Hòa nhạc Toyota ươm mầm tài năng âm nhạc Việt

Admin

Đêm diễn đầu tiên trong tour Hòa nhạc Toyota 2023 diễn ra ngày 5/8 tại Nhà hát lớn Hà Nội, với sự góp mặt của nhạc trưởng Honna Tetsuji và nghệ sĩ độc tấu piano Nguyễn Đăng Quang cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã mang đến cho khán giả những giây phút thưởng thức nghệ thuật thăng hoa và đầy cảm xúc.

Trong thời lượng gần hai tiếng đồng hồ, các nghệ sĩ đã trình diễn hai tác phẩm kinh điển là Rhapsody trên chủ đề của Paganini, Op.43 của nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff và bản giao hưởng số 2 RE trưởng, Op.43 của nhà soạn nhạc Jean Sibelius.

Rhapsody trên chủ đề của Paganini, Op.43 là một trong những tác phẩm cuối cùng của Sergei Rachmaninov - nhà soạn nhạc người Nga, bậc thầy piano và nhạc trưởng, được viết vào năm 1934. Mở đầu tác phẩm là một đoạn dẫn nhập, theo sau là 24 lần biến tấu của một chủ đề. Chủ đề đó lấy từ khúc caprice cuối trong tập 24 caprice cho violin của Niccolò Paganini, Rachmaninov đã tinh tế đảo ngược chủ đề gốc thành một chủ đề mới và kết hợp với giai điệu cổ Dies irae bi thương trong nhiều biến tấu của tác phẩm. 24 biến khúc trong tác phẩm này có thể được chia thành 3 phần như 3 chương của một concerto: phần đầu gồm 10 biến khúc, phần giữa gồm 8 biến khúc và phần cuối gồm 6 biến khúc.

Trong khi đó, bản giao hưởng số 2 cung Rê trưởng, Op. 43 của nhà soạn nhạc Phần Lan, Jean Sibelius được bắt đầu vào mùa đông năm 1901 tại Rapallo, Italy. Sibelius từng nói: "Bản giao hưởng thứ hai của tôi là lời thú nhận của tâm hồn".

Sau buổi công diễn tháng 3 năm 1902, Sibelius đã sửa đổi thêm cho bản nhạc, và gây tiếng vang lớn cho giới phê bình lẫn công chúng. Tác phẩm còn được gọi là "Bản giao hưởng Độc lập", thể hiện chất âm nhạc Phần Lan và được đánh giá cao gần với các giao hưởng của Beethoven. Mỗi chương trong tác phẩm bao gồm nhiều phân đoạn có các tốc độ khác nhau, thể hiện nhiều mặt cảm xúc, sắc thái phong phú.

Nhạc trưởng Honna Tetsuji gắn bó nhiều năm với chương trình Hòa nhạc Toyota. Ông cho biết, dịp này kỷ niệm 150 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc thiên tài Sergei Rachmaninoff, ông và các nghệ sĩ muốn chơi bản nhạc Rhapsody. Đánh giá về Bản giao hưởng số 2 của Sibelius, theo ông đó là một bản nhạc lãng mạn, có nét buồn, nhưng kết thúc bản nhạc là hướng tới tương lai.

Lần đầu tiên biểu diễn tại Hòa nhạc Toyota, nghệ sĩ độc tấu piano Nguyễn Đăng Quang cảm thấy vinh dự bởi chương trình hoành tráng và ý nghĩa. "Tôi cảm thấy bản thân có trách nhiệm lớn, nên đã cố gắng rèn luyện với mong muốn sẽ có đêm trình diễn thăng hoa, mang tới nhiều cảm xúc cho khán giả", anh nói.

Hòa nhạc Toyota được tổ chức định kỳ hàng năm kể từ 1998, với mục đích hỗ trợ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam nâng cao chất lượng và trình độ biểu diễn đạt chuẩn quốc tế; hướng tới mục tiêu đưa âm nhạc cổ điển trở nên gần gũi với công chúng Việt Nam hơn; đồng thời gây quỹ học bổng ươm mầm tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam.

Đến nay, đã có hàng chục đêm nhạc được tổ chức, lan tỏa tình yêu âm nhạc cổ điển đến với hàng nghìn khán thính giả. Chương trình cũng mang đến nhiều cơ hội cho những tài năng âm nhạc trẻ biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp.

Theo Tổng giám đốc Toyota Việt Nam - ông Nakano Keita, toàn bộ số tiền bán vé của chương trình được sử dụng cho việc thúc đẩy phát triển văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Từ năm 2009, toàn bộ số tiền bán vé được doanh nghiệp dành trọn cho quỹ "Học bổng Toyota hỗ trợ tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam". Sau 14 năm, đã có 1.155 suất học bổng âm nhạc được trao đi và con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai.

Tính riêng năm 2022, Toyota đã trao 85 suất học bổng với tổng giá trị hơn 500 triệu đồng cho các sinh viên tài năng đến từ những cơ sở đào tạo âm nhạc uy tín trên cả nước như: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện TP HCM, Cao đẳng Âm nhạc Tây Bắc và Cao đẳng Âm nhạc Việt Bắc.

Bên cạnh các suất học bổng, Toyota còn tặng nhiều nhạc cụ chất lượng cho khoa âm nhạc truyền thống của các trường đại học và cao đẳng.

Là một trong những sinh viên tài năng từng được nhận học bổng Toyota, nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh cho biết, Học bổng Toyota như một sự công nhận cho những cố gắng và thành tích mà anh đã đạt được, giúp những người trẻ như anh đặt trọn niềm tin vào con đường âm nhạc, ngày càng nỗ lực và phấn đấu để trở thành một người nghệ sĩ thực thụ.

Đức Anh đánh giá, Toyota là doanh nghiệp hiếm hoi có nhiều đóng góp cho âm nhạc cổ điển Việt Nam thông qua những chương trình hòa nhạc đẳng cấp được tổ chức mỗi năm và tạo cơ hội cho các tài năng trẻ được tiếp tục theo đuổi con đường học tập trong tương lai.

Có mặt tại nhà hát từ sớm, Đinh Bảo Khánh, du học sinh tại Bỉ cho biết, cô thường xuyên nghe nhạc thính phòng và rất thích giai điệu của những bản nhạc cổ điển, đặc biệt là tác phẩm Rhapsody. Bởi tác phẩm này mang đến nhiều cung bậc cảm xúc giúp cô thư giãn sau giờ học căng thẳng.

"Hôm nay, nhờ chương trình của Toyota, tôi có dịp được trực tiếp thưởng thức tác phẩm mà bản thân rất yêu thích. Đồng thời đây cũng là chương trình gây quỹ học bổng ý nghĩa, nên tôi rất hào hứng và sẵn sàng mua vé", Bảo Khánh cho hay.

Cô Lan Hương, giáo viên ngữ văn Trường THPT Khoa học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, mỗi năm chị chỉ xem hòa nhạc một lần và đều là của Toyota bởi chương trình quy tụ các nghệ sĩ tài năng với những kiệt tác của âm nhạc cổ điển.

Nội dung: Nguyễn Phượng
Ảnh: Toyota Việt Nam
Thiết kế: Thái Hưng