Thành phố trong lành nhất Việt Nam tính phương án mở rộng hạ tầng nhưng phải giữ được 800 cây cổ thụ

Admin

Địa phương này đặt vấn đề bảo tồn cây xanh lên hàng đầu.

Thành phố trong lành nhất Việt Nam tính phương án mở rộng hạ tầng nhưng phải giữ được 800 cây cổ thụ- Ảnh 1.

Theo ông Nguyễn Văn Nhủ, chủ tịch UBND TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), TP Trà Vinh hiện có 87 tuyến đường, trong đó có 48 tuyến đường được trồng 14.463 cây xanh. Riêng cây xanh trên 100 tuổi có khoảng 800 cây, trong đó chủ yếu là cây dầu, sao, me, giáng hương…

Nhờ số lượng cây xanh lớn nên TP Trà Vinh được mệnh danh là TP có nhiều cây xanh nhất cả nước. Tháng 3/2024, theo báo cáo được công bố của IQAir, TP Trà Vinh xếp thứ 3 trong top 15 TP có chất lượng không khí trong lành nhất tại Đông Nam Á và được xếp hạng trong lành nhất Việt Nam.

Tháng 4/2023, lần đầu tiên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) công bố chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), "TP cây xanh" Trà Vinh vinh dự được xếp hạng 1 trong 63 tỉnh thành cả nước.

Thành phố trong lành nhất Việt Nam tính phương án mở rộng hạ tầng nhưng phải giữ được 800 cây cổ thụ- Ảnh 2.

Quyết tâm của TP Trà Vinh là xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông thông minh gắn liền với bảo vệ môi trường.

Tại hội nghị giao ban cụm đô thị hội viên Tây Nam Bộ năm 2024, tổ chức ở tỉnh Bến Tre ngày 8/11, Báo Tuổi Trẻ tường thuật lời ông Nhủ, hiện nay số lượng xe ngày càng tăng, nhất là ô tô nhưng không thể mở rộng đường được do hệ thống cây xanh dày đặc.

Theo chủ trương chung của tỉnh, khi mở rộng hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị phải tuyệt đối đảm bảo không ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh.

Ông Nhủ cũng cho biết thời gian tới TP Trà Vinh sẽ đẩy mạnh xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông thông minh gắn liền với bảo vệ môi trường bằng những kế hoạch cụ thể.

Trong đó Trà Vinh sẽ chủ động hợp tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, nghiên cứu chính sách và phát triển giải pháp công nghệ giao thông thông minh dựa trên nền tảng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, bản đồ số cho các hệ thống giao thông nội thành và ngoại thành.

TP Trà Vinh "chăm sóc đặc biệt" cho hàng cổ thụ

Còn theo VnExpress, ông Nguyễn Văn Liêu, Phó chủ tịch UBND TP Trà Vinh, cho biết TP này mở rộng không gian phát triển, song cũng đặt vấn đề bảo tồn cây xanh lên hàng đầu.

Theo ông Liêu, TP Trà Vinh được quy hoạch với quy mô dân số năm 2030 là 200.000 người. Trong tương lai 5 xã của hai huyện là Càng Long và Châu Thành sẽ nhập vào TP. Hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội như: giao thông, đô thị, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục... được quy hoạch đầu tư xây dựng mới. Trung tâm hành chính của TP cũng được dời ra khu vực đô thị mở rộng này.

"Việc làm này nhằm tạo không gian phát triển mới đáp ứng nhu cầu của người dân; đồng nghĩa với việc bảo vệ, giữ gìn, bảo tồn hệ thống cây xanh hiện hữu, nhất là khu 'rừng' cổ thụ", ông Liêu nói và cho biết quan điểm chung là tại khu vực TP sắp mở rộng thì vấn đề môi trường, sinh thái vẫn phải chú trọng hàng đầu.

Thành phố trong lành nhất Việt Nam tính phương án mở rộng hạ tầng nhưng phải giữ được 800 cây cổ thụ- Ảnh 3.

TP Trà Vinh đạt bình quân độ phủ 29,15 m2 cây xanh mỗi đầu người.

“TP Trà Vinh hiện có diện tích tự nhiên 68 km2 với dân số khoảng 115.000 người; bình quân độ phủ 29,15 m2 cây xanh mỗi đầu người", ông Liêu nói và cho biết để đạt được kết quả này thì địa phương rất quyết tâm bảo vệ, gìn giữ, phục hồi hệ thống cây xanh, đặc biệt là các cổ thụ trên 100 tuổi.

Giai đoạn năm 2017-2020, TP Trà Vinh đầu tư 20 tỷ đồng thực hiện dự án "chăm sóc đặc biệt" hàng trăm cổ thụ có dấu hiệu suy yếu. Các biện pháp được triển khai như: bón phân, cải tạo đất, chuyền nước biển (dinh dưỡng) trực tiếp vào thân cây, tháo gỡ bê tông vỉa hè bó sát gốc... Sau đó, gần 400 cổ thụ trên 15 tuyến đường được phục hồi, đến nay đang phát triển tốt.

TP Trà Vinh là tỉnh lỵ của tỉnh Trà Vinh, nằm ở phía Nam sông Tiền. Địa phương nằm trên Quốc lộ 53 cách TP Hồ Chí Minh 202 km và cách TPCần Thơ 100 km, có hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy khá hoàn chỉnh thuận tiện để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Năm 2010, TP Trà Vinh được thành lập trên cơ sở thị xã Trà Vinh. Đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Trà Vinh là đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh Trà Vinh.

Theo Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Trà Vinh (mở rộng một phần các huyện: Châu Thành, Càng Long) là đô thị trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. TP Trà Vinh, các huyện: Càng Long, Cầu Kè, Châu Thành là địa bàn phát triển các hoạt động kinh tế tổng hợp. Phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các huyện: Cầu Kè, Tiểu Cần.