Thời khắc khó khăn cận kề: Kinh tế Nga mất "phao cứu sinh" từ Trung Quốc?

Admin

Nhân dân tệ (RMB) của Trung Quốc là ngoại tệ được giao dịch nhiều nhất tại Nga, nhưng khả năng tiếp cận RMB tại quốc gia bị phương Tây trừng phạt nặng nề này có thể sớm cạn kiệt.

Tạp chí Fortune (Mỹ) ngày 29/9 nhận định, sự suy giảm khả năng sử dụng đồng RMB sẽ đe dọa đến một "phao cứu sinh" quan trọng đối với các doanh nghiệp Nga, vốn phụ thuộc rất nhiều vào ngoại tệ này bởi hoạt động thương mại với Trung Quốc tăng mạnh sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022.

Cuộc xung đột đã kích hoạt các lệnh trừng phạt của phương Tây, phần lớn khiến Nga không được tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu.

Vào tháng 6, Mỹ đã mở rộng lệnh trừng phạt, buộc Sàn giao dịch Moscow và đại lý thanh toán bù trừ của họ phải ngừng giao dịch bằng đô la Mỹ và euro. Giấy phép của Bộ Tài chính Mỹ cho phép có thời gian để hoàn tất một số giao dịch sẽ hết hạn vào ngày 12/10/2024 tới đây.

Thời khắc khó khăn cận kề: Kinh tế Nga mất "phao cứu sinh" từ Trung Quốc?- Ảnh 1.

Sau ngày 12/10, có khả năng xảy ra tình trạng thiếu hụt RMB đột ngột hoặc các ngân hàng Trung Quốc hoàn toàn từ chối thanh toán từ Nga. Ảnh: Getty

Mặc dù Nga đã chuyển hướng từ các loại tiền tệ phương Tây sang RMB, nhưng các lệnh trừng phạt bổ sung của Mỹ có thể có tác động lan tỏa đến các ngân hàng Trung Quốc tham gia vào các giao dịch bằng RMB với Nga.

"Tình hình có thể thay đổi sau ngày 12/10", một nguồn tin nói với Reuters. "Có khả năng xảy ra tình trạng thiếu hụt RMB đột ngột hoặc các ngân hàng Trung Quốc hoàn toàn từ chối thanh toán từ Nga".

Theo nguồn tin này, lý do là vì mọi hoạt động giao dịch, bao gồm cả hoạt động giao dịch cho các công ty con của ngân hàng Trung Quốc, sẽ dừng lại và mọi vị thế ngoại hối mở thông qua Sàn giao dịch Moscow sẽ bị đóng. (Vị thế mở đề cập đến tình huống khi vào lệnh mua hoặc bán nhưng chưa nhận được kết quả tài chính).

"Theo đó, tình hình cung cấp thanh khoản bằng RMB sẽ trở nên khó khăn hơn nữa", nguồn tin nói với Reuters.

Ngoài ra, chi nhánh Nga của Ngân hàng Raiffeisen (Áo) đã bắt đầu từ chối thanh toán cho Trung Quốc vào đầu tháng này, nguồn tin cho biết.

Theo Fortune, thanh khoản bằng RMB tại Nga đã chịu áp lực sau khi Mỹ mở rộng định nghĩa về ngành công nghiệp quân sự của Nga vào đầu năm nay, mở rộng phạm vi có thể khiến các công ty Trung Quốc bị trừng phạt thứ cấp vì làm ăn với Moscow.

Do đó, các ngân hàng Trung Quốc đã hạn chế chuyển RMB cho các đối tác Nga trong khi thực hiện thanh toán thương mại nước ngoài, khiến các giao dịch bị đình trệ trong nhiều tháng. Khi thanh khoản bằng RMB cạn kiệt từ phía Trung Quốc, các công ty Nga đã tìm đến ngân hàng trung ương của nước này để khai thác nguồn RMB thông qua hoán đổi tiền tệ.

Nhưng Ngân hàng Nga đã dập tắt hy vọng về nhiều thanh khoản hơn, nói rằng hoán đổi tiền tệ chỉ nhằm mục đích ổn định thị trường tiền tệ trong nước của Nga trong ngắn hạn và không phải là nguồn tài trợ dài hạn.

Theo Reuters, các ngân hàng Nga đã giảm hơn một nửa các khoản vay hoán đổi, giảm xuống còn 15,4 tỷ RMB vào ngày 25/9 từ mức cao nhất là 35,2 tỷ RMB vào đầu tháng 9.

"Chúng tôi không thể cho vay bằng RMB, vì chúng tôi không có gì để trang trải cho các hoạt động ngoại tệ của mình", German Gref - Tổng giám đốc điều hành của ngân hàng cho vay hàng đầu của Nga Sberbank - cho biết tại một diễn đàn kinh tế hồi đầu tháng này.

Hiện tại, chi tiêu thời chiến của Nga cũng như xuất khẩu dầu sang Trung Quốc và Ấn Độ đã giúp hỗ trợ nền kinh tế nước này nói chung. Nhưng sự kết hợp giữa các nhà máy hoạt động hết công suất và tình trạng thiếu hụt lao động do huy động quân sự đã làm gia tăng lạm phát. Trong khi đó, Nga đang phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng dân số ngày càng gia tăng.

Một nhóm các nhà nghiên cứu do chuyên gia Jeffrey Sonnenfeld của Đại học Yale (Mỹ) dẫn đầu đã cảnh báo hồi tháng 8 rằng, dữ liệu GDP có vẻ mạnh mẽ nhưng tiềm ẩn những vấn đề sâu sắc hơn trong nền kinh tế Nga.

"Trong khi ngành công nghiệp quốc phòng mở rộng, người tiêu dùng Nga ngày càng phải gánh chịu gánh nặng nợ nần, có khả năng tạo tiền đề cho một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra", các nhà nghiên cứu viết.

"Việc tập trung quá mức vào chi tiêu quân sự đang làm giảm các khoản đầu tư hiệu quả vào các lĩnh vực khác của nền kinh tế, kìm hãm triển vọng tăng trưởng dài hạn và đổi mới sáng tạo."