Năm nay, ngoài trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và THCS Trần Quốc Toản 1, bốn trường THCS khác dự kiến tổ chức thi để xét tuyển lớp 6, gồm: THCS Vân Đồn (quận 4), Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), Hoa Lư, Bình Thọ (TP Thủ Đức).
Đây hầu hết là trường theo mô hình tiên tiến, hội nhập, dạy một số môn bằng tiếng Anh, sĩ số lớp không quá 35. Điều kiện là trường có ít nhất 80% giáo viên dạy giỏi cấp trường, 30% dạy giỏi cấp huyện. Tất cả giáo viên giao tiếp được bằng tiếng Anh, riêng giáo viên ngoại ngữ có trình độ cao hơn hai bậc so với mức chung. Ngoài học phí theo quy định của thành phố, các trường được thu thêm tối đa 1,5 triệu mỗi tháng để dạy mô hình này.
Lãnh đạo các phòng Giáo dục cho biết việc dự kiến tổ chức khảo sát đầu vào do số lượng nguyện vọng vào các trường trên gấp nhiều lần khả năng tiếp nhận. Nếu chỉ tuyển học sinh theo hình thức phân tuyến thông thường sẽ gây khó cho các trường, dễ phát sinh tiêu cực.
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thủ Đức, cho hay vì theo mô hình tiên tiến, hội nhập, trường THCS Bình Thọ, Hoa Lư đều nhận học sinh trên toàn địa bàn TP Thủ Đức.
Tuy nhiên, nhu cầu của phụ huynh cao, học lực của thí sinh đều nằm ở mức 9,10 điểm nên các trường khó phân loại, xét tuyển. Từ đó, trường buộc phải đặt ra tiêu chí phụ, ưu tiên chứng chỉ tiếng Anh Flyer (bài thi chương trình Cambridge dành cho trẻ tiểu học, tương đương trình độ A2), giải thưởng trong các kỳ thi.
Một lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo quận 7 cho biết tất cả trường THCS trên địa bàn đều gặp áp lực tuyển sinh đầu cấp, dù chưa thực hiện mô hình tiên tiến hội nhập. Quận quyết định chọn trường THCS Nguyễn Hữu Thọ thử nghiệm hình thức khảo sát bởi mặt bằng học sinh khu vực lân cận trường khá tốt, trường dẫn đầu quận về chất lượng giảng dạy, thi đua.
Trường này trước đây từng định tuyển sinh bằng cách chọn 20% học sinh giỏi nhất của các trường tiểu học, nhưng sau đó bỏ do lo ngại tạo áp lực chạy đua thành tích.
Theo ông Nguyên, việc tổ chức thi khảo sát tạo sự công bằng, tránh tình trạng chạy đua thành tích hoặc chứng chỉ tiếng Anh. Qua kỳ thi khảo sát vào lớp 6 ở trường THCS Trần Quốc Toản 1 năm ngoái, ông nhận thấy tổ chức thi giải quyết áp lực tuyển sinh tốt hơn xét tuyển. Do đó, TP Thủ Đức xin ý kiến Sở Giáo dục và Đào tạo để áp dụng hình thức này tại các trường có số nguyện vọng đăng ký lớn.
Phòng Giáo dục TP Thủ Đức dự kiến tự biên soạn đề thi cho 3 trường trong khu vực. Cấu trúc đề sẽ tương tự với trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa nhưng giảm độ khó, nhằm chọn lọc học sinh đủ khả năng theo học chương trình tiên tiến, tăng cường tiếng Anh.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định không được tổ chức thi tuyển sinh lớp 6. Sở không có chủ trương mở rộng việc này. Tuy nhiên, những trường có số lượng học sinh đăng ký gấp nhiều lần khả năng tiếp nhận, ban chỉ đạo tuyển sinh quận, huyện có thể xin phương án tổ chức khảo sát năng lực. Sở sẽ hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh, theo thông tư 05/2018 của Bộ.
"Hiện tại Sở chưa phê duyệt thêm trường nào được tổ chức khảo sát đầu vào lớp 6. Các quận, huyện phải có kế hoạch rõ ràng, thống kê rõ số lượng học sinh lớp 5 lên lớp 6, những trường nào có nguyện vọng gấp nhiều lần chỉ tiêu, cho thấy cần thiết phải tổ chức khