Thu hút nguồn du khách bền vững đến Phú Quốc

Admin

Nhiều năm qua, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang được biết đến là “đảo ngọc”, một điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, kỳ nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 vừa qua, du khách đến Phú Quốc bất ngờ giảm mạnh.

anh-2-2748-1684721894.jpg

Du khách lặn ống thở ở Phú Quốc (ẢNH: CTV)

Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, trong 5 ngày nghỉ lễ, thành phố Phú Quốc đón 112.635 lượt khách, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch hơn 132,5 tỷ đồng, tỷ lệ giảm tương ứng là 11,5% và 24,3% so với cùng kỳ.

Theo lý giải của lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, nguyên nhân khiến hoạt động du lịch tại Phú Quốc giảm sút là do tác động chung của kinh tế; giá vé máy bay tăng cao ảnh hưởng đến nhu cầu lựa chọn điểm đến của du khách...

Còn theo nhiều người, nhất là cộng đồng mạng xã hội, phần lớn “chê” Phú Quốc vì “giá cả trên trời”.

Thông tin trên chưa được kiểm chứng, không có địa chỉ cụ thể..., nhưng thực tế, giá cả hàng hóa, hải sản ở Phú Quốc có cao hơn so với đất liền do nguồn hải sản, hàng hóa, nguyên vật liệu phải chuyển từ đất liền ra khiến phát sinh chi phí.

Cùng với đó, chi phí thuê mặt bằng, tiền công, quảng bá, hoa hồng... cao dẫn đến giá dịch vụ cao hơn nơi khác.

Giá các dịch vụ du lịch khác như phòng khách sạn, ca-nô, ta-xi ở Phú Quốc cũng cao hơn rất nhiều so với các điểm đến du lịch ở Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, Vũng Tàu...

Lãnh đạo ngành du lịch Kiên Giang khẳng định không có chuyện “chặt chém” vì giá cả đã niêm yết rõ ràng, du khách có thể lựa chọn tùy theo khả năng tài chính của mình.

Dù vậy, với tinh thần cầu thị, những thông tin nhiều chiều là rất hữu ích để ngành du lịch tỉnh Kiên Giang nói chung, thành phố Phú Quốc nói riêng, có hướng kiểm soát thị trường, tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện và cạnh tranh để thu hút du khách.

Nhiều người cho rằng, bên cạnh giá vé máy bay các chặng nội địa đến Phú Quốc cao thì giá cả ở địa phương cũng không ổn định, khiến các đơn vị lữ hành khó có thể hình thành tour, tuyến đón khách đến “đảo ngọc”.

Du lịch bắt đầu từ văn hóa, người làm du lịch phải có trách nhiệm, bằng cả trái tim thì du lịch Phú Quốc mới phát triển bền vững.

Ngoài việc quyết liệt kiểm soát giá cả thị trường, bảo vệ khách, các hãng hàng không doanh nghiệp dịch vụ lưu trú, lữ hành cần phối hợp để tạo chuỗi sản phẩm có mức giá ưu đãi, chất lượng vượt trội, hấp dẫn du khách.

Ngành du lịch tỉnh Kiên Giang, thành phố Phú Quốc cần sớm ứng dụng công nghệ, phân tích dữ liệu để tìm hiểu sâu về thị hiếu, tâm lý, sở thích du khách. Đây là cơ sở quan trọng để chủ động tung ra các sản phẩm mới, phù hợp mà không cần chờ mùa vụ.

Nguồn dữ liệu này khi đủ lớn và chi tiết có thể được khai thác như một tài nguyên chung, phục vụ tốt nhất việc trải nghiệm của du khách nhằm tăng tỷ lệ khách quay lại “đảo ngọc”.

Tới đây, Kiên Giang sẽ rà soát, thống kê lại tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch từ lưu trú, lữ hành, ăn uống, vận tải hành khách, cơ sở bán hàng lưu niệm, đặc sản, vui chơi giải trí...

Từ đó, yêu cầu các cơ sở kinh doanh đăng ký giá, niêm yết giá dịch vụ rõ ràng; kiểm tra việc tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá theo quy định... Đồng thời, bảo đảm tốt nhất môi trường kinh doanh dịch vụ du lịch và tập trung gỡ khó để Phú Quốc là điểm đến du lịch hấp dẫn, thân thiện.

Làm gì để du lịch Phú Quốc thoát tình trạng “ăn xổi, ở thì” theo mùa vụ là bài toán phải giải quyết từ việc thay đổi tư duy, nhận thức của người làm du lịch. Vấn đề này chắc chắn cần phải có thời gian nhưng không thể chậm trễ hơn nữa.

Hiện tượng lượng khách du lịch đến Phú Quốc năm nay giảm mạnh sẽ là bài học cho những người làm du lịch về sự cần thiết “nuôi dưỡng” nguồn khách lâu bền, cách giữ chân du khách.