Tăng cường quản lý nhà nước
Cuối tháng 1/2024, đại diện Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh đã có thông tin về tình hình hoạt động của Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders trên địa bàn.
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Chi nhánh Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax được cấp phép thành lập và hoạt động giáo dục từ năm 2016. Từ lúc thành lập đến trước dịch Covid-19, trung tâm hoạt động tương đối ổn định với hơn 11.000 học viên và hơn 500 giáo viên.
Sau dịch, ngày 20/4/2023, Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh đã đình chỉ hoạt động giáo dục của 40 Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders với lý do “Vi phạm các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục”.
Do đó, hiện nay chỉ còn 2 trung tâm hoạt động là Trung tâm ngoại ngữ Apax Leaders 15 (số 491, đường Hậu Giang, phường 11, quận 6) và Trung tâm ngoại ngữ Apax Leaders 5 (số 31 Phan Xích Long, phường 2, quận Phú Nhuận).
“Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục giám sát việc đảm bảo chất lượng chuyên môn tại 2 trung tâm này, đồng thời phối hợp với Cục thuế và Bảo hiểm Xã hội nắm tình hình đóng thuế, đóng bảo hiểm xã hội của 2 trung tâm nêu trên. Kết quả rà soát sẽ được thông báo đến người dân sau khi đơn vị tổng hợp đầy đủ phản hồi từ các cơ quan có liên quan”, ông Minh cho biết.
Trước đó, ngày 26/12/2023, Chi nhánh Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax Leaders đã có đề xuất phương án dùng 20% lợi nhuận từ doanh thu phân bổ tại các trung tâm đang hoạt động để hoàn trả học phí muộn nhất từ tháng 10/2024. Hiện đơn đơn vị còn nợ lương giáo viên và nhân viên và tiền thuê mặt bằng.
“Vì thế, Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần mời đại diện Apax lên làm việc và đề nghị nhà đầu tư phải cam kết thực hiện đúng tiến độ hoàn học phí, đảm bảo chất lượng giáo dục đối với các trung tâm đã cấp phép. Đồng thời, hướng dẫn phụ huynh học sinh liên hệ cơ quan chức năng có liên quan giải quyết theo thẩm quyền”, ông Minh nhấn mạnh.
Xin lùi hạn hoàn học phí
Ngày 10/1, Công ty CP Anh ngữ Apax (Apax Leaders) tiếp tục thông báo về phương án xử lý hoàn phí cho phụ huynh. Theo thông báo, từ tháng 3/2023, một số chi nhánh của Apax Leaders được quay lại hoạt động, dù gặp muôn vàn khó khăn. Apax cũng đã thi công, hoàn thiện một số trung tâm để chuẩn bị mở cửa trở lại.
Doanh nghiệp này cho rằng đã thực hiện được đầy đủ 2 đợt hoàn phí theo lộ trình cam kết tại cuộc họp với phụ huynh ngày 9/4/2023.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện kế hoạch, Apax gặp rất nhiều khó khăn, bao gồm các yếu tố khách quan và chủ quan. Trong đó, Apax Leaders vừa bị kiệt quệ sau dịch Covid-19, lại gặp kinh tế suy thoái, doanh nghiệp có nhiều nghĩa vụ tài chính phát sinh phải trả.
"Đặc biệt là sự cản trở từ một số nhóm và cá nhân phụ huynh bao vây các trung tâm Apax đang hoạt động, gây sức ép làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh và nguồn thu của công ty. Nhân sự lo sợ nghỉ việc, gia tăng số lượng rút phí, do các trung tâm đang hoạt động không thể tổ chức ổn định việc giảng dạy trực tiếp cho các em học sinh", trích thông báo.
Vì những nguyên nhân đó nên Apax Leaders thừa nhận mất khả năng hoàn phí các đợt tiếp theo. Đồng thời, buộc phải tạm dừng các hoạt động giảng dạy trực tiếp với nhóm trung tâm Apax tại thành phố Hồ Chí Minh, để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và tìm phương án xử lý.
Chốt lại thông báo này, Apax Leaders dự kiến tổ chức các buổi đối thoại với phụ huynh trong tháng 1/2024, nhằm tìm được giải pháp thực hiện nghĩa vụ hoàn phí phù hợp, dựa trên sự đồng thuận và có khả năng thực thi.
