Hai điểm nghẽn của giáo dục đại học Việt Nam

Admin

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng cơ sở vật chất nghèo nàn, vướng về cơ chế tự chủ là những điểm nghẽn lớn, cản trở sự phát triển của đại học.

Tại buổi gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý các trường đại học chiều 15/8, Bộ trưởng cho hay về cơ sở vật chất, các trường đại học cả công và tư cơ bản còn khá nghèo nàn. Hệ thống phòng thí nghiệm chưa đáp ứng được ở góc độ đỉnh cao theo tầm quốc tế. Hai đại học quốc gia được đầu tư nhiều năm qua nhưng vẫn dở dang.

Những khó khăn về cơ sở vật chất kéo theo hàng loạt hệ quả liên quan đến đào tạo và nghiên cứu khoa học.

"Đây là điểm nghẽn lớn. Chúng ta cần có một chương trình mang tầm quốc gia để hiện đại hóa hệ thống hạ tầng cho các trường đại học", ông Sơn nói, cho rằng chỉ khi nào thoát nghèo về cơ sở vật chất, các trường đại học mới có thể phát triển mạnh mẽ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với đại diện các trường đại học, chiều 15/8. Ảnh: MOET

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với đại diện các trường đại học, chiều 15/8. Ảnh: MOET

Về cơ chế, theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, quá trình triển khai tự chủ đại học cho thấy nhiều vướng mắc. Có nơi hiểu chưa hết khái niệm tự chủ, không dám làm hết; có nơi hiểu tự chủ là thích làm gì thì làm, dẫn đến sai lệch khi thực hiện.

Không chỉ các trường hiểu chưa đúng về tự chủ, nhiều người ngoài trường đại học cũng nhìn nhận chưa đúng về vấn đề này. PGS.TS Phạm Thị Huyền, trưởng bộ môn Marketing, trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhìn nhận tự chủ nhằm huy động nguồn lực của xã hội để nâng cao chất lượng của trường đại học. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghĩ tự chủ đại học nghĩa là trường tự lo, mà để lo được thì tăng học phí, trong khi chất lượng không đảm bảo. Theo bà Huyền, điều này khiến các trường e dè tự chủ, còn người học không yên tâm.

Cũng theo đại diện trường Kinh tế quốc dân, ngoài tự chủ về tài chính, các vấn đề liên quan đến tự chủ học thuật, nhân sự và nhiều lĩnh vực khác chưa được quan tâm và hiểu đúng cũng khiến quá trình tự chủ của các trường bị ảnh hưởng.

Theo Bộ trưởng Sơn, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34) đã được ban hành, cùng với đó là nghị định 99 hướng dẫn thi hành luật với nhiều nội dung chi tiết để thực hiện tự chủ. Tuy nhiên, những quy định trong luật vẫn có sự xung đột, chồng chéo, chưa đồng bộ với luật, quy định của các bộ ngành khác nên các đại học khó thực hiện quyền tự chủ một cách đầy đủ.

"Chúng ta đang điều chỉnh nghị định 99 và dự kiến năm 2023, Quốc hội, Chính phủ sẽ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, sửa đổi Luật 34; từ đó tiếp tục mở đường cho tự chủ đại học được đúng hướng, có chiều sâu, thuận lợi cho cơ sở giáo dục đại học hơn", ông Sơn chia sẻ.

Đại diện Đại học Kinh tế quốc dân nêu ý kiến tại buổi gặp gỡ Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: MOET

Đại diện Đại học Kinh tế quốc dân nêu ý kiến tại buổi gặp gỡ Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: MOET

Cũng tại buổi gặp gỡ, đại diện nhiều trường còn chia sẻ những khó khăn về đời sống, nghiên cứu khoa học.

TS Đinh Minh Hằng, Trưởng phòng Hành chính Đối ngoại, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết mỗi năm, bình quân một giảng viên của trường được đầu tư 10-15 triệu đồng để nghiên cứu khoa học. Con số này chưa đủ lớn, chưa thu hút được nhiều giáo viên tham gia.

Về đời sống giảng viên, TS Trần Trọng Đạo, Chủ tịch Công đoàn trường Đại học Nha Trang, cho biết nhiều thầy cô xin thôi việc, chuyển ngành hoặc du học mà không về, trong đó có cả người trình độ cao vì thu nhập tại trường không đảm bảo. Nếu vẫn còn theo nghề, các giảng viên sẽ kiêm thêm những công việc khác như bán hàng online, buôn bán bất động sản.

"Hậu quả của việc này là chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng", ông Đạo nói.

Lắng nghe ý kiến của các trường đại học, ông Sơn nhấn mạnh có nhiều việc phải làm với giáo dục đại học. Thời gian tới, Bộ sẽ hoàn thành quy hoạch mạng lưới các trường đại học, có chính sách phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, đẩy mạnh phát triển hạ tầng, cải thiện tài chính và ngân sách cho đại học.

Dương Tâm - Thanh Hằng