Giá gạo tại TP Hồ Chí Minh tăng 1.000 - 4.000 đồng/kg

Admin

Ngành chức năng TP Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiều giải pháp thu mua, phân phối, kiểm soát giá gạo nhằm bảo đảm nguồn cung đạt chất lượng, đủ khối lượng, giá cả bình ổn.

Theo sát tình hình hoạt động mua bán, kinh doanh gạo tại chợ truyền thống, siêu thị, điểm kinh doanh, phối hợp với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long để kiểm soát khối lượng gạo cung cấp cho thị trường thành phố, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm này, chưa phát hiện các dấu hiệu vi phạm.

"Giá cả theo nhu cầu người dân cũng có biến động nhưng nguồn cung ổn định, biến động phù hợp theo cung cầu thị trường chứ chưa có dấu hiệu găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý", ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Khảo sát tại một số chợ truyền thống, giá các loại gạo điều chỉnh tăng từ 1.000 - 4.000 đồng một kg tùy loại, chủ yếu tăng ở loại gạo giá rẻ, gạo cao cấp tăng nhẹ. Để giữ khách, tiểu thương cũng thận trọng cân đối giá bán ra.

Giá gạo tại TP Hồ Chí Minh tăng 1.000 - 4.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Người dân chọn mua gạo bình ổn tại siêu thị. (Ảnh: PLO)

Giá gạo trong chương trình bình ổn TP Hồ Chí Minh cũng vừa được Sở Tài chính duyệt mức giá bán mới, tăng từ 1.000 - 2.000 đồng mỗi kg, đảm bảo thấp hơn giá thị trường 5%. Tuy nhiên, ở góc độ các nhà bán lẻ, họ cho biết sẽ vẫn giữ nguyên giá bán ra như đã niêm yết trước đó để kích thích sức mua và không tạo ra sự đột biến về giá.

"Việc tăng giá từ 10 - 12% cho nhà cung cấp sẽ được thực hiện từ giữa tháng 9, nhưng chúng tôi vẫn giữ giá bán như cũ. Chúng tôi sẽ chịu giá mua tăng cho các nhà cung cấp", bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam, cho hay.

Với giá cả và nguồn cung tương đối ổn định, các đơn vị phân phối lớn cho biết, sức mua mặt hàng gạo không có nhiều biến động, trung bình ghi nhận lượng hàng bán ra khoảng 10 tấn/ngày đối với mỗi đơn vị phân phối.

Dự kiến nhu cầu với mặt hàng gạo sẽ tăng vào các tháng cuối năm, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, đã làm việc với các hệ thống phân phối lớn để cập nhật số lượng bán ra với các nhà cung cấp, đảm bảo không đứt gãy hàng hóa trong ít nhất 3 tháng tới; đồng thời lên kế hoạch dự trữ nguồn cung tăng 2 - 3 lần so với trước đây.