Những giải pháp khả thi chủ yếu về cơ chế, chính sách đối phó với đại dịch Covid-19 của các doanh nghiệp thương mại mặt đất của ngành hàng không Việt Nam trong thời gian tới (Phần 1)

Vũ Xuân Kiên

(tapchivietduc.vn) - Chuyên đề "Những giải pháp khả thi chủ yếu về cơ chế, chính sách đối phó với đại dịch Covid-19 của các doanh nghiệp thương mại mặt đất của ngành hàng không Việt Nam trong thời gian tới" do TS. Trần Quang Châu (Viện trưởng Viện khoa học hàng không) và TS. Phùng Thế Tám (Giảng viên Đại học Kinh tế luật) nghiên cứu và thực hiện.

A. Mở đầu

Cho đến cuối năm 2019 ngành vận tải hàng không thế giới phát triển thật rực rỡ với nhiều hứa hẹn tốt đẹp cho tương lai. Tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 đã âm thầm lan rộng và tiếp đó đã nhanh chóng ào ạt bùng phát thành Đại dịch Covid-19. Nó tàn phá nền kinh tế thế giới một cách khủng khiếp. Nó làm đảo lộn mọi tính toán của loài người, nó đi đến đâu là mang chết chóc đau thương đến đó. Nó làm cho cả thế giới phải căng sức ra chịu đựng và chống đỡ. Ngành vận tải hàng không thế giới đang trên đà phát triển rực rỡ đã nhanh chóng rơi vào tình trạng đình đốn, bế tắc... Nhiều hãng hàng không lớn có uy tín nhiều năm nay đang bên bờ vực phá sản, nhiều hãng đã và đang phá sản, nhiều hãng lao đao; nạn thất nghiệp tràn lan… 

dich-vu-khai-thac-mat-dat-tai-san-bay-quoc-te-noi-bai-ha-noi-1685418512.jpg
Dịch vụ khai thác mặt đất tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Xuân Kiên

1. Tình hình vận tải hàng không trên thế giới

Trong bối cảnh này, các đơn vị, tổ chức thuộc ngành hàng không đều phải thu hẹp phạm vi hoạt động, ngừng triển khai các dự án mới; nhiều hãng hàng không đã phải tiến hành các thủ tục xin phá sản: Hãng hàng không quốc gia Thai Airways đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào giữa tháng 5/2020 do ảnh hưởng của Covid-19 và những khó khăn trước đó. Sau đó ít lâu, Hãng hàng không Avianca của Colombia cũng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Tiếp đó, trong tháng 4/2020, hãng hàng không Virgin Australia sụp đổ và tháng 3/2020, hãng hàng không Flybe của Anh cũng buộc phải tuyên bố không thể tiếp tục duy trì hoạt động của mình. Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế IATA dự báo rằng dù sẽ phục hồi dần dần nhưng ngành hàng không trên thế giới sẽ còn khó khăn ít nhất đến hết năm 2023. Một nghiên cứu khác cũng dự báo sự phục hồi của nhu cầu hành khách trên thế giới về mức trước COVID-19 ước tính mất khoảng 2,4 năm (phục hồi vào cuối năm 2022), trong đó ước tính lạc quan nhất là 2 năm (phục hồi vào giữa năm 2022) và ước tính bi quan nhất là 6 năm (phục hồi vào năm 2026).

2. Tình hình của Hàng không Việt Nam

Ngành Hàng không Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Đại dịch Covid-19 đã khiến ngành hàng không Việt Nam thiệt hại nghiêm trọng, số lượng khách hàng và số chuyến bay khai thác đều sụt giảm mạnh. “Từ đầu năm 2020 tới nay, dịch bệnh ở Việt Nam đã trải qua 4 đợt: Đợt 1 từ tháng 02/ 2020 tới giữa tháng 7/2020 (với điểm đáy là tháng 4/2020) và đợt 2 từ cuối tháng 7/2020 tới quý 1 năm 2021. Đợt dịch lần thứ 3 vào đúng dịp tết Nguyên Đán, đợt 4 vào cao điểm từ hè đến nay. Đợt 3 và 4 trầm trọng hơn và diễn ra ở diện rộng trong cả nước, nặng nhất là tại các khu công nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hàng không và Du lịch vẫn là những ngành bị thiệt hại trầm trọng nặng nề nhất.”(3). Những thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra cho ngành hàng không có thể khái quát như sau:

