này, ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho hay: “Thực hiện theo Luật Giáo dục và các văn bản liên quan kỳ thi tốt nghiệp THPT phải đảm bảo 3 mục tiêu là xét tốt nghiệp, đánh giá quá trình dạy và học và trên cơ sở tự chủ các trường sử dụng xét tuyển đại học”.

Giáo dục - Cách thức chấm thi tốt nghiệp THPT như thế nào với câu hỏi mở? (Hình 2).

Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) thông tin đến báo chí.

Cùng với đó ông Chương dẫn chứng, qua mỗi năm vẫn có khoảng 45-60% các cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả này và kỳ thi diễn ra nhằm đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh vùng sâu, vùng xa không có đủ điều kiện tham dự nhiều cuộc thi khác nhau vì vậy đây vẫn là một kỳ thi quan trọng.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ có những điều chỉnh hướng đến phát triển năng lực thí sinh, đề thi có sự phân hoá để tăng thêm độ tin cậy của kết quả bài thi.

Kết luận buổi họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, trong 2 ngày vừa qua, bằng sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành, sự phối hợp của các cấp, ngành, công tác coi thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Kỳ thi năm nay đã nhận được nhiều kết quả khi số thí sinh vi phạm quy chế thi giảm hẳn so với năm 2023 dù số lượng dự thi đông hơn, đặc biệt không có những vi phạm mang tính phức tạp như phát tán đề thi.

Giáo dục - Cách thức chấm thi tốt nghiệp THPT như thế nào với câu hỏi mở? (Hình 3).

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.

“Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi bảo đảm cấu trúc, định dạng như đã công bố, nằm trong chương trình THPT, có độ phân hóa phù hợp.

Việc bảo đảm an ninh, an toàn, từ in sao, vận chuyển, bảo quản đề thi, bài thi; an toàn giao thông; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn phòng chống cháy nổ; an ninh trật tự… đều được bảo đảm”, ông Phạm Ngọc Thưởng đánh giá.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đây mới chỉ kết thúc bước đầu của công tác thi, vẫn còn khâu chấm thi, ghép điểm,… cũng là những nội dung hết sức quan trọng cần được đảm bảo.

Theo Báo cáo của Bộ GD&ĐT về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, tất cả các điểm thi diễn ra theo đúng kế hoạch. Số liệu thống kê theo báo cáo của các địa phương và các đoàn thanh tra, kiểm tra cho thấy trong cả kỳ thi có 30 thí sinh vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; 0 cán bộ nào vi phạm Quy chế thi. Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.