Chặn núp bóng hàng Việt Nam để né thuế

Admin

Bộ Công Thương đề nghị các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nắm bắt diễn biến vụ việc để chủ động ứng phó


Bộ Công Thương cho biết trong thời gian gần đây, số lượng vụ việc "núp bóng" hàng xuất khẩu của Việt Nam để lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) của nước ngoài ngày càng gia tăng. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại.

Gần 40 vụ kiện

Theo bà Trương Thùy Linh, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (PVTM - Bộ Công Thương), trong tổng số 257 vụ việc PVTM mà Việt Nam phải đối mặt tới nay, đã có 37 vụ việc điều tra CBPG.

Cuối tháng 9 vừa qua, Hiệp hội Sản xuất lốp xe Nam Phi cáo buộc Việt Nam lẩn tránh thuế CBPG đang áp dụng với Trung Quốc, với biên độ lên tới 84%. Trước đó, tháng 5-2023, Ủy ban Quản lý quốc tế Nam Phi (ITAC) đã ban hành quyết định áp thuế CBPG đối với lốp ô tô, xe buýt và xe tải có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc ở mức từ 7,18% - 43,60%.

Liên quan tới mặt hàng lốp xe, ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam, lo lắng có tình trạng lẩn tránh PVTM. Hiện nay, lốp ô tô ở trong nước chịu sự cạnh tranh lớn, với quy mô sản xuất của doanh nghiệp (DN) FDI lên tới hàng chục triệu lốp mỗi năm. Do vậy, cơ quan chức năng cần có giải pháp PVTM hỗ trợ DN Việt ở thị trường trong nước và bảo đảm không bị cáo buộc lẩn tránh thuế ở thị trường xuất khẩu.

Với ngành nhôm, ông Ngô Minh Kế, Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, thông tin khoảng 2 năm nay, trung bình cứ khoảng 2 tháng lại có một nhà máy sản xuất nhôm vốn Trung Quốc đầu tư xây dựng ở Việt Nam. Ông nghi vấn các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm từ nhôm ở Việt Nam, đẩy các đơn hàng gia công sang Việt Nam để lấy giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của Việt Nam nhằm "né" thuế PVTM mà nhiều nước đang áp dụng đối với nhôm Trung Quốc; trong đó có cả thuế CBPG của Việt Nam vừa được gia hạn từ ngày 23-9-2024. Sự gia tăng sản lượng xuất khẩu từ Việt Nam khiến ngành sản xuất nhôm Việt phải đối mặt với ngày càng nhiều vụ điều tra PVTM, gây tốn kém công sức, tài chính của DN và nhà nước. Cơ quan chức năng phải xem xét có giải pháp đối phó với tình trạng giả mạo xuất xứ sản phẩm nhôm.

Doanh nghiệp sản xuất thép trong nước gặp phải áp lực cạnh tranh gay gắt từ thép cán nóng HRC giá rẻ của Trung Quốc. Ảnh: HP

Doanh nghiệp sản xuất thép trong nước gặp phải áp lực cạnh tranh gay gắt từ thép cán nóng HRC giá rẻ của Trung Quốc. Ảnh: HP

Trong khi đó, theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, đến nay, các vụ việc PVTM liên quan đến sản phẩm thép là 78 vụ việc, trong đó có 9 vụ kiện chống lẩn tránh thuế.

Đáng lo ngại, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 9-2024, Việt Nam đã nhập khẩu 1,2 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC), tăng 34% so với tháng 8 và gấp 2,2 lần sản lượng sản xuất trong nước. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu gần 8,8 triệu tấn HRC, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; trong đó Trung Quốc chiếm 72% tổng lượng thép HRC nhập khẩu vào Việt Nam. Lượng thép cán nóng ồ ạt vào Việt Nam bất chấp Bộ Công Thương đang điều tra, áp dụng biện pháp CBPG với một số sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ.

Nhiều nhóm hàng vào diện cảnh báo

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, lý giải Việt Nam vào tầm ngắm kiện lẩn tránh thuế của Mỹ vì có kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu đầu vào lớn từ thị trường Trung Quốc. Trước thực tế trên, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng phía Mỹ và Việt Nam để hỗ trợ, cập nhật thông tin kịp thời tới DN. Các DN cần có tâm thế sẵn sàng ứng phó và thực hiện theo hướng dẫn từ cơ quan chức năng.

Còn theo ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương vụ Việt Nam - Bỉ và Liên minh châu Âu (EU), EU hiện theo dõi rất chặt các luồng thương mại liên quan đến các mặt hàng bị áp các biện pháp PVTM. Vì thế, DN Việt Nam cần phải bảo vệ mình và ngành hàng không truyền tải, giúp các nước khác lẩn tránh thuế phòng vệ EU.

Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Canada, thông tin trong 2 năm qua, Canada có một số thay đổi lập pháp đối với các biện pháp chống bán phá giá và đối kháng. Các sửa đổi này liên quan đến các điều tra chống lẩn tránh, đối phó với tình trạng nhập khẩu lớn. Đáng chú ý, khi đã điều tra một sản phẩm, Canada thường xem xét luồng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia liên quan, dù lượng xuất khẩu có thể không đáng kể. Ngoài ra, khi bị vào tầm ngắm, các sản phẩm đều bị điều tra cả thuế CBPG và thuế đối kháng.

Bên cạnh chủ động hỗ trợ DN, Thương vụ Việt Nam tại Canada khuyến nghị DN sản xuất của Việt Nam theo dõi thông tin cảnh báo, nắm xu thế và tình hình các vụ việc PVTM liên quan đến mặt hàng mình sản xuất, kể cả của các nước khác và khi bị điều tra, cần tích cực phối hợp cung cấp thông tin để tránh bị áp thuế cao.

Về phía Bộ Công Thương, Phó Cục trưởng Cục PVTM Trương Thùy Linh đề nghị các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nắm bắt diễn biến vụ việc, báo thông tin trực tiếp về cục để chủ động ứng phó. Hiện tại, Bộ Công Thương đã cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra PVTM, chống lẩn tránh PVTM (danh sách cập nhật vào tháng cuối hằng quý) gửi các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội, DN liên quan để phối hợp theo dõi.

Theo danh sách trên, 14 nhóm sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ có nguy cơ bị điều tra lẩn tránh thuế cao như: Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ bếp và tủ nhà tắm, ghế sofa có khung gỗ, đồ nội thất phòng ngủ, đá nhân tạo bằng thạch anh, thép carbon chống ăn mòn, ống thép hộp và ống thép tròn, cán thép dự ứng lực, dây và cáp nhôm, nhôm thanh định hình, pin năng lượng mặt trời, máy giặt dân dụng cỡ lớn, tủ lạnh có ngăn đông ở trên, lốp xe tải và xe khách. Ngoài ra, một nhóm sản phẩm kính nổi có nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế khi xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ và 2 nhóm sản phẩm là thép cán nóng, thép dự ứng lực ở thị trường Mexico. 

Ông NGÔ CHUNG KHANH, Phó Vụ Trưởng vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương):

Không tạo cớ để các nước áp đặt công cụ bảo hộ

Khi thuế suất về 0% theo cam kết thực thi các hiệp định FTA, công cụ để các nước bảo hộ thị trường là biện pháp bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng vệ thương mại… Vì vậy, Việt Nam không nên tạo cớ để các nước áp đặt công cụ bảo hộ.

Các hiệp hội, DN cần cố gắng tìm hiểu, nắm rõ cam kết trợ cấp của Việt Nam trong WTO về những gì được làm và không được làm, đồng thời đề xuất hỗ trợ những nội dung phù hợp cam kết quốc tế, tránh làm cớ để các nước áp dụng biện pháp PVTM. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đối chiếu, rà soát cam kết trong WTO để bảo đảm đưa ra các biện pháp trợ cấp được phép nhưng có nguyên tắc, luật lệ tránh cạnh tranh không lành mạnh.

Các cơ quan có liên quan như hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Cục PVTM, Vụ Chính sách thương mại đa biên… cần phối hợp với nhau, thành lập nhóm để phối hợp với hiệp hội, doanh nghiệp trong cảnh báo sớm về các thông tin, đối với các biện pháp chống trợ cấp nước ngoài hiệu quả hơn.

Luật sư ĐINH ÁNH TUYẾT, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Văn phòng Luật sư IDVN:

Doanh nghiệp cần lưu trữ hồ sơ mua bán nguyên liệu

Doanh nghiệp Việt Nam cần kết nối với hiệp hội ngành hàng, cơ quan chuyên trách của Chính phủ để có thông tin và huy động nguồn lực khi đối phó với các vụ kiện PVTM. Trong đó, doanh nghiệp cần lưu trữ hồ sơ mua hàng, mua nguyên liệu; đào tạo nhân viên có chuyên môn và hiểu biết về PVTM để không lỡ cơ hội nộp đơn xin hưởng thuế thấp.

Việt Nam khởi xướng điều tra 219 vụ việc

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) như là công cụ chính sách thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước khỏi thiệt hại do sự gia tăng của hàng nhập khẩu. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 29 vụ việc PVTM và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu.

Hiện tại, trong số 29 vụ việc điều tra, có 17 biện pháp PVTM có hiệu lực. Các biện pháp này đã góp phần bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội, tăng thu cho ngân sách nhà nước khoảng 1.500 tỉ đồng mỗi năm.