Thị trường quốc nội giảm sút nghiêm trọng, khiến một lượng lớn phương tiện và cơ sở vật chất không được khai thác và sử dụng. Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, tới ngày 21/8/2020, Việt Nam có tới khoảng 1/3 tổng số tàu bay phải dừng bay. Số chuyến bay phải dừng bay nằm chờ tại các sân bay lên mức kỷ lục, trên 80%. Các doanh nghiệp hàng không, sân bay, Quản lý bay, dịch vụ kỹ thuật, thương mại mặt đất cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thị trường hàng không quốc nội cũng đã giảm sút nghiêm trọng: Do dịch bệnh đợt 3 diễn ra đúng vào dịp Tết âm lịch (27/01 - 26/02/2021); lần thứ tư vào mùa du lịch hè khi nhu cầu vận chuyển thường đạt cao điểm. Do lượng khách giảm, số chuyến bay cũng giảm theo và để kích cầu, các hãng buộc phải giảm giá vé khá sâu, dẫn tới hậu quả chưa từng xảy ra trước đây là các Hãng hàng không Việt Nam bị lỗ ngay trong mùa cao điểm.

Bay quốc tế vẫn đóng băng, chủ yếu sử dụng các chuyến bay cứu nạn, bay chở hàng hóa cứu trợ và thiết yếu. Trong 2 tháng đầu năm 2021, vận chuyển khách quốc tế chỉ đạt 66,6 nghìn khách, giảm 98,8% so cùng kỳ 2019.

Tiếp tục làm giảm doanh thu, không còn doanh thu, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong cân đối dòng tiền, đảm bảo tính thanh khoản của các doanh nghiệp. 

Chúng ta đều biết, ngành hàng không là một ngành kỹ thuật- công nghệ cao do đó có chi phí cố định cao, đặc biệt là các khoản chi phí khấu hao trang thiết bị và cơ sở vật chất kỹ thuật. Máy bay không bay được thì không chỉ các hãng hàng không phải chi trả những khoản chi cố định (khấu hao tàu bay, tiền bãi đỗ, lương trả nhân viên…) mà các doanh nghiệp có liên quan như cảng hàng không, cơ quan điều hành bay, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mặt đất… đều nằm trong tình trạng tương tự làm phát sinh thêm nhiều chi phí. Để đảm bảo an toàn cho phương tiện bay, các tàu bay đang trong kế hoạch khai thác, không thuộc dạng bảo dưỡng dừng bay nhưng phải dừng bay trên 8h phải được bọc bảo vệ các đầu cảm biến động, tĩnh áp, cảm biến nhiệt độ, cảm biến góc tấn; những tàu bay đang khai thác nhưng phải dừng bay trong thời gian từ 3 ngày trở lên phải bọc bảo quản động cơ... Những hoạt động này đều làm phát sinh chi phí ngoài dự kiến. Dịp cao điểm (quý 2 và 3  năm 2021), mỗi ngày các Hãng hàng không phải chi hơn 100 tỷ VNĐ để bảo dưỡng, duy trì đội hình máy bay nằm chờ tại các sân bay.

Khối các doanh nghiệp dịch vụ Thương mại mặt đất, dịch vụ kỹ thuật và công nghiệp phù trợ, sản xuất suất ăn, đào tạo… cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phải sản xuất mức tối thiểu; lao động bị nghỉ ngừng việc, chờ việc nên thu nhập thấp, nhiều lao động phải nghỉ không lương kéo dài.

