Đại học Mỹ ứng dụng AI giữa lo ngại gian lận

Admin

MỹAI được giảng viên và sinh viên sử dụng rộng rãi, song các đại học loay hoay để đưa ra chính sách chung nhằm tránh gian lận và thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của nó.

Đại diện hai trường cho hay với nhiều tính năng ưu việt, trí tuệ nhân tạo được giảng viên, sinh viên ở Mỹ sử dụng ngày càng nhiều.

Ông David Danenberg, Phó giám đốc cấp cao của trường Hệ thống thông tin và Chính sách công Heinz, thuộc Đại học Carnegie Mellon (CMU), cho hay trường đã nghiên cứu, sử dụng AI trong học tập, giảng dạy từ nhiều năm trước.

Trường mua bản quyền sử dụng chatbot AI của Microsoft. Nhờ đó, những sản phẩm, nghiên cứu với AI của sinh viên, giáo sư được bảo mật. Ông David cũng nhận thấy AI giúp sinh viên suy nghĩ sâu hơn. Họ học cách đặt câu hỏi, tạo lệnh đúng với công cụ này – một kỹ năng cần thiết trong tương lai.

Tuy nhiên, CMU chưa có chính sách chung cho các vấn đề liên quan. Việc cho phép sinh viên sử dụng hay không và ở mức độ nào phụ thuộc vào quyết định của các giáo sư, dựa theo tính chất của môn học.

Ông lấy ví dụ trong các ngành công nghệ, kỹ thuật, sinh viên không được phép sử dụng AI để lập trình. Bởi đây là công việc cơ bản của sinh viên để hiểu lý thuyết, các ngôn ngữ lập trình.

"Trong lĩnh vực kỹ thuật, chúng tôi không muốn sinh viên sử dụng AI. Với các mục đích khác, nó có thể được ứng dụng nhiều hơn", ông David Danenberg nói.

Thí sinh ứng tuyển vào Carnegie Mellon cũng được cảnh báo không sử dụng AI cho các bài luận. Văn phòng tuyển sinh có công cụ phát hiện đạo văn hay dùng AI.

"Chúng tôi muốn biết mục tiêu của bạn là gì chứ không phải là mục tiêu của robot", đại diện CMU nhìn nhận. Trường này hiện có khoảng 14.000 sinh viên, trong đó 50% là du học sinh.

Ông David Danenberg

Ông David Danenberg, Phó giám đốc cấp cao của trường Hệ thống thông tin và Chính sách công Heinz, Mỹ. Ảnh: Lệ Nguyễn

Tại trường Cao đẳng cộng đồng Lane, bà Carla Andersen, Phó giám đốc tuyển sinh quốc tế, nói công việc xử lý thông tin, dữ liệu được giao cho AI. Trong các lớp học, chẳng hạn ở môn Lịch sử, một số giáo sư dùng AI để trả lời câu hỏi từ sinh viên về các ngày tháng hoặc sự kiện lịch sử. Thời gian trên lớp sẽ tập trung vào việc thảo luận ý nghĩa, những bài học từ các sự kiện.

Dù vậy, hai chuyên gia nhận định các trường đang phải đối mặt với nhiều thách thức, gồm việc đưa ra các chính sách về việc sử dụng AI.

"Chúng ta đang ở trong thế giới không biết gì chắc chắn về AI", ông David Danenberg nói.

Ông cho biết ở thời điểm hiện tại, các giảng viên, giáo sư có thể nhận biết những câu trả lời có sự trợ giúp từ công cụ bên ngoài. Đôi khi, AI đưa ra những câu trả lời ngớ ngẩn vì nó vẫn đang tự học và chưa hoàn hảo.

Nhưng công cụ này liên tục phát triển và khó đoán. Do đó, các trường thường xuyên cập nhật chính sách về việc sử dụng AI, gồm cả CMU.

Bà Carla Andersen, Phó giám đốc tuyển sinh quốc tế của Cao đẳng cộng đồng Lane. Ảnh: Lệ Nguyễn

Bà Carla Andersen, Phó giám đốc tuyển sinh quốc tế của Cao đẳng cộng đồng Lane. Ảnh: Lệ Nguyễn

Bà Carla Andersen, Phó giám đốc tuyển sinh quốc tế của Cao đẳng cộng đồng Lane, cũng cho rằng sự thay đổi nhanh chóng của AI khiến việc áp dụng chúng trong các lớp học trở nên khó khăn.

Đầu khóa, các giáo sư của trường đều lưu ý sinh viên vấn đề đạo đức khi sử dụng AI nhưng không ít người vẫn nộp bài tập, sản phẩm với sự giúp sức của AI với hy vọng "qua mắt" giảng viên và được điểm cao.

Vì thế, trường đang xây dựng một số chính sách về sử dụng AI theo hướng tối đa hóa những lợi ích và hạn chế mặt tiêu cực, chẳng hạn quy định một số điều sinh viên có thể làm hoặc không với AI và các công cụ hỗ trợ khác.

"Chúng tôi không muốn AI tạo ra những bất công, khoảng cách trong việc tiếp cận giáo dục", bà Carla Andersen nói.

Sinh viên Đại học Carnegie Mellon trong một lớp học, ngày 18/6. Ảnh: Carnegie Mellon University

Sinh viên Đại học Carnegie Mellon trong một lớp học, ngày 18/6. Ảnh: Carnegie Mellon University

Lệ Nguyễn