Thời điểm này, nhiều trường đại học trên cả nước đã công bố thông tin tuyển sinh năm học 2024-2025. Về cơ bản, các trường vẫn áp dụng tuyển sinh theo các phương thức như xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực...
Với phương thức xét học bạ, một số trường đại học đã thông báo nhận hồ sơ từ thời điểm này. Nếu như phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và các phương thức xét tuyển khác cần tuân thủ theo các mốc thời gian cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thì phương thức xét tuyển học bạ lại giúp thí sinh thoải mái, chủ động về mặt thời gian đăng kí xét tuyển.
Chưa kể, xét học bạ sẽ giúp thí sinh giảm tải áp lực thi cử, tăng cơ hội trúng tuyển đại học. Do đó, nhiều thí sinh đã xác định sẽ chọn phương thức này ngay từ rất sớm.
Chia sẻ với báo Lao Động, em Trần Phương Linh, học sinh lớp 12, Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) chia sẻ: "Em muốn dùng điểm học bạ xét tuyển học bạ vì điểm số của em tương đối cao. Nếu em không đỗ được bằng các phương thức khác, em sẽ có thêm cơ hội trúng tuyển đại học".
Theo các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, đối với phương thức xét học bạ, các trường đều áp dụng tiêu chí xét tuyển khác nhau. Chính vì vậy, thí sinh quan tâm ngành học, trường đại học nào, cần tìm hiểu thông tin thật kĩ trước khi đăng kí.
Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Tp.HCM (UEF) dự kiến tuyển sinh 6.610 tổng chỉ tiêu. Nhà trường thực hiện đồng thời 4 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024; xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn; xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ; xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2024 của Đại học Quốc gia Tp.HCM cho tất cả các ngành đào tạo trình độ đại học chính quy.
Với phương thức xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là tổng điểm trung bình năm lớp 12 các môn dùng trong tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 18,0 điểm trở lên. Nhà trường bắt đầu tuyển sinh đợt 1 từ ngày 15/1 đến 31/3.
Trước đó, trả lời kiến nghị của cử tri về việc Bộ GD&ĐT nghiên cứu bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường đại học tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai.
Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường, còn trường đại học được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Vai trò của Bộ là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này.
Theo Bộ GD&ĐT, dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển đại học hay không, các trường phổ thông phải có trách nhiệm, biện pháp đảm bảo tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học.
GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, phương thức xét tuyển học bạ cần xem xét lại, tránh tình trạng tràn lan như hiện nay.
Thay vào đó, các trường có thể đưa ra đề án tuyển sinh riêng với một số quy định nghiêm ngặt hơn để lọc thí sinh giỏi thực sự như: Tăng chỉ tiêu cho các phương thức sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, kết quả thi tốt nghiệp THPT…
Thông tin trên báo Vnexpress Trường Đại học Gia Định (GDU) năm nay tuyển 2.024 sinh viên, 60% từ xét học bạ. Thí sinh gửi hồ sơ từ 5/1 nếu có tổng điểm trung bình ba học kỳ (lớp 11 và học kỳ I lớp 12) đạt từ 16,5 trở lên.
Theo TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, xét tuyển bằng học bạ là phương thức chính của trường vì được thí sinh quan tâm, giảm áp lực thi cử và đa dạng cơ hội chọn ngành, nghề.
Trúc Chi (t/h)