Tiết kiệm 50 – 80 năm mới có thể mua được nhà
Theo công bố mới đây của Bộ Xây dựng , về giá giao dịch căn hộ chung cư trong Quý II/2024, khảo sát và tổng hợp báo cáo của một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì giá căn hộ chung cư tăng trung bình khoảng từ tăng 5% đến 6,5% trong quý II và 25% theo năm tùy từng khu vực và vị trí, giá bán chung cư tăng không chỉ ở những dự án mới mở bán mà còn ở nhiều căn hộ cũ, đã được qua sử dụng nhiều năm.
Với mức giá chung cư dao động từ 50 đến 80 triệu đồng/m2, nguồn cung căn hộ bình dân trên thị trường hầu như không có. Mức giá này tạo ra một áp lực tài chính nặng nề đối với những người có thu nhập trung bình và thấp, khiến cho việc sở hữu một ngôi nhà riêng trở nên đầy thách thức và khó khăn.
Mức lương trung bình của người lao động tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM dao động từ khoảng 10-15 triệu đồng/tháng. Thu nhập này có thể cao hơn với những ngành nghề đặc thù hoặc ở các vị trí cao hơn, nhưng với phần lớn lao động phổ thông, con số này khá phổ biến.
Giá bất động sản tại Hà Nội, TP.HCM và các khu vực ngoại ô hiện dao động từ 40-80 triệu đồng/m2, trong khi tại trung tâm có thể lên đến hơn 100 triệu đồng/m2. Một căn hộ trung bình 70-80 m2 có thể có giá từ 3 tỷ đến 6 tỷ đồng.
Giả sử một người lao động tiết kiệm được 30% thu nhập hàng tháng (khoảng 3-4,5 triệu đồng), sau 1 năm họ có thể dành dụm khoảng 36-54 triệu đồng. Nếu họ muốn mua một căn nhà với giá 3 tỷ đồng, họ cần phải tiết kiệm liên tục trong khoảng 55-83 năm chỉ để đạt được số tiền đó (chưa tính đến chi phí sinh hoạt và lạm phát).
Tuy nhiên, hầu hết người lao động không thể tiết kiệm toàn bộ số tiền mua nhà. Nhiều người lựa chọn vay ngân hàng với thời gian trả góp từ 15-25 năm, nhưng điều này vẫn đặt gánh nặng tài chính lớn lên người mua.
Do đó, giá nhà lý tưởng chỉ nên tương đương khoảng 6 – 10 năm thu nhập trung bình khiến người trẻ dễ dàng tiếp cận được.
Giấc mơ sở hữu nhà ngày càng xa vời
Việc sở hữu nhà ở thành phố dần trở thành một giấc mơ khó thành hiện thực đối với nhiều người. Họ lựa chọn thuê nhà hay mua đất ở quê thay vì cố gắng sở hữu một căn nhà.
Nhiều bạn trẻ nhận thấy rằng việc trở về quê để mua đất không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính mà còn mở ra những cơ hội đầu tư mới với chi phí thấp hơn so với việc sống tại thành phố.
Anh Nguyễn Hữu Hậu 35 tuổi (quê Thái Bình) cho biết thu nhập của anh khoảng 25 triệu đồng, cả gia đình 4 người vẫn còn sống trọ ở đất thành phố. Đằng sau đồng lương này, là cả quá trình phấn đấu của tôi, khi hồi mới đi làm, lương chỉ 5 triệu đồng. Mỗi tháng lĩnh lương về, tiền nhà, tiền nuôi con, tiền điện nước, tiền gửi về quê, tiền sinh hoạt... đã gần hết. Khoản tiết kiệm của gia đình dựa vào lương 10 triệu đồng của vợ.
Tôi thấy mình đang mắc kẹt với mức lương 25 triệu này, vì nó rất lưng chừng, nói nhiều cũng không phải nhiều, mà ít thì cũng không ít. Đồng lương này của tôi gánh chi phí sinh hoạt gia đình, khiến tôi không dám nhảy việc hoặc tìm cơ hội khác. Vì bây giờ khó khăn, kiếm việc không dễ, lỡ không hợp với chỗ mới, thì cuộc sống gia đình thêm chật vật. Nhưng làm trụ cột gia đình thì mức lương này không đủ mua nhà, không đủ mua xe, cho vợ con cuộc sống đầy đủ hơn.
Ở thành phố tốn kém đủ đường, tôi cũng đang tính phương án muốn về quê để con có một tuổi thơ trọn vẹn, nhưng lại chẳng biết kiếm việc gì để làm và mưu sinh.
Mấy năm nay, giá chung cư Hà Nội bị thổi tăng chóng mặt, hầu như tăng đến gấp đôi, thậm chí còn hơn. Với trên 2 tỷ đồng, trước kia là mua được chung cư hạng trung cấp tầm 60m2 thì bây giờ với tầm mức giá đấy gần như không còn. Chung cư thu nhập thấp 60m2 ở vùng ven Hà Nội giờ cũng toàn hơn 2 tỷ đồng trở lên. Chờ gom đủ tiền để mua nhà cũng sẽ dẫn đến mất cơ hội, khi giá bất động sản không ngừng tăng như hiện nay.
Trong khi đó, quê tôi cũng đang dần chuyển mình từ làng lên phố, sắp tới lại được quy hoạch lên thị xã, khiến giá đất được thổi tăng lên một cách chóng mặt. Tôi không biết mình có nên bỏ phố về quê hay không khi giấc mơ có nhà ngày càng xa vời?