Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian giữa Nga - Ukraine đã giúp Kiev - một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc, lúa mỳ, ngô hàng đầu thế giới duy trì việc kết nối với thị trường bên ngoài trong bối cảnh xung đột. Qua đó khiến chỉ số giá lương thực toàn cầu trong tháng 6/2023 giảm 23,4% so với mức đỉnh năm ngoái.
Song việc Nga tuyên bố chấm dứt sáng kiến này sau ngày 17/7 đang được dự báo sẽ tác động lớn tới giá nhiều mặt hàng trên thị trường hàng hoá. Chỉ trong vòng vài ngày qua, giá lúa mỳ trên các sở giao dịch thế giới đã tăng vọt hơn 15%, giá các loại dầu thực vật cũng tăng từ 4 - 7%. Dự báo trong ngắn hạn, nếu dòng chảy ngũ cốc từ Biển Đen bị gián đoạn, khoảng 45 quốc gia tại 3 châu lục sẽ bị ảnh hưởng khi 32,9 triệu tấn ngũ cốc không thể xuất khẩu.
Thu hoạch ngũ cốc tại Ukraine. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Còn trong trung và dài hạn, từ nay đến cuối năm sẽ là giai đoạn thu hoạch mùa vụ ngũ cốc ở Nga và Ukraine, nên khi hoạt động xuất khẩu của Kiev bị ngừng sẽ tạo ra áp lực rất lớn về vấn đề kho bãi, dự trữ. Không loại trừ khả năng sẽ xảy ra một siêu chu kỳ tăng giá mới đối với giá ngũ cốc và dầu thực vật.
Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam nhận định: "Nhiều chuyên gia đang lo ngại thị trường sẽ bước vào một đợt tăng giá mạnh trong thời gian tới, không loại trừ khả năng tăng giá từ 30 - 40%. Khi đó thậm chí có thể tạo ra hiệu ứng domino lên nhiều mặt hàng khác mà vốn không chịu sự chi phối của Nga và Ukraine, ví dụ như dầu cọ, dầu đậu tương hay đậu tương. Đây là những mặt hàng rất quan trọng đối với chỉ số lương thực toàn cầu".
Các chuyên gia dự báo, việc xuất khẩu đột ngột bị cắt đứt sẽ khiến các nước không kịp thực hiện các phương án dự phòng, bởi thông thường thời gian để vận chuyển một tàu ngũ cốc giữa các quốc gia thường mất tối thiểu 3 tuần, tối đa có thể lên đến vài tháng.
Trong khi đó, các vựa lúa mỳ từ Mỹ hay Argentina đều đang có nguồn cung thấp, nên trong dài hạn cũng sẽ khó bù đắp phần thiếu hụt do Nga và Ukraine để lại.
Hiện thị trường lo sợ kịch bản, nếu giá cả tăng cao và các nguy cơ thiếu hụt nguồn cung do sáng kiến Biển Đen đổ vỡ có thể thúc đẩy các Chính phủ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.
Phía Nga đang nhắc đến triển vọng ký thỏa thuận ngũ cốc mới với Thổ Nhĩ Kỳ, song chưa cho biết thời gian chi tiết. Từ nay đến lúc đó dự báo giá nhiều mặt hàng nông sản như lúa mỳ, ngô, đậu tương, ngũ cốc… sẽ còn tiếp tục tăng và các quốc gia bị phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu cần có sự tính toán kỹ lưỡng và phương án dự phòng.