Các doanh nghiệp Thương mại mặt đất (TMMĐ) hàng không cũng đang chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng. Các doanh nghiệp TMMĐ của ngành hàng không nằm trong nhóm các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn về sự phá hoại do dịch bệnh Covid-19 gây nên. Nó không chỉ có số lượng lao động đông đảo rải khắp các cảng vụ Hàng không trong cả nước, Văn phòng đại diện ở nước ngoài mà còn là lực lượng lao động trọng yếu phục vụ cho phát triển dịch vụ hàng không ở cơ sở. 

Chính vì thế mà việc nghiên cứu ảnh hưởng tai hại của đại dịch covid -19 để qua đó tìm ra được các giải pháp khả thi, hữu hiệu về cơ chế và chính sách áp dụng cho hoạt động của các doanh nghiệp TMMĐ hàng không trong thời gian tới là vấn đề cấp thiết hiện nay hơn bao giờ hết.

Dẫu chúng ta vẫn biết rằng diễn biến sắp tới của đại dịch Covid-19 còn nhiều biến hóa phức tạp và khó lường nhưng việc tổng kết đánh giá những giải pháp vừa qua mà các cơ quan, đơn vị đã ứng phó với dịch bệnh là hết sức cần thiết. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá toàn diện những tác hại to lớn của đại dịch Covid-19 gây ra đối với các doanh nghiệp TMMĐ ngành HKVN và tác dụng cụ thể thực tế những giải pháp đã ứng phó trong thời gian qua của Nhà nước và các doanh nghiệp TMMĐ hàng không để ta so sánh, phân tích tính hiệu quả, khả thi của từng giải pháp nhằm tìm ra những giải pháp ưu việt về cơ chế và chính sách khả thi, hiệu quả, có tính cơ bản lâu dài hơn để từ đó đưa ra những kiến nghị có tính khả thi, hiệu quả với các cấp có thẩm quyền và các doanh nghiệp áp dụng cho thời gian tới. Đó chính là mục tiêu nhiệm vụ nghiên cứu của bài viết này.

B. Nội dung

I. Vài nét tổng quan về các doanh nghiệp thương mại mặt đất (TMMĐ) của ngành Hàng không Việt Nam (HKVN)

Để nắm được tổng quan về các doanh nghiêp TMMĐ của ngành HKVN, ta tìm hiểu một vài doanh nghiệp chủ yếu sau đây:

1. Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS)

Căn cứ theo Nghị định số 112-NĐ/HĐBT ngày 29/8/1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), Lữ đoàn không quân vận tải mang số hiệu 919 đã tách ra khỏi Bộ tư lệnh Không quân thuộc Bộ Quốc phòng để thành Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam (HKDDVN) trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Kể từ đây, ngành HKDDVN đã ra đời với tư cách là một ngành kinh tế kỹ thuật- đối ngoại của đất nước. Kể từ ngày thành lập Tổng cục HKDDVN, trong dây chuyền dịch vụ đồng bộ Hàng không ở mặt đất đã xuất hiện các Đội vận chuyển mặt đất. Sau đó tiến lên là thành các Xí nghiệp dịch vụ thương mại hàng không mặt đất. Vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước ngành HKDDVN có 3 Xí nghiệp Dịch vụ thương mại mặt đất tại 3 cụm cảng Hàng không sân bay tại ba miền đất nước: miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Ngày 01/01/2016 trên cơ sở hợp nhất 3 Xí nghiệp dịch vụ thương mại mặt đất Nội bài (NIAGS); Đà nẵng (DIAGS) và Tân Sơn Nhất (TIAGS), Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại mặt đất cảng hàng không, sân bay Việt Nam (VIAGS) được thành lập. Đây là loại hình kinh doanh đầu tiên ở Việt Nam chuyên cung cấp các dịch vụ thương mại mặt đất cảng hàng không - sân bay trong dây chuyền dịch vụ hàng không mặt đất đồng bộ. Đây cũng là mốc đánh dấu sự đổi mới của ngành HKVN trong lĩnh vực dịch vụ cảng hàng không, sân bay (CHK, SB) đồng bộ, thống nhất trong toàn ngành. Sự đổi mới này rất phù hợp với nhu cầu phát triển của ngành HKVN trong giai đoạn mới và cũng phù hợp với nguyện vọng của cán bộ công nhân viên. Theo đó, công ty TNHH MTV dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam do Việt Nam Airlines đầu tư 100% vốn điều lệ, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2016. Đây là cơ sở chuyên cung cấp dịch vụ mặt đất cho cảng hàng không- sân bay theo dây chuyền đồng bộ cho các hãng hàng không tại các cảng hàng không sân bay lớn (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng) và sau này sẽ hướng đến các CHK-SB địa phương.

