Hơn một triệu thí sinh thi Văn tốt nghiệp THPT sáng nay

Admin

Thí sinh đến trường thi môn Ngữ văn trong tiết trời dịu mát ở nhiều nơi, không ít em kỳ vọng đề hỏi về thơ, như bài "Đất nước" hay "Việt Bắc". Năm ngoái, mức điểm phổ biến là 7.

Tại Hà Nội, khoảng 109.000 thí sinh đi thi, đông nhất cả nước. Thời tiết sáng nay mát mẻ, nhiều nơi có mưa, nhiệt độ khoảng 26-27.

Từ hơn 6h, nhiều em đã đến trường thi. Các em sẽ làm bài môn Ngữ văn trong 120 phút, bắt đầu từ 7h35.

Lê Ngọc Mai Anh cùng bạn đi bộ chừng 500 m, từ trường nội trú Trần Quốc Tuấn tới điểm thi THPT Mỹ Đình, sau khi ăn sáng và kiểm tra kỹ thẻ dự thi cùng tư trang.

Có nguyện vọng vào ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Quốc gia Hà Nội bằng tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), nữ sinh nói đã ôn tập cẩn thận suốt năm học qua. Trường Trần Quốc Tuấn kiểm tra học sinh một tháng một lần, tổ chức y như thi thật nên Mai Anh làm quen với không khí thi cử sớm.

Ngữ văn, môn thi đầu tiên, không phải là thế mạnh nhưng em tự tin đạt 7 trở lên. Nữ sinh hy vọng phần nghị luận văn học hỏi về tác phẩm "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm hoặc "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân.

Tại điểm thi trường THCS và THPT Lương Thế Vinh, quận Cầu Giấy, nhiều thí sinh hối hả chạy vào sân trường vì mưa.

Nguyễn Thị Hà My, học sinh trường THPT Cầu Giấy, hồi hộp vì chưa trúng tuyển sớm vào trường nào, "dồn toàn lực" cho kỳ thi tốt nghiệp. Đăng ký xét tuyển đại học tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa), My nói môn Văn vừa là môn thi đầu, cũng là môn quan trọng của tổ hợp. Nữ sinh ôn trọng tâm hai bài "Đất Nước" và "Việt Bắc".

"Em đặt mục tiêu từ 8 điểm trở lên", My nói.

TP HCM, hơn 90.000 thí sinh cũng đến trường thi trong tiết trời dịu mát, chừng 27 độ. Từ 6h15, rất đông học sinh đổ về điểm thi THCS Trần Văn Ơn, quận 1, tranh thủ xem lại bài, ăn sáng.

Đã trúng tuyển hai trường đại học bằng phương thức xét tuyển học bạ nhưng Minh Thư, THPT Ten-Lơn-Man, vẫn chưa ưng ý, hy vọng đạt điểm số cao trong kỳ thi THPT để đăng ký thêm một số ngành khác.

"Tiếng Anh là môn em tự tin nhất còn Văn chỉ tạm tạm nên hy vọng đề hôm nay ra các tác phẩm thơ em đã ôn kỹ", Thư nói.

Yến Ngọc, học sinh trường THPT Hùng Vương, nói tự tin vì đã nỗ lực ôn luyện cả năm học vừa qua.

Có thế mạnh ở khối xã hội, Ngọc không quá lo lắng về môn Văn nhưng có chút hồi hộp. Em mong đề hỏi về bài "Đất nước" bởi cho rằng ngữ liệu thơ dễ phân tích và thể hiện ý hơn tác phẩm văn xuôi.

Nữ sinh dự kiến dùng điểm thi để đăng ký xét tuyển vào ngành Quản trị dịch vụ - Du lịch lữ hành của Học viện Hàng không TP HCM.

"Trước khi đi thi, em đã cầu nguyện trước bàn thờ, mong làm bài thật tốt", Ngọc kể.

Cô Trần Thị Thủy Tiên, Trưởng điểm thi, cho biết tại đây có 390 thí sinh với 20 phòng thi. Hôm qua, giám thị đã nhắc thí sinh kỹ về quy chế, nhất là việc không mang điện thoại, thiết bị thông minh vào phòng.

