Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên 'là nguyện vọng của nhà giáo'

Admin

Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, theo Bộ Giáo dục là xuất phát từ nguyện vọng của thầy cô, và việc này tương tự như ưu đãi đặc thù với thân nhân chiến sĩ.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, ngày 11/10, trả lời VnExpress về một số đề xuất mới của dự thảo Luật Nhà giáo - sẽ được trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tới (khai mạc 21/10).

- Theo dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, từ mầm non đến đại học. Vì sao Bộ đưa ra đề xuất này?

- Dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng với 5 chính sách quan trọng gồm: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo. Các chính sách này đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua.

Từ khi công bố dự thảo hồi tháng 5 đến nay, chúng tôi có những điều chỉnh nhưng vẫn bám sát 5 chính sách đó. Miễn học phí cho con em giáo viên là một trong những đề xuất liên quan đến đãi ngộ với nhà giáo, xuất phát từ một số lý do.

Thứ nhất là từ nguyện vọng chung của đội ngũ nhà giáo. Khi Bộ lấy ý kiến, nhiều nhà giáo mong muốn được miễn giảm học phí cho con mình nhằm giúp cải thiện đời sống, yên tâm công tác, gắn bó với ngành.

Thứ hai là trong thực tế, có những ngành có tính chất đặc thù, được ưu đãi với thân nhân của người làm trong ngành. Ví dụ, người thân của cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang được miễn phí bảo hiểm y tế.

Vì thế, với mong muốn Luật Nhà giáo sẽ kiến tạo những chính sách mới, giúp nhà giáo có thể yên tâm công tác, thu hút được người giỏi vào ngành, ban soạn thảo đưa đề xuất này ra thảo luận.

- Đề xuất này hiện nhận nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng dễ gây bất công. Ông nghĩ sao về điều này?

- Chúng tôi đang trong quá trình xây dựng Luật và dư luận xã hội, cử tri, nhân dân đóng góp ý kiến là hết sức bình thường. Ban soạn thảo luôn cầu thị và lắng nghe để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, đưa vào dự thảo luật.

Chúng tôi sẽ đánh giá một cách kỹ lưỡng tác động của chính sách, điều kiện đảm bảo kinh tế - xã hội của đất nước, sự hài hòa giữa chính sách với nhà giáo và viên chức ở ngành, nghề khác để có điều chỉnh phù hợp.

Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo "vấn đề nào đã chín, đã rõ thì đưa vào luật. Vấn đề nào còn chưa chín, chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì phải tiếp tục nghiên cứu".

Vì thế, với đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tính toán thêm.

Ông Vũ Minh Đức trả lời phỏng vấn VnExpress, ngày 11/10. Ảnh: Dương Tâm

Ông Vũ Minh Đức trả lời phỏng vấn VnExpress, ngày 11/10. Ảnh: Dương Tâm

- Bộ còn đề xuất tăng một bậc lương so với bảng lương hành chính thông thường cho những thầy cô mới được tuyển dụng, tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non và tiểu học. Bộ tính toán ra sao khi đưa ra các đề xuất này?

- Hiện, các nhà giáo được hưởng phụ cấp thâm niên và ưu đãi nghề, cùng một số hỗ trợ khác, như phụ cấp dành cho người công tác ở khu vực đặc biệt khó khăn.

Riêng phụ cấp ưu đãi nghề, giáo viên mầm non, phổ thông nhận mức 35-70% lương cơ sở, tuỳ từng cấp học, vùng miền công tác; giảng viên đại học 25-40%.

Theo khảo sát, giáo viên hai bậc học này có thời gian làm việc ở trường dài, điều kiện làm việc khó khăn hơn trong khi thu nhập lại thấp hơn cả. Các đại biểu Quốc hội cũng nhiều lần nói về tâm tư của họ và mong muốn tăng phụ cấp ưu đãi.

Vì vậy, chúng tôi dự kiến giáo viên mầm non và tiểu học được hưởng ưu đãi nghề cao hơn cấp học khác, tăng thêm lần lượt 10 và 5%. Điều này nhằm giúp họ có cuộc sống tốt hơn, yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Mức này, theo tính toán của chúng tôi, cũng phù hợp với nguồn lực quốc gia.

Đề xuất tăng một bậc lương cho giáo viên mới được tuyển dụng cũng xuất phát từ thực tế. Giáo viên trẻ hiện có lương khởi điểm thấp. Người có bằng đại học hưởng hệ số lương 2,34, tổng thu nhập của nhiều người ở mức 6,8 triệu đồng. Người có bằng cao đẳng còn nhận thấp hơn.

Bộ đã thống kê, khoảng 61% thầy cô bỏ việc ở độ tuổi dưới 35, tức là thuộc nhóm giáo viên trẻ. Nhóm này phải nuôi sống bản thân, gia đình và phải học lên để trau dồi chuyên môn. Muốn giữ chân họ, thu nhập phải tăng lên.

Đề xuất này cũng nhằm cụ thể hóa chính sách lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Theo tính toán, nếu tăng một bậc, lương giáo viên cũng chỉ cao hơn 14% so với các ngành, nghề khác.

- Một điểm mới nữa của dự thảo Luật là không công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Bộ có giải pháp gì để xã hội giám sát, phát hiện những vấn đề tiêu cực?

- Đề xuất này nhằm bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp. Nhà giáo ngoài truyền đạt chuyên môn còn phải làm gương cho học sinh.

Trong khi đó, mạng xã hội hiện đưa nhiều thông tin về các vụ việc liên quan đến giáo viên mà chưa được kiểm chứng, chưa có kết luận là họ có sai phạm hay không. Điều này tạo ra áp lực rất lớn, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nhà giáo, đặc biệt với học sinh và phụ huynh.

Tuy nhiên, việc này không đồng nghĩa với việc hạn chế giám sát của xã hội đối với nhà giáo. Phụ huynh, học sinh, nhân dân vẫn được quyền giám sát, báo với cơ quan chức năng. Khi có kết luận chính thức, họ được công khai bình thường.

- Bộ kỳ vọng gì khi đưa ra loạt đề xuất trên?

- Kể từ tháng 7, lương giáo viên tăng khi mức lương cơ sở tăng, tương tự viên chức ở ngành nghề khác. Điều này giúp cải thiện đời sống, nhưng so với mong muốn và nhu cầu thì vẫn còn khoảng cách.

Chúng tôi muốn đưa ra được những chính sách tốt hơn, ở mức phù hợp, để tiếp tục cải thiện đời sống nhà giáo, giúp họ yên tâm gắn bó với nghề, thu hút được nhiều người giỏi vào nghề.

Chúng tôi cũng quan niệm, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo không phải chỉ ở chính sách tiền lương, mà còn thể hiện ở nhiều chính sách khác như quy định vị trí, vai trò, chức danh nhà giáo; quyền và nghĩa vụ của nhà giáo.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu các đề xuất để đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo sao cho phù hợp, được đồng thuận cao.

Dương Tâm