Phải để giáo viên chủ nhiệm thành nhà tâm lý, nhà giáo dục thực sự

Admin

Các chuyên gia cho rằng, nhà giáo cần được đào tạo, tham vấn tâm lý mới có thể xây dựng được trường học hạnh phúc, làm cầu nối gắn kết với học sinh.

Song hành với xây dựng bộ tiêu chí trường học hạnh phúc dùng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn Hà Nội, việc phát triển đội ngũ tâm lý học đường trong các chú trọng xây dựng trong các trường học, tạo thành một cộng đồng kết nối hỗ trợ học sinh, giáo viên.

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết, về những vấn đề liên quan đến tâm lý học đường cần có một cộng động nhằm huy động nhiều người cùng nhiều người tham gia và không giới hạn thành viên là người chuyên môn.

“Phần lớn hiện nay các trường đều bắt đầu có cán bộ phụ trách tâm lý, ngoài công tác chuyên môn, vai trò của các cán bộ này là  đưa khoa học tâm lý giáo dục đến các trường học, đến với giáo viên, phụ huynh. Từ đó, có thể hiểu, đồng hành, chia sẻ, giáo dục học sinh một cách khoa học”, ông Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng nhận định ngoài xây dựng cộng đồng sẽ lan toả cộng đồng tâm lý giáo dục đến các trường học, thì chính các giáo viên, nhà quản lý trường học cũng cần nắm rõ về giáo dục tâm lý, xây dựng trường học hạnh phúc.

Giáo dục - Phải để giáo viên chủ nhiệm thành nhà tâm lý, nhà giáo dục thực sự

Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong tham vấn tâm lý học đường.

Theo ông Lâm, hiệu trưởng có vai trò quyết định hiệu quả của công tác tâm lý học đường, hiệu trưởng muốn làm tốt thì phải tự học, tự tìm hiểu về công tác này. Nếu không thì rất khó công tác tư vấn tâm lý trong trường học thành công.

Các nhà trường cũng cần phải tập huấn giáo viên chủ nhiệm thành những nhà tâm lý, nhà giáo dục thực sự. Nếu giáo viên chủ nhiệm nắm bắt được sự việc từ sớm và có phương pháp tư vấn đúng sẽ giải quyết được các vấn đề bạo lực xảy ra trong nhà trường.

“Việc tham vấn tâm lý cũng cần đảm bảo phù hợp từ mầm non đến cấp THPT chứ không phải cùng một công thức. Mỗi một giai đoạn học sinh lại có một phương pháp thích hợp với các em, tránh làm theo một kiểu không hiệu quả”, TS. Nguyễn Tùng Lâm đánh giá.

Ngoài ra, cộng đồng tâm lý học đường cần tự chủ động xây dựng các hoạt động, lan toả mở rộng nhiều người cùng tham gia để xây dựng được một mạng lưới hỗ trợ các em học sinh.

Cho rằng, vai trò của cán bộ tâm lý học đường rất quan trọng không chỉ đối với học sinh mà ngay cả chính giáo viên cũng cần giải quyết những vấn đề tâm lý.

Giáo dục - Phải để giáo viên chủ nhiệm thành nhà tâm lý, nhà giáo dục thực sự (Hình 2).

GS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng chính giáo viên cũng cần được tham vấn tâm lý.

GS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: “Giờ đây, rất nhiều trường học có phòng tham vấn tâm lý học đường nhưng lại đang mặc định chỉ giải quyết các vấn đề của học sinh, mà hầu như bỏ quên thầy cô. Trong khi để tạo lập môi trường sư phạm văn minh, hạnh phúc thì không thể thiếu vai trò của người thầy”.

Chuyên gia đã chỉ ra rằng, không chỉ học sinh mà giáo viên cũng dễ gặp áp lực tinh thần từ công việc và cần được chia sẻ. Theo nghiên cứu mới nhất của Học viện Quản lý Giáo dục, gần 60% giáo viên có biểu hiện stress (căng thẳng) trong công việc, 35 - 40% có những dấu hiệu rối loạn lo âu liên quan đến công việc và một tỉ lệ nhỏ hơn giáo viên có biểu hiện ban đầu của trầm cảm. Công việc tăng, áp lực căng thẳng nên việc được chia sẻ chính là nhu cầu cần thiết của mỗi giáo viên hiện nay.

“Ngoài kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, nhu cầu đào tạo cho giáo viên kỹ năng giải quyết tình huống tâm lý trong nhà trường càng trở nên cần thiết. Đây là vấn đề cần được các trường nhìn nhận cấp thiết bởi trường học hạnh phúc chỉ được tạo lập khi cả thầy và trò thực sự được yêu thương, chia sẻ”, bà Chu Cẩm Thơ cho biết.

Thầy và trò là mối quan hệ rất đặc biệt, bởi không chỉ đơn thuần có sự kết nối về kiến thức mà còn gieo yêu thương, niềm tin, cảm xúc. Quan niệm giáo dục ở mỗi giai đoạn cũng cần được nhìn nhận cho phù hợp, để có được điều này rất cần một đội ngũ tham gia, hỗ trợ đồng hành cùng các thầy cô và học sinh.

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập.

Theo thông tư mỗi trường học, từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông được bố trí 1 người vào vị trí việc làm tư vấn học sinh. Trường hợp không bố trí được biên chế thì trường ký hợp đồng lao động hoặc bố trí giáo viên kiêm nhiệm.

Việc Bộ GD&ĐT chính thức đưa nhân viên tư vấn học sinh vào danh sách vị trí việc làm được kỳ vọng sẽ giúp học sinh có kênh hỗ trợ tâm lý, giảm bớt các vấn đề tiêu cực trong trường học.