2024 là năm cuối cùng thí sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông cũ (chương trình 2006). Từ năm sau, số môn thi chỉ còn 4, gồm hai môn bắt buộc và hai môn lựa chọn. Cấu trúc và nội dung đề thi cũng được thay đổi để phù hợp với chương trình mới (2018).

Vì vậy, Minh Anh, học sinh THPT Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, ví kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 như "chuyến tàu không quay đầu".

"Em đã cố gắng ôn kỹ. Em cũng đi chùa, ăn xôi đậu để mong suôn sẻ", nữ sinh chia sẻ.

Đăng ký vào ngành Luật kinh tế của trường Đại học Tôn Đức Thắng và Công nghiệp TP HCM, Văn là môn được Minh Anh hy vọng nhiều nhất. Nữ sinh ôn tất cả tác phẩm nhưng mong đề ra vào thơ.

Năm ngoái, trong hơn một triệu thí sinh, điểm trung bình môn Văn là 6,86. Mốc điểm có nhiều thí sinh đạt được nhất là 7.

Tại Đồng Nai, trời nắng nhẹ, không khí khá dễ chịu. Toàn tỉnh có 34.000 thí sinh, tại 62 điểm thi. Ghi nhận tại trường THPT Chu Văn An, nhiều em vui vẻ, tâm lý thoải mái. Cũng có một số em vẫn cầm theo sách, tài liệu để tranh thủ ôn bài trước khi vào phòng.

Do nằm giữa lõi Vườn quốc gia Cát Tiên, 80 thí sinh trường THPT Đăk Lua, huyện Tân Phú, phải đi vòng qua tỉnh Lâm Đồng mới đến được điểm thi cách trường 60 km. Để đảm bảo sức khỏe cho thí sinh, nhà trường đã thuê 2 ôtô loại 45 chỗ, huy động 7 giáo viên cùng một số phụ huynh đi theo để hỗ trợ. Trong ba ngày thi, các em sẽ ở tại ký túc xá của trường Dân tộc nội trú huyện.

Ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, 164 thí sinh của trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ cũng phải vượt 50 km đến điểm thi tập trung ở trường THPT Trị An. Để kịp vào phòng thi, các em phải dậy sớm có mặt tại trường lúc 5h, thời gian di chuyển chừng một giờ.

Một thí sinh tại điểm thi THPT Ngô Quyền, Đồng Nai, vội vàng chạy vào phòng thi, sáng 27/6. Ảnh: Phước Tuấn

Một thí sinh tại điểm thi THPT Ngô Quyền, Đồng Nai, vội vàng chạy vào phòng thi, sáng 27/6. Ảnh: Phước Tuấn

TP Thanh Hóa sáng nay trời tạnh ráo, nhiệt độ khoảng 28 nên khá thuận lợi cho thí sinh di chuyển đến điểm thi. Tại trường THPT Hàm Rồng, hầu hết thí sinh đến trường đúng giờ. Cảnh sát phân làn giao thông từ xa nên không xảy ra ùn tắc như những năm trước.

Ngồi trước cổng trường chờ con trai làm bài, chị Nguyễn Thu Anh cho hay sáng nay dậy sớm chuẩn bị bữa sáng và đưa con đến trường sớm gần một tiếng.

"Tâm lý bố mẹ có chút hồi hộp song con nói đã ôn luyện kỹ các dạng bài nên trước ngày thi khá tự tin. Hy vọng con đạt điểm cao nhất có thể" chị nói.

Thanh Hóa năm nay có 39.000 thí sinh. Trong đó, 11 huyện ở địa bàn miền núi có 9.000 em. Ngành giáo dục bố trí đưa đón, tập kết những em ở xa trên 10 km hoặc ở địa bàn đồi núi, phải qua sông suối đến gần điểm thi từ hôm qua.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra ngày 27-28/6. Sau hai môn Ngữ văn và Toán hôm nay, thí sinh sẽ làm bài tổ hợp (Khoa học tự nhiên: Hóa, Lý, Sinh hoặc Khoa học xã hội: Sử, Địa, Giáo dục công dân) vào sáng mai. Các em kết thúc kỳ thi với môn Ngoại ngữ vào chiều 28/6.

Điểm thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 17/7. Thí sinh bắt đầu đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học từ ngày 18 đến 30/7.

Nhóm phóng viên