Thầy Hồ Hải - Chủ nhiệm bộ môn An toàn thông tin Trường Đại học FPT chia sẻ, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại rất nhiều cơ hội trong giáo dục như cá nhân hóa giáo dục, tối ưu hóa quá trình giảng dạy và học tập, phát triển kỹ năng thế kỷ 21. Song, công nghệ này cũng tạo nên nhiều thách thức lớn như sự thiếu nguyên tắc đạo đức, vấn đề bảo mật dữ liệu, thiếu hạ tầng, nguồn lực hay các vấn đề về bình đẳng trong giáo dục.
Do đó, Trường Đại học FPT triển khai "Ứng dụng AI trong việc giảng dạy tại trường THPT" với mục tiêu hỗ trợ giáo viên cấp ba sử dụng các công cụ AI trong công việc giảng dạy. Đến nay, chương trình đã tổ chức hai khóa học trong hai tháng đầu năm, thu hút hơn 3.000 giáo viên THPT từ các tỉnh thành tham gia và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Khóa học đầu tiên được khởi động vào ngày 25/1, gồm bốn buổi học với sự tham gia của khoảng 350 giáo viên THPT ở tỉnh Bình Định và các tỉnh lân cận. khóa học tiếp theo bắt đầu từ ngày 27/2 đến nay, gồm bốn buổi học diễn ra vào tháng 2 và 3. Số lượng tham gia khóa này cao gấp 10 lần so với trước đó, chạm mốc khoảng 3.000 giáo viên THPT ở TP HCM và các tỉnh lân cận.
Các khóa học trong chương trình "Ứng dụng AI trong việc giảng dạy tại trường THPT" có nội dung đa dạng. Ngoài các thông tin về bối cảnh hiện tại và các công cụ AI, buổi học tập trung sâu hơn vào phần thực hành. Qua đó, các thầy cô có thể nắm bắt và sử dụng thành thạo công cụ, ứng dụng vào trong công việc giảng dạy của các giáo viên.
Cụ thể, trong buổi đầu, Trường Đại học FPT giới thiệu AI, các công cụ Chat GPT, Gamma; lợi ích, thách thức khi sử dụng trong giáo dục và các vấn đề an toàn thông tin. Tiếp theo, các chuyên gia sẽ hướng dẫn tạo giáo án, giáo trình, sơ đồ tư duy với Chat GPT; cách tối ưu hóa, cá nhân hóa giáo trình; đánh giá chất lượng, tính ứng dụng và tạo Prompt cho ChatGPT để xây dựng giáo án, giáo trình, sơ đồ tư duy.
Đến buổi thứ ba, giáo viên được học cách ứng dụng AI tạo câu hỏi thi, đánh giá và chia sẻ về vấn đề đạo đức và rủi ro. Cuối khóa, các chuyên gia hướng dẫn người tham gia tạo My GPTs cho giáo dục; đưa ra cái nhìn tổng quan về cách tạo mô hình ChatGPT tùy chỉnh; hướng dẫn các bước tạo My GPTs từ thu thập dữ liệu, dataset, train mô hình... và thực hành.
"Ứng dụng AI trong việc giảng dạy tại trường THPT" nằm trong dự án "Đại học FPT vì cộng đồng". Trước đó, từ năm 2022, trường cũng thực hiện nhiều hoạt động nhân văn khác: Mang âm nhạc truyền thống đến trường THPT, Dạy tiếng Anh cho cộng đồng, Dạy vẽ cho cộng đồng...
Nhật Lệ