Sau khi Apax Leaders ra thông báo, ông Trần Văn Nghiêm - đại diện một nhóm hơn 300 phụ huynh có con học tại trung tâm này - cho biết, các phụ huynh mong muốn Apax Leaders thực hiện đúng cam kết ngày 9/4/2023. Các thông báo lùi thời gian hoàn học phí sau này đều do một phía Apax đưa ra chứ chưa có sự đồng thuận từ phụ huynh.
"Nhiều phụ huynh có hoàn cảnh rất khó khăn, việc yêu cầu hoàn tiền học phí theo cam kết 9/4/2023 là chính đáng. Phía Apax Leader đã cam kết mà không thực hiện là sai. Phụ huynh có quyền yêu cầu hoàn trả. Chúng tôi không còn tin tưởng với những lời hứa và rồi lại thất hứa nữa", ông Nghiêm cho hay.
Phụ huynh nên làm gì?
Luật sư Thái Văn Chung, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh phân tích, giữa các phụ huynh và Apax Leaders là vấn đề thỏa thuận dân sự. Nếu hòa giải, thương lượng không thành thì một trong các bên có quyền khởi kiện ra tòa án dân sự.
Trong trường hợp phụ huynh nhận thấy hành vi của đại diện Apax Leaders có dấu hiệu “lừa đảo” hoặc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì có quyền tố giác sự việc đến cơ quan điều tra. Chẳng hạn, nếu phụ huynh nhận thấy ngay từ đầu phía trung tâm thông tin sai, gian dối về điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên, không có khả năng dạy học đảm bảo chất lượng, nhưng lại thuyết phục phụ huynh tin để chấp nhận đóng tiền, thì đó là dấu hiệu “tội lừa đảo”.
Còn trong trường hợp các thông tin trung tâm đưa ra là thật nhưng khi nhận được tiền thì không cung ứng dịch vụ theo cam kết và né tránh, không muốn trả lại tiền, thì có dấu hiệu của “tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Tuy vậy, theo vị luật sư này, việc nhìn nhận sự việc theo khía cạnh hình sự cần hết sức thận trọng. Phụ huynh, dư luận muốn sự việc được xử lý công bằng và đúng pháp luật, không bao che cho hành vi sai phạm, đặc biệt là việc nhân danh cung cấp các dịch vụ liên quan đến giáo dục để trục lợi.
“Nếu đứng trên góc độ chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp, nhất là sau đại dịch, thì có thể bản chất là không lừa đảo, nhưng do thực tế kinh doanh không hiệu quả. Tiền thu vào được sử dụng đúng mục đích nhưng do thua lỗ, không đủ khả năng thực hiện dịch vụ theo cam kết với phụ huynh, học sinh”, luật sư Thái Văn Chung nhận định.
Còn luật sư Trương Văn Tuấn, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn cho rằng hành vi này có thể áp dụng vào khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay: "Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn". Như vậy, việc trả nợ khi đến hạn là nghĩa vụ của người đi vay.
Phía lãnh đạo của Anh ngữ Apax có đứng ra thỏa thuận về việc hoàn lại học phí cho những người đang theo học tại đây, do đó, sự thỏa thuận của hai bên cũng là một giao dịch dân sự đúng quy định của pháp luật. Số tiền trên được coi là một khoản nợ.
"Khi đến hạn mà phía Apax không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo cam kết ban đầu giữa các thỏa thuận của hai bên là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật", ông Tuấn phân tích.
Theo luật sư Trương Văn Tuấn, khoản 4 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015, sửa đổi năm 2017, phía phụ huynh có quyền yêu cầu trả tiền lãi theo lãi suất chậm trả theo quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam tại thời điểm hoặc theo lãi suất quy định của pháp luật. Đây được coi là tranh chấp dân sự phát sinh từ thỏa thuận vay tiền của các bên.
"Khi đến hạn trả nợ, phía công ty chậm trả hoặc chưa trả nợ theo đúng thỏa thuận cam kết, phụ huynh có quyền tiếp tục đồng ý với lời cam kết tiếp theo (nếu có) để phía công ty có thêm thời gian thanh toán hoặc có quyền khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để thực hiện thủ tục yêu cầu lấy lại tài sản mà phía công ty đang nợ với các khoản lãi suất chậm trả theo quy định của pháp luật", ông Tuấn phân tích.