Sự đổi mới này đã tạo nên luồng gió mới cho cán bộ, công nhân viên trong toàn ngành HKVN và đặc biệt là lực lượng cán bộ nhân viên làm việc trong lĩnh vực dịch vụ hàng không đồng bộ, tạọ nên niềm tin cho họ phấn khởi vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và đã liên tiếp gặt hái những thành công đáng trân trọng: Lần đầu tiên ở Việt Nam tại cả 3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Nội Bài đều đạt chuẩn quốc tế trong lĩnh vực công tác dịch vụ thương mại mặt đất hàng không. Với đội ngũ lao động lành nghề, cường độ làm việc yêu cầu chất lượng cao, số lượng lớn (có thời điểm trong lịch bay cao điểm hè trước năm 2019, VIAGS huy động gần 5.000 lao động và hơn 1.200 trang thiết bị vào chuỗi cung ứng dịch vụ tại 3 miền Bắc, Trung, Nam cho gần 70 hãng hàng không), chiếm 58% thị phần công tác dịch vụ hàng không mặt đất ở Việt Nam. 

Trước dịch bệnh trung bình một ngày VIAGS phục vụ khoảng 600 chuyến bay thương mại, hơn 90.000 lượt hành khách, gần 3.300 tấn hàng hóa đi đến tại ba cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (NBA), Đà Nẵng (DAD) và Tân Sơn Nhất (TSN). Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến 2019, VIAGS đã liên tiếp đạt được 16 giải thưởng về chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không danh tiếng bình chọn trong khu vực Đông Nam Á và hơn 80 Cảng hàng không- sân bay trên mạng bay toàn cầu như: Singapore Airlines, Korean Air, Japan Airlines, Cathay Pacific... Nhờ sự đáp ứng các tiêu chí an toàn, tiện nghi, đúng giờ, VIAGS thường xuyên nhận được thư khen của đối tác và phản hồi tích cực từ khách hàng, trong đó hầu hết là hãng hàng không tiêu chuẩn 4-5 sao trên thế giới.

Đây có thể nói là một bước phát triển của Việt Nam Airlines trên con đường trở thành hãng Hàng không đạt tiêu chuẩn 4 sao về chất lượng dịch vụ hướng đến mục tiêu trở thành hãng hàng không hàng đầu của khu vực Đông Nam Á được ưa chuộng tại Châu Á thái bình dương về dịch vụ trên không và mặt đất.

(Nguồn tin từ các báo cáo công tác hàng năm của CÔNG TY TNHH MTV DỊCH VỤ MẶT ĐẤT SÂN BAY VIỆT NAM - VIAGS, địa chỉ tại Tầng 5,Tòa nhà Tổng công ty Vietnam Airlines, Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam; Bản tin nội bộ, các tạp chí hàng không của Việt Nam và các nước).

2. Công ty TNHH Dịch vụ Mặt đất hàng không (AGS)     

Ngày 01/07/2016, AGS chính thức đi vào khai thác, phục vụ thành công chuyến bay đầu tiên. Đây là tổ chức được hợp nhất từ hai công ty TNHH Dịch vụ Mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) và Công ty Cổ phần Dịch Vụ Sân bay quốc tế Cam Ranh. (Địa chỉ AGS: Sân Bay Quốc Tế Cam Ranh, Phường Cam Nghĩa, Thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa).

