Hủ tiếu, bún, phở... rục rịch tăng theo giá gạo

Admin

Khảo sát tại nhiều chợ truyền thống ở TP.HCM, các mặt hàng bún, phở, hủ tiếu, bánh cuốn… đã tăng theo giá gạo so với cách đây một tuần trước.

Giá lúa gạo tại thị trường nội địa liên tục tăng, gây ra sự tác động lan rộng lên các cửa hàng bán lẻ, làm tăng giá các loại bột gạo và món ăn truyền thống như bún và phở.... Tình hình tăng giá gạo đã tác động trực tiếp lên các cửa hàng bán lẻ tại TP.HCM, khiến việc điều chỉnh giá của các sản phẩm liên quan trở thành điều khó tránh.

Bà Hoàng Thu Hoài - chủ cửa hàng bún ở chợ Thạch Đà (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho hay, hàng ngày bà nhập hàng với lượng lớn từ nguồn cung cấp thường truyền thống. Tuy nhiên, gần đây, chủ cửa hàng này đã phải thông báo tăng giá bún lên 2.000 đồng/kg.

" Trước đây, 1kg bún có giá 10.000 đồng do tôi mua số lượng lớn. Nhưng gần đây, giá đã tăng lên 12.000 đồng/kg, tăng thêm 2.000 đồng sau khoảng 1 tuần. Nguyên nhân chủ yếu là do giá gạo loại 504 sử dụng để sản xuất bún và phở đã tăng cao" , bà Hoài nói.

Hủ tiếu, bún, phở... rục rịch tăng theo giá gạo - Ảnh 1.

Bà Hoàng Thu Hoài đang bán bún cho khách lẻ. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Với khách mua số lượng lớn, bà Hoài chỉ nâng giá nhẹ, nhưng đối với khách mua ít, bà tăng khoảng 1.000 - 2.000 đồng để có lãi.

Bà Hoài cũng thông tin thêm, gạo 504 có đặc điểm hạt gạo dài, trắng ngà, ít tấm. Nếu dùng để làm bánh, bột hoặc bún phải là loại gạo được chà từ lúa trữ 1 năm trở lên. Còn gạo 504 mới xay có đặc tính nở xốp và mềm cơm hơn nên không phù hợp để sản xuất, nhưng hiện tại nguồn cung loại gạo này đang hạn chế.

Khảo sát của PV VTC News, không chỉ bún mà các loại bột gạo, bánh phở, bánh hỏi, bánh cuốn cũng đồng loạt tăng giá từ 2.000-3.000 đồng/kg.

Giá bún tươi sử dụng cho món bún riêu và bún bò đã tăng từ 10.000 đồng/kg lên 11.000 đồng/kg, còn bún Thủ Đức tăng từ 11.000 đồng/kg lên 12.000 đồng/kg. Giá bánh cuốn cũng đã tăng từ 19.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg. Giá bún khô đã tăng thêm 3.000 đồng/kg, lên 33.000 đồng/kg; còn giá hủ tíu đã tăng thêm 2.000 đồng/kg, lên 24.000 đồng/kg (sợi nhỏ) và 25.000 đồng/kg (sợi lớn).

Bên cạnh đó, giá các loại bột gạo dùng để làm bánh cũng đã tăng. Chị Thương, tiểu thương tại chợ Tân Định, quận 1, cho hay, các loại bột gạo thương hiệu Vĩnh Thuận đã tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/bịch, tùy theo loại 400g hay 800g.

Hủ tiếu, bún, phở... rục rịch tăng theo giá gạo - Ảnh 2.

Giá bột gạo, bún, phở... tăng theo giá gạo. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Các loại bột gạo tẻ Thái Lan cũng đã tăng thêm 2.000 đồng/bịch 400g, lên mức 20.000 đồng/bịch, với một số cửa hàng thậm chí tăng thêm 4.000 đồng/bịch 400g, tương đương 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, giá các loại bún tươi, bánh phở và bún khô vẫn duy trì ở mức giá cũ.

Đại diện ban quản lý chợ Tân Định cho biết, theo báo cáo của tiểu thương, trong ngày 10/8, các loại gạo đều tăng giá từ 1.000-2.000 đồng/kg. Các tiểu thương cho biết trong 1 - 2 ngày tới, các sản phẩm làm từ gạo sẽ tăng tương ứng với mức tăng giá gạo nguyên liệu. Ban quản lý chợ sẽ kiểm soát việc buôn bán các mặt hàng làm từ gạo, không để xảy ra tình trạng giá sản phẩm tăng cao hơn mức tăng giá gạo.

Bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây cho hay, loại gạo dùng để sản xuất bún, phở, bánh tráng… trước đây có giá 13.000 đồng/kg, nay tăng lên 17.000 đồng, mức tăng tương đương 20%. Dù vậy, công ty vẫn chưa tăng giá sản phẩm bán ra.

Theo bà Giàu, các sản phẩm của công ty đều nằm trong chương trình bình ổn thị trường, công ty có nguồn gạo dự trữ để sản xuất trong 1 - 3 tháng nên vẫn ưu tiên việc ổn định giá bán. Nhưng nếu trong vòng 2 tháng tới, giá gạo tiếp tục tăng thì công ty buộc phải tăng giá bán.

Hủ tiếu, bún, phở... rục rịch tăng theo giá gạo - Ảnh 3.

Bún tươi Tú Linh được rao bán 9.000 đồng/500gr trong Bách Hoá Xanh. (Ảnh: Hoàng Thọ)

“ Gạo Ấn Độ ảnh hưởng lớn đến thị trường gạo thế giới. Việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo khiến giá gạo thế giới tăng. Khi gạo tăng giá thì nhiều sản phẩm khác cũng tăng giá theo” , bà Lê Thị Giàu giải thích.

Bà Nguyễn Thị Bính, Giám đốc Công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nguyễn Bính cho biết, giá gạo mà doanh nghiệp dùng để sản xuất bún sạch cứ tăng dần. Từ mức giá 9.800 - 10.000 đồng/kg, hiện giá gạo này đã tăng lên 15.500 - 16.000 đồng/kg. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của doanh nghiệp nói riêng, của ngành sản xuất thực phẩm bún, phở… nói chung.

" Nguyễn Bính xác định được xu thế giá nguyên vật liệu tăng nên cũng trữ được một ít gạo để sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay giá nguyên liệu tăng mà chúng tôi chưa thể tăng được giá bún và có thể sang đến tháng 9 mới tăng giá được, rất khó khăn ", bà Bính nói.

" Hiện nay xăng tăng giá, giá gạo cũng tăng, nhưng khi Nguyễn Bính thông báo tăng giá thêm khoảng 3.000 đồng/kg bún thì khách hàng không chịu. Trong tình hình này nếu Nhà nước không điều tiết được thì chúng tôi chắc chỉ cầm cự hỗ trợ được khách hàng trong 1 tháng nữa thôi" , bà Bính nói thêm.