Với đa dạng các kỳ thi, hình thức xét tuyển, đánh giá, việc trúng tuyển đại học giờ đây không chỉ phụ thuộc vào năng lực của thí sinh và còn là việc lựa chọn chính xác cách thức phù hợp.
Sau nhiều lần thay đổi phương án xét tuyển, năm 2024 Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chính thức bỏ xét tuyển học bạ đối với học sinh trường chuyên, trường trọng điểm. Và dự đoán đây có thể sẽ là xu hướng chung của nhiều trường top đầu trong thời gian tới.
Bỏ xét tuyển học bạ không làm giảm cơ hội cho thí sinh
Lý giải về những nguyên nhân về việc thay đổi phương thức xét tuyển hiện nay, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông tin: “Trước sự thay đổi về mục tiêu và ý nghĩa của kỳ thi tốt nghiệp THPT qua các năm. Cùng với đó đến nay, song hành cùng với kỳ thi chung có nhiều kỳ thi đánh giá năng lực của các cơ sở giáo dục đại học uy tín như ĐHQGHN, ĐHQG Tp.HCM, Đại học Bách khoa khiến cho đến nay đề án tuyển sinh có một số điều chỉnh".
Theo ông Triệu qua nghiên cứu đề thi và theo dõi quá trình thi qua nhiều năm thấy được các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy có sự chuẩn hoá cao, có độ phân hoá tốt, tính ổn định, đặc biệt uy tin càng ngày càng được củng cố.
“Cùng với đó các bài thi này đáp ứng nhu cầu về phân loại tốt hơn so với các phương thức xét tuyển học bạ, kết quả thi tốt nghiệp THPT. Do vậy chúng tôi có định hướng sẽ sử dụng tối đã các kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực trong phương thức xét tuyển của mình”, PGS.TS Bùi Đức Triệu bày tỏ.
Trước băn khoăn việc giảm phương thức xét tuyển đồng thời làm mất đi cơ hội trúng tuyển đối với thí sinh, ông Triệu cho biết, trên thực tế chỉ tiêu xét tuyển học bạ của nhà trường chỉ chiếm 10% và xét kết hợp với các tiêu chí khác.
Qua theo dõi nhiều năm, các em học sinh chọn phương án lấy điểm học bạ có năng lực học tập tốt và có đầy đủ điều kiện tham gia được nhiều các phương thức khác vì vậy việc loại bỏ cũng không ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi các em.
Cũng theo ông Triệu việc nhiều phương thức cũng dẫn đến tình trạng tỉ lệ thí sinh ảo và trùng tăng cao chính vì vậy năm nay Trường Kinh tế Quốc dân chỉ có 2 nhóm là xét tuyển không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp và phương thức kết hợp với kết quả thi tốt nghiệp, cả 2 nhóm đề đồng nhất công thức tính điểm.
“Từ đó cũng hỗ trợ thí sinh biết được cái gì mình có ưu thế nhất, giúp đặt được những phương thức có ưu thế nhất. Điều này cũng làm đơn giản cho học sinh phù hợp với khuyến nghị của Bộ GD&ĐT”, ông Bùi Đức Triệu đánh giá.
Mở rộng thêm đào tạo ngành công nghệ
Năm nay, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến mở 6 ngành học mới liên quan đến công nghệ kinh tế. Đây là bước chuẩn bị để sắp tới trường công nghệ trực thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân ra đời.
Về nội dung này, đại diện nhà trường cho rằng việc đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực là xu thế chung của các trường đại học trên thế giới, khác với đào tạo chuyên sâu như trước kia.
Trước đây chúng tôi chủ yếu tập trung đào tạo những ngành kinh tế, quản lý, quản trị. Nhưng trong khoảng 20 năm trở lại đây nhà trường đã có mở rộng các ngành về công nghệ, khoa học xã hội như Luật, Ngôn ngữ Anh, Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin,…”
Việc mở rộng các ngành mới, nằm trong chiến lược phát triển Đại học Kinh tế Quốc dân khi sẽ mở các trường trực thuộc bao gồm Trường Kinh tế và Quản lý công, Trường Kinh doanh và Trường Công nghệ.
“Mở rộng các nhóm ngành đã được chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, năng lực đặc biệt chúng tôi đã mời được khoảng trên 10 Tiến sĩ được đào tạo từ Âu Mỹ thuộc lĩnh vực công nghệ để đáp ứng nhu cầu người học.
Chúng tôi đang ở giai đoạn chuẩn bị, khi chính thức mở sẽ có những thông tin rõ hơn nhưng định hướng phát triển của trường trong thời gian tới sẽ phát triển thêm ngành công nghệ”, ông Bùi Đức Triệu cho biết.
Trước đó, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cũng thông tin: “Có nhiều phương thức xét tuyển của các cơ sở đào tạo không có thí sinh xác nhận nhập học hoặc số tỉ lệ thí sinh nhập học dưới 10% so với chỉ tiêu. Điều này thể hiện sự không hiệu quả cho cả thí sinh và các trường đại học, nhiều phương thức xét tuyển cũng gây nhiễu loạn thông tin cho thí sinh”.
Bà Thuỷ cũng cho rằng các cơ sở đào tạo cần đánh giá lại hiệu quả của các phương án xét tuyển thông qua kết quả học tập của sinh viên sau khi nhập học từ đó có những phương pháp phù hợp. Ngoài ra vấn đề đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển cũng là điều được dư luận quan tâm mà các cơ sở đào tạo phải giải trình.
Trong năm 2022, có khoảng 18 phương thức xét tuyển, trong đó phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm tỉ lệ nhập học lên đến gần 48%, phương thức xét tuyển theo học bạ chiếm 37,18%.
Tổng số thí sinh nhập học bằng hai phương thức này là trên 85%. Trong khi đó, nhiều phương thức có tỉ lệ thí sinh nhập học rất thấp, dưới 1%, thậm chí có phương thức không có thí sinh nào nhập học.
Việc đơn giản hoá các phương thức xét tuyển là xu hướng phù hợp, tránh gây phức tạp cho thí sinh và tỉ lệ ảo của các trường đại học.