Với định hướng trở thành đối tác phục vụ thương mại mặt đất tốt nhất của các hãng hàng không và luôn hướng đến giá trị cốt lõi - hướng đến khách hàng, AGS đã không ngừng lớn mạnh và liên tục phát triển, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ và năng lực phục vụ, là lựa chọn của nhiều hãng hàng không: Vietnam Airlines, China Southern Airlines, Azur Air, Bangkok Airways, Jeju Air, Pacific Airlines, Air Seoul, HK Express, Okay Airways, Qingdao Airlines, Starlux Airlines, China Airlines, Eznis Airways,…

Công ty đã đáp ứng tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và ISAGO, quy định của nhà chức trách sân bay, chuyên môn hóa theo tiêu chuẩn riêng của từng hãng hàng không khách hàng, có đội ngũ nhân viên tay nghề cao được đào tạo cơ bản về chuyên môn sâu, tận tâm, thân thiện trong phục vụ và khả năng thực hiện được nhiều hệ thống theo công nghệ mới của thế giới như: Sabre Interact Airport, Navite, Amadeus, Travel Sky, SITA.. đồng thời hệ thống trang thiết bị hiện đại, chuyên biệt trong ngành dịch vụ mặt đất, AGS hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt của ngành hàng không quốc tế và có năng lực sẵn sàng phục vụ được nhiều dòng tàu bay mới hiện đại khác nhau như: ATR, A320/321, A330/350, B737/757/767/787/777, B747F. (Theo báo cáo nội bộ của công ty các năm từ 2017 đến năm 2019).

Những nhiệm vụ chủ yếu của các doanh nghiệp thương mại mặt đất VIAGS và AGS:

Căn cứ chức năng , nhiệm vụ của công ty, có thể tóm lược các nhiệm vụ chủ yếu của Công ty như sau:

2.1. Dịch vụ hành khách và hành lý: Dịch vụ vận chuyển hành khách đến, đi và chuyển tiếp; dịch vụ làm thủ tục; Dịch vụ tại cửa khởi hành; Dịch vụ tìm kiếm và xử lý thất lạc hành lý; Hỗ trợ hành khách hạn chế khả năng di chuyển; Dịch vụ hành khách chuyên cơ, đặc biệt VIP.

2.2. Dịch vụ sân đỗ: Bãi đỗ; Tải hàng/ dỡ hàng từ tàu bay; Vệ sinh tàu bay; Phân loại và vận chuyển hành lý; Vận chuyển hành khách và tổ bay trong sân đỗ; PU, ASU, ACU; Xe nước sạch; Xe vệ sinh; Kéo đẩy tàu bay ra vào bãi đậu; Kiểm soát…

2.3. Dịch vụ kiểm soát tải, thông tin liên lạc và điều hành bay: Phối hợp các đơn vị phục vụ tàu bay; Chuẩn bị và phân phối tài liệu cho các chuyến bay; Kiểm soát và Cân bằng trọng tải; Truyền và tiếp nhận thông tin hoạt động, thông báo của tất cả đơn vị liên quan; Thông tin và phối hợp giữa tàu bay và các đơn vị dịch vụ mặt đất; Đại diện và giám sát; Giấy phép bay và các loại giấy tờ tại sân bay; Chuẩn bị và đưa các kế hoạch bay cho tổ bay; Phối hợp với các công ty cung ứng nhiên liệu …

