Lãnh đạo Green Food, LOF cố vấn cuộc thi FID 2024

Admin

Hai lãnh đạo LOF, Green Food sẽ hỗ trợ đào tạo workshop, tư vấn, giúp thí sinh FID 2024 rèn kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế, tìm giải pháp sáng tạo cho ngành.

Cuộc thi Đổi mới và phát triển thực phẩm - Food Innovation and Development (FID 2024) mang đến nhiều hoạt động nghiên cứu, tranh tài trong lĩnh vực gia vị, công nghệ thực phẩm. Lĩnh vực này hiện có tốc độ phát triển nhanh chóng, đòi hỏi các nhà nghiên cứu trẻ vững kiến thức chuyên môn, song song với định hướng, hỗ trợ từ các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm.

Theo đó, chương trình đã mời hai lãnh đạo doanh nghiệp gồm bà Đặng Thị Yến - Nhà sáng lập Công ty CP thực phẩm và nước giải khát Green Food, cùng ông Nguyễn Tuấn Khôi - Giám đốc kỹ thuật Công ty CP Sữa quốc tế LOF, tham gia với vai trò cố vấn (mentor), hỗ trợ định hướng cho thí sinh. Những buổi đào tạo, workshop, trao đổi trực tiếp giữa hai bên sẽ là cầu nối để các bạn trẻ tự tin thể hiện ý tưởng của mình.

Bà Đặng Thị Yến, Founder của Green Food. Ảnh: NVCC

Bà Đặng Thị Yến, Founder của Green Food. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về lý do tham gia FID 2024, bà Yến cho biết cuộc thi không chỉ là sân chơi sáng tạo cho sinh viên, mà còn là cơ hội để các lãnh đạo doanh nghiệp đóng góp kinh nghiệm, kiến thức, giúp các bạn hiện thực hóa ý tưởng của mình. Với bà, cố vấn không đơn thuần cung cấp thông tin mà là đồng hành, giúp các đội phát triển tư duy chiến lược, rèn kỹ năng giải quyết vấn đề.

Qua quá trình giao tiếp với các đội, bà cảm nhận được sự nhiệt huyết, sáng tạo. Điều đó khiến bà có thêm động lực hỗ trợ, khơi dậy tiềm năng của họ. Nữ mentor cho biết đặt nhiều hy vọng vào khả năng học hỏi, phát triển của thế hệ sinh viên hiện tại.

"Qua cuộc thi, tôi mong các bạn có thể củng cố kiến thức chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, từ đó trưởng thành hơn trong hành trình phát triển bản thân và sự nghiệp", bà Yến nói.

Với ông Nguyễn Tuấn Khôi, FID 2024 là cơ hội để ông gặp gỡ, tiếp cận những tài năng trẻ trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm tại Việt Nam. Theo ông, việc các đội thi được hỗ trợ bởi thầy cô, doanh nghiệp, tổ chức trong ngành sẽ giúp thu hẹp khoảng cách lý thuyết với thực tiễn. Sinh viên có thể nhân cơ hội này để kết nối mối quan hệ trong ngành, giúp ích cho hành trình sự nghiệp sau này.

"Với sự hỗ trợ từ ban tổ chức, các mentor, và sự quyết tâm của các đội thi, FID 2024 hứa hẹn mang đến nhiều sản phẩm sáng tạo, tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai", ông Khôi nhấn mạnh.

Ông Đặng Tuấn Khôi - Giám đốc kỹ thuật Công ty CP Sữa quốc tế LOF. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Tuấn Khôi - Giám đốc kỹ thuật Công ty CP Sữa quốc tế LOF. Ảnh: NVCC

Về phía thí sinh, em Nguyễn Anh Thư, sinh viên ngành Công nghệ Thực phẩm trường Đại học Công thương TP HCM, cho biết hoạt động cố vấn của cuộc thi FID 2024 mang lại nhiều lợi ích cho việc phát triển sản phẩm dự án. Qua đó, các em có góc nhìn mới đa chiều hơn về công việc R&D sau này.

Các em còn rút được nhiều kinh nghiệm giúp định hình chiến lược, tránh những sai lầm phổ biến khi làm dự án. Nhiều giải pháp hiệu quả đã được hỗ trợ hiện thực hóa hoặc đưa ra hướng đi khác có lợi hơn từ các mentor, giúp tăng cơ hội thành công cho sản phẩm.

Đồng quan điểm, em Phạm Thị Thanh Tâm, sinh viên trường Đại học Duy Tân, cho biết sau khi tham gia hoạt động mentoring đã nhận được những chia sẻ, góp ý giá trị. Trong đó, các thông tin về tỷ lệ phối trộn và thời gian sấy sản phẩm đều rất hữu ích. Ngoài giúp khắc phục hạn chế hiện tại, họ còn đưa ra những cải tiến đáng kể cho dự án của sinh viên.

"Dù thời gian tiếp xúc, xin ý kiến từ các nhà cố vấn không nhiều, song các mentor đều nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm bản thân cho chúng em, giúp các đội thi xác định vấn đề cần giải quyết, chuẩn bị kỹ càng hơn cho vòng thi tiếp theo", Thanh Tâm nói thêm.

Em Phạm Thị Thanh Tâm, sinh viên trường Đại học Duy Tân, thí sinh FID 2024. Ảnh: NVCC

Em Phạm Thị Thanh Tâm, sinh viên trường Đại học Duy Tân, thí sinh FID 2024. Ảnh: NVCC

Ngoài bà Yến, ông Khôi, các mentor còn lại tại FID 2024 đều là những chuyên gia uy tín trong ngành, giúp các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận kiến thức nền tảng và kỹ năng mềm thiết yếu. Họ chia sẻ kiến thức chuyên môn, giúp thí sinh rèn kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế, tìm ra giải pháp sáng tạo cho các thách thức trong ngành.

Hiện chương trình đã tìm ra 63 đội thi dẫn đầu, chia thành ba bảng đấu. 17 mentor chia thành hai nhóm. 14 người tư vấn cho 50 đội ở bảng 1 (Health Focus - Sản phẩm tốt cho sức khỏe) và bảng 2 (Food Security and Social Impact - An ninh lương thực và tác động đến xã hội). Nhóm còn lại gồm ba người, hỗ trợ 13 đội ở bảng 3- Problem Solving Innovation- Sản phẩm giải quyết các vấn đề đặt ra của Doanh nghiệp.

Toàn bộ cố vấn đều là cán bộ làm việc lâu năm ở các doanh nghiệp trong lĩnh vực được mời. 90% đang ở cấp bậc trưởng phòng R&D (nghiên cứu và phát triển) hoặc giám đốc kỹ thuật trở lên. Trong đó có hai người là giám đốc điều hành.

Các lĩnh vực thí sinh được đặt câu hỏi tham vấn với mentor gồm: lựa chọn nguyên liệu, phụ gia đưa vào phát triển sản phẩm; tối ưu kỹ thuật, thiết bị, thông số trên quy trình sản xuất sản phẩm thực phẩm; tính khả thi của sản phẩm về công nghệ và thị trường.

Về hình thức tư vấn, 17 mentor và các đội, được chia nhóm theo lĩnh vực sữa, lương thực, bánh, kẹo, thực phẩm chay, nước giải khát... sẽ hội ý trực tuyến theo lịch định kỳ. Trung bình hai tuần một lần, từ 1/9 đến 1/12.

Á Hiên