Giao nhận hàng đình trệ sau khi Ấn Độ áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ

Admin

Việc Ấn Độ áp mức thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu đã khiến các doanh nghiệp thu mua và phân phối phải tạm hoãn nhận giao hàng với số lượng khoảng 500.000 tấn cho đến sau ngày 15/10 tới.

Giao nhận hàng đình trệ sau khi Ấn Độ áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại một nhà máy xay xát gạo ở Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Hôm 25/8, Ấn Độ thông báo đã áp đặt mức thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu và mức thuế mới này kéo dài đến ngày 15/10/2023. Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết động thái này nhằm kiểm soát tình trạng giá tăng trong khi đảm bảo nguồn cung đủ cho thị trường trong nước. Gạo đồ là loại gạo thu được từ thóc được ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước rồi phơi khô, sau đó mới trải qua các công đoạn chế biến khác.

Việc các đơn vị xuất khẩu của Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - trì hoãn giao hàng cho bên thu mua có thể làm cạn kiệt kho dự trữ gạo ở các nước nhập khẩu như Đức, Ghana, Côte d'Ivoire và Liberia. Đồng thời, điều này cũng làm tăng giá gạo ở những nước nhập khẩu nói trên, nhất là khi giá gạo tại đây duy trì ở mức cao trong nhiều năm qua.

Ông Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành doanh nghiệp xuất khẩu gạo Satyam Balajee, cho biết: “Các doanh nghiệp nhập khẩu gạo đang trì hoãn việc nhận hàng vì không muốn trả thuế”.

Ông B.V. Krishna Rao - Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo của Ấn Độ - nói với hãng tin Reuters rằng hiện lô hàng 500.000 tấn gạo chưa được chuyển giao. Ông nói thêm rằng ngay cả trước khi Ấn Độ áp đặt mức thuế mới nói trên, thì các đơn vị nhập khẩu đã lo ngại về việc giá gạo tăng trên thị trường. Các doanh nghiệp nhập khẩu gạo của các nước châu Phi khó có thể mua vào với mức giá hiện tại.

Theo nhận định của ông Rao, hoạt động cung cấp và phân phối gạo sẽ dần thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện nay khi thu hoạch vụ lúa Hè Thu bắt đầu từ tháng 10.  Đến lúc đó, giá lúa thu mua giảm sẽ kéo giá gạo xuất khẩu giảm theo.

Một thương lái ở New Delhi cho biết các nước nhập khẩu gạo không có nhiều lựa chọn sau khi các nhà sản xuất lúa gạo lớn ở châu Á như Thái Lan và Pakistan tăng giá bán trong những tuần gần đây. Do đó, thương lái này cho rằng các đơn vị nhập khẩu gạo ở châu Phi lựa chọn phương án tốt nhất là trì hoãn việc nhận hàng và chờ cho đến khi giá đi xuống.

Trong khi đó, quan ngại về những hạn chế xuất khẩu gạo mà Ấn Độ ban hành đã khiến giá đường tăng lên mức cao kỷ lục.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại New Delhi, giá đường thô giao kỳ hạn hướng tới mức giá đóng cửa cao nhất trong hai tháng. Điều này là do các thương nhân suy đoán rằng Ấn Độ, nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới, sẽ hạn chế nguồn cung cho niên vụ bắt đầu từ tháng 10 tới. Ngoài ra, thiếu mưa có nguy cơ gây ra sự thiếu hụt sản lượng đường của Ấn Độ, có thể dẫn đến hạn chế xuất khẩu mặt hàng này.

Ông Michael McDougall, Giám đốc điều hành tại Paragon Global Markets, cho rằng “(hợp đồng) xuất khẩu (đường) của Ấn Độ trong mùa tới có nhiều khả năng sẽ bị hủy bỏ, ít nhất là cho đến sau cuộc tổng tuyển cử (vào năm tới)”. Hợp đồng đường thô được giao dịch nhiều nhất ở New York (Mỹ) đã tăng ngày thứ tư liên tiếp, tăng tới 2,7% lên 25,49 cent/pound. Đó là mức giá trong ngày cao nhất kể từ hôm 22/6. Lo ngại về tình trạng thiếu đường trong những tháng đầu năm 2024 đã khiến chênh lệch giá hợp đồng kỳ hạn tháng 3 so với giá giao tháng 5 tăng vọt.

Là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm tới 40% thị trường này toàn cầu, tháng 7 vừa qua, Ấn Độ đã ban hành lệnh tạm ngừng xuất khẩu gạo tẻ thường (non-basmati white rice). Động thái này đã đẩy giá gạo trên thị trường toàn cầu lên mức cao mới. Năm 2022, Ấn Độ xuất khẩu 22,2 triệu tấn gạo, mức cao kỷ lục, trong đó có 7,4 triệu tấn là gạo đồ.