2.4. Dịch vụ hàng hóa: Phục vụ hàng hóa và bưu kiện; Kiểm tra hải quan; Xử lý hàng hóa xuất/nhập; Phục vụ tài liệu…

2.5. Các dịch vụ VIP:  Đón và hỗ trợ hành khách VIP (Đến/Đi); Điều phối các chuyến bay thuê chuyến thương mại (charter); Dịch vụ hành khách VIP (Đến/Đi); Hỗ trợ điều phối bay; Vận chuyển hành khách trong sân đỗ; Hỗ trợ hành khách/tổ bay thực hiện các thủ tục hàng không; Dịch vụ phòng VIP thương gia/VIP A; Hỗ trợ đặt phòng khách sạn/phương tiện vận chuyển

3. Các dịch vụ khác:

3.1. Dịch vụ trên không: Dịch vụ trên không là tất cả các dịch vụ cung ứng cho hành khách ngồi trên chuyến bay: bao gồm sự phục vụ của tiếp viên suất ăn đồ uống, giải trí, vật tư và các hỗ trợ, giúp đỡ hành khách khi có yêu cầu trong quá trình bay. 

3.2. Dịch vụ mặt đất: Dịch vụ mặt đất bao gồm tất cả các hoạt động phục vụ các chuyến bay đi và đến các cảng Hàng không sân bay. Các nội dung chính của dịch vụ mặt đất là: Lập kế hoạch sản xuất kinh doanh phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất cho hành khách và tầu bay của các hãng Hàng không; Tổ chức cung ứng các dịch vụ, kỹ thuật thương mại mặt đất bao gồm: Dịch vụ phục vụ hành khách đi- đến và chuyển tiếp, dịch vụ phục vụ kỹ thuật mặt đất hàng không, dịch vụ làm tài liệu cân bằng trọng tải và hướng dẫn chất xếp hàng hóa cho các chuyến bay, dịch vụ phục vụ vệ sinh, cung cấp vật tư phục vụ tìm kiếm và giao trả hành lý thất lạc, dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng các trang thiết bị kỹ thuật xe đặc chủng, đào tạo và dịch vụ khác có liên quan đến dây chuyền phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất cho tầu bay của các hãng hàng không.

3.3. Dịch vụ khác: Ngoài ra còn tham gia xây dựng quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn định mức phục vụ kỹ thuật thương mại cho tầu bay; Kiến nghị với các cơ quan chức năng của các hãng hàng không ban hành sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn định mức phục vụ kỹ thuật thương mại cho tàu bay; Tổ chức thu nhận ý kiến của hành khách về chất lượng phục vụ, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý thông tin; Đào tạo phục vụ kỹ thuật thương mại đầy đủ, kịp thời đúng tiêu chuẩn cho các chuyến bay theo kế hoạch và lịch bay hàng ngày; Quan hệ với các đơn vị hoạt động trên sân bay đảm bảo phục vụ hành khách chu đáo, an toàn. Thực hiện phục vụ kỹ thuật thương mại cho các chuyến bay chuyên cơ.

Các xí nghiệp thương mại mặt đất Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất thực hiện các chức năng cung ứng các dịch vụ thương mại mặt đất ở Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất thực hiện các chức năng cung ứng dịch vụ thương mại, kỹ thuật mặt đất phục vụ hành khách và tàu bay của Việt Nam Airlines và các hãng hàng không khác tại cảng hàng không-sân bay quốc tế đã được phép ủy quyền của Vietnam Airlines.     

(Theo các hồ sơ pháp lý của công ty như các Quyết định thành lập, các qui chế nội bộ, các báo cáo công tác của Công ty).

Còn nữa:

II. Đánh giá tác động của cơ chế, chính sách của ngành HKVN trong việc ứng phó với đại dịch covi-19 tại các doanh nghiệp TMMĐ trong thời gian qua.

III. Những giải pháp khả thi chủ yếu về cơ chế, chính sách đối phó với đại dịch COVID-19 của các doanh nghiệp TMMĐ trong thời gian tới.

C. Kết luận và kiến nghị

TS. Trần Quang Châu (Viện trưởng Viện khoa học hàng không) - TS. Phùng Thế Tám (Giảng viên Đại học Kinh tế luật)