Cần nhân lực lớn giáo viên môn tích hợp, thí sinh cân nhắc lựa chọn

Admin

Việc mở chuyên ngành đào tạo chính quy giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý được kỳ vọng sẽ là giải pháp then chốt cho những vướng mắc hiện nay.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã cho phép Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đào tạo ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý và Sư phạm Khoa học tự nhiên trình độ đại học. Việc có thêm ngành đào tạo chính quy môn học tích hợp được đánh giá là đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn, giải quyết những vấn đề vướng mắc của môn học này hiện nay.

Theo đó, môn tích hợp là môn học mới trong Chương trình GDPT 2018, áp dụng giảng dạy trong các trường THCS từ năm 2021. Trong đó, môn Khoa học tự nhiên tích hợp từ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học của chương trình cũ. Môn Lịch sử và Địa lý tích hợp từ môn Lịch sử và Địa lý của chương trình cũ.

Trao đổi với Người Đưa Tin về nhóm ngành mới, ông Trần Bá Trình – Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Đối với 2 ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý và Sư phạm Khoa học tự nhiên sẽ có thời lượng đào tạo giống với các ngành sư phạm khác với khoảng 136 tín chỉ. Trong đó, môn lý luận chung chiếm khoảng 25%, các môn nghiệp vụ khoảng 25% và các học phần chuyên môn chiếm 50%”.

Theo ông Trình, các môn nghiệp vụ của 2 ngành sẽ tập trung vào dạy trực tiếp môn học tích hợp phục vụ cho Chương trình GDPT 2018 ở cấp THCS với khoảng 13 tín chỉ, chia thành 4 học phần then chốt. “Mục tiêu đảm bảo sau khi tốt nghiệp người học có thể đủ năng lực giảng dạy được ở cấp THCS”, ông Trình nói.

Giáo dục - Cần nhân lực lớn giáo viên môn tích hợp, thí sinh cân nhắc lựa chọn

Việc dạy môn tích hợp đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến đội ngũ giáo viên (Ảnh: Hữu Thắng).

Đối với các học phần đào tạo về chuyên ngành, cũng sẽ chia theo lĩnh vực như Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý và có sự tương đương với các ngành Sư phạm đơn môn.

“Điều này cũng tạo thuận lợi cho sinh viên học chương trình 2 (học song song 2 văn bằng). Sinh viên các ngành đơn môn sang năm thứ 2 có thể học chương trình ngành Khoa học tư nhiên. Các học phần trùng lặp sẽ được công nhận chuyển điểm sang ngành 2, điều này tạo điều kiện rút ngắn thời gian đào tạo”, ông Trình thông tin thêm.

Cũng theo ông Trần Bá Trình mặc dù đây là năm đầu tiên tuyển sinh ngành đào tạo dạy môn tích hợp nhưng với cấu trúc chương trình như trên nếu thuận lợi chỉ khoảng hơn 2 năm sau sẽ có sinh viên tốt nghiệp và tham gia vào thị trường lao động.

Đây cũng là nét đặc sắc của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khi có tỉ lệ không nhỏ sinh viên ra trường có 2 bằng giúp có thêm năng lực chuyên môn.

Ông cũng cho rằng, việc chính thức mở thêm ngành mới đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp được kỳ vọng giải quyết những khó khăn khi giảng dạy môn học này hiện nay.

“Có chương trình đào tạo chính quy sẽ giúp chỉ cần một giáo viên có thể giảng dạy môn tích hợp. Đây là giải pháp căn bản toàn diện, trong thời gian triển khai chương trình mới tiếp theo đây sẽ là giai đoạn chuyển đổi từ đội ngũ dạy đơn môn và học chứng chỉ bồi dưỡng sang đội ngũ giáo viên được đào tạo chính quy, cung ứng nguồn nhân lực đang thiếu hiện nay”, ông Trần Bá Trình đánh giá.

Giáo dục - Cần nhân lực lớn giáo viên môn tích hợp, thí sinh cân nhắc lựa chọn (Hình 2).

Ngành đào tạo mới mở ra nhiều cơ hội việc làm cho thí sinh (Ảnh: Hữu Thắng).

Thông tin thêm về kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm nay, ông Trình cho biết, năm nay, kỳ thi vẫn giữ ổn định như những năm trước đặc biệt là đề thi vẫn bám theo chương trình GDPT 2006.

Tuy nhiên, năm 2024 ngoài 7 trường sư phạm trọng điểm năm nay có thêm Trường Đại học Y dược Thái Bình công nhận điểm thi của nhà trường. Cùng với đó, có thêm điểm thi tại Đại học Sư phạm Đại học Đà Nẵng để tạo điều kiện cho các thí sinh ở miền Trung có thể tham dự.

Trước đó, trao đổi với Người Đưa Tin, bà Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đánh giá: “Việc các trường sư phạm cần thay đổi mục tiêu, chương trình, mô hình đào tạo đã trở thành yêu cầu bức thiết từ lâu, nhưng thực tế có rất ít sự thay đổi ở các trường đào tạo giáo viên để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”.

Theo chuyên gia dạy học tích hợp cần được đưa vào đào tạo giáo viên như là một phương pháp dạy học, đồng thời  nội dung liên môn, các khoa học cơ sở cho môn học cũng cần được chú trọng đưa vào chương trình đào tạo.

“Việc này sẽ cung cấp cho những người đang học nghề sư phạm những hiểu biết và kỹ năng dạy học, là những điều kiện cần để giảng dạy trong bối cảnh ngày nay”, bà Thơ bày tỏ.

Tại buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đánh giá việc dạy học tích hợp là điểm nghẽn, điểm khó nhất trong triển khai chương trình mới trong những năm qua.

"Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Nhưng phần nhiều, vẫn đang chia ra thành các học phần riêng với các mạch kiến thức riêng. Sách giáo khoa vẫn đang biên soạn với các phần riêng biệt. Nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, giáo viên, dù đã được tập huấn, việc đảm nhiệm môn tích hợp vẫn đang là thách thức rất lớn", Bộ trưởng nêu.

Căn cứ vào thực tế triển khai, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp THCS. Song, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc.