Kỳ tích Nhật Bản: Tàu ‘viên đạn’ vận tốc hơn 300km/h suốt 6 thập kỷ không gây ra bất kỳ vụ tai nạn nào

Admin

Những đoàn tàu chạy ở tốc độ khoảng 322 km/h trên các tuyến tỏa ra từ thủ đô Tokyo tới nhiều thành phố như Kobe, Kyoto, Hiroshima và Nagano.

Sáng sớm ngày 1/10/1964, một đoàn tàu màu xanh dương bóng bảy lướt qua khu đô thị Tokyo, thẳng tiến tới thành phố Osaka. Đây là bình minh của kỷ nguyên tàu viên đạn ở Nhật Bản - đất nước sau Thế chiến II đang chứng kiến đà phục hồi mạnh mẽ. Cùng với Thế vận hội Tokyo 1964, kỳ quan công nghệ của thập niên 1960 đánh dấu sự trở lại của Nhật Bản ở vị trí cường quốc trên thế giới, theo CNN.

Trong suốt 6 thập kỷ, Shinkansen, có nghĩa là “đường huyết mạch mới”, gắn liền với tốc độ, hiệu quả giao thông và sự hiện đại. Nhật Bản là quốc gia đi đầu trong công nghệ đường sắt, trong đó, những tập đoàn lớn như Hitachi và Toshiba xuất khẩu tàu và thiết bị trị giá hàng tỷ USD đi khắp nơi trên thế giới mỗi năm.

Theo CNN, mạng lưới tàu Shinkansen mở rộng đều đặn từ khi tuyến Tokaido dài 515 km nối Tokyo với Shin-Osaka hoàn thành năm 1964. Những đoàn tàu chạy ở tốc độ khoảng 322 km/h trên các tuyến tỏa ra từ thủ đô Tokyo tới nhiều thành phố như Kobe, Kyoto, Hiroshima và Nagano.

“Sự phát triển của các thành phố dọc theo các tuyến Shinkansen trong nhiều thập kỷ qua cho thấy tác động của nó đối với nền kinh tế ở Nhật Bản, nơi hoạt động kinh doanh trực tiếp rất, rất quan trọng”, ông Hood, nhà nghiên cứu tại Đại học Cardiff của Anh, cho biết.

Không chỉ là biểu tượng của sự phục hồi, Shinkansen được ví như tác nhân giúp cả một đất nước truyền thống thay đổi. Thay vì áp dụng khoảng cách đường ray 143,5 cm như Bắc Mỹ và phần lớn châu Âu, Nhật Bản chọn khoảng cách hẹp hơn là 106,7 cm để cắt giảm chi phí và thuận tiện hóa quá trình thi công lắp đặt.

Năm 1889, thời gian chuyến đi từ Tokyo tới Osaka là 16,5 giờ bằng tàu hỏa, ngắn hơn so với 3 tuần đi bộ trước đó vài năm. Năm 1965, thời gian chuyến đi bằng tàu Shinkansen rút ngắn xuống chỉ còn 3 giờ 10 phút, tức bằng ⅕.

Dĩ nhiên, quá trình xây dựng đã gặp nhiều thách thức, nhất là về mặt địa chấn. Nhật Bản là một trong những nơi kém ổn định nhất về mặt địa chất trên Trái Đất, dễ xảy ra động đất, sóng thần và là quê hương của 10% núi lửa trên thế giới. Điều đó khiến công cuộc vận hành an toàn tàu cao tốc trở nên khó khăn hơn nhiều.

Bất chấp thách thức, chưa có hành khách nào ghi nhận bị thương hay thiệt mạng trên mạng lưới tàu Shinkansen. Thế hệ tàu viên đạn tiếp theo mang tên ALFA-X đang được thử nghiệm ở tốc độ gần 400 km/h để cải thiện hơn nữa tổng thời gian di chuyển của hành khách.

Những điểm đặc trưng của tàu ALFA-X và nhiều tàu Shinkansen khác là phần mũi cực dài, được thiết kế không chỉ nhằm cải thiện khả năng khí động mà chủ yếu để triệt tiêu tiếng nổ siêu thanh gây ra bởi "hiệu ứng piston" khi tàu tiến vào đường hầm. Đây là vấn đề đặc biệt ở khu đô thị có dân cư đông đúc, nơi tiếng ồn từ đường ray tàu Shinkansen từ lâu gây phàn nàn.

Ngày nay, hơn 10 tỷ hành khách đi lại bằng tàu Shinkansen. Sự ổn định và đúng giờ biến giao thông tốc độ cao trở thành hoạt động thường nhật. Năm 2022, hơn 295 triệu người đi bằng tàu Shinkansen quanh Nhật Bản.

“An toàn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”, ông Daisuke Kumajima, Giám đốc quan hệ công chúng của JR Central, nói. “Chúng tôi rất coi trọng việc giáo dục và đào tạo nhân viên của mình”.

Tháng 3 vừa qua, Nhật Bản đã đưa vào sử dụng mới đoạn kéo dài 125km, nâng tổng chiều dài toàn tuyến tàu cao tốc Shinkansen Hokuriku từ ga Tokyo đến ga Tsuruga (tỉnh Fukui) lên 575 km. Ngân hàng phát triển Nhật Bản ước tính chỉ tính riêng tuyến Shinkansen mới có hiệu quả lan tỏa kinh tế hàng năm là 30,9 tỷ yen (214 triệu USD) đối với tỉnh Fukui và 27,9 tỷ yen (194 triệu USD) với tỉnh Ishikawa.

“Chúng tôi kỳ vọng việc mở rộng tuyến sẽ thúc đẩy dòng người đến vùng Hokuriku từ khu vực đô thị Tokyo và vùng Shinetsu, đồng thời hỗ trợ việc di chuyển trong toàn khu vực Hokuriku”, ông Hasegawa Kazuaki - Chủ tịch Công ty đường sắt Tây Nhật Bản cho biết.

Như vậy, Shinkansen mang lại những lợi ích kinh tế cực lớn cho các địa phương tại Nhật Bản, kéo theo nhiều nhà ga và khu đô thị mọc bao quanh. Việc nắm bắt thời cơ và thúc đẩy hiệu quả kinh tế lan tỏa từ Shinkansen, đã giúp nhiều địa phương thay da đổi thịt.

Chẳng hạn, thành phố Saku ở tỉnh Nagano, phía Tây của Tokyo đã lột xác sau khi có Shinkansen vào năm 1997. 15 năm sau, số liệu của Chính phủ cho thấy dân số của thành phố tăng thêm 7,2%, số lượng người đến thành phố tăng 70%, còn doanh thu thuế tăng đến 123 lần.

Theo: CNN, France24