Dự thảo Luật Nhà giáo cần cụ thể về bồi dưỡng đạo đức giáo viên

Admin

Bộ Giáo dục cần thể hiện cụ thể hơn nội dung về đào tạo, nâng cao chuẩn mực đạo đức giáo viên trong dự thảo Luật Nhà giáo, theo Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải.

Phát biểu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 8/10 về Luật Nhà giáo, bà Hải nhắc lại một loạt vụ việc liên quan nhà giáo mà báo chí phản ánh thời gian qua.

Chẳng hạn như giáo viên vận động phụ huynh góp tiền mua máy tính xách tay cho mình ở TP HCM; nhiều giáo viên, thủ quỹ sai phạm khi thu tiền của học sinh, bị điều tra tại Bình Thuận. Đặc biệt, theo bà Hải, hành vi thân mật của một cô giáo ở Hà Nội với nam sinh lớp 10 diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều em khác, trong khung cảnh sư phạm tôn nghiêm là rất phản cảm.

"Ngày trước chúng tôi được học nghiệp vụ sư phạm, tâm lý trẻ em, được dạy rất nhiều kỹ năng, kể cả việc không nên mặc quần áo quá sặc sỡ khi lên lớp vì có thể gây ảnh hưởng đến sự chú ý của học sinh", bà Hải, từng là giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, chia sẻ.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Media Quốc hội

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Media Quốc hội

Trưởng ban Công tác đại biểu không đồng tình với ý kiến "cô giáo huy động quyên góp, lạm thu có thể do chế độ lương, đãi ngộ thấp". Bà cho rằng từ trước đến nay thầy cô giáo không giàu có về kinh tế, nhưng phải là những người giàu có về đạo đức, chuẩn mực.

Theo Điều 10 của dự thảo Luật Nhà giáo, đạo đức nhà giáo là các chuẩn mực về nhận thức, thái độ và hành vi trong mối quan hệ của nhà giáo với học sinh, đồng nghiệp, phụ huynh và cộng đồng. Việc này thể hiện qua các quy tắc ứng xử của nhà giáo, do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Tuy nhiên, dự thảo Luật mới tập trung vào việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho giáo viên hoặc nhà quản lý (Điều 30). Bà Hải kỳ vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo thể hiện cụ thể hơn nội dung về đào tạo, nâng cao chuẩn mực đạo đức, hành vi cho giáo viên, tạo sự đột phá so với hiện nay.

Kết thúc phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Nhà giáo tại kỳ họp thứ 8, khai mạc hôm 21/10. Dự kiến Luật được thông qua tại kỳ họp giữa năm 2025.

Dự thảo Luật Nhà giáo được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất năm 2022. Bộ này cho hay cả nước có gần 200 văn bản liên quan đến đội ngũ nhà giáo nhưng thực tế cho thấy có những tồn tại, hạn chế lớn. Bộ nhìn nhận cần luật hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu", nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục".

Có 5 nhóm chính sách mà cơ quan này đưa ra, gồm: Định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo; Quy hoạch, đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo; Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Ở dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo bổ sung một số quy định về cách đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đánh giá năng lực nhà giáo, quyết định tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển, thăng chức, tăng lương, khen thưởng. Dự luật cũng bổ sung chính sách miễn học phí cho con giáo viên, bố trí chỗ ở tập thể hoặc cho nhà giáo thuê nhà công vụ khi dạy học ở vùng nông thôn.

Về chế độ nghỉ hưu, giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu sớm hơn đồng nghiệp, nhưng không quá 5 tuổi so với quy định mà không bị giảm tỷ lệ phần trăm lương hưu do nghỉ trước tuổi.

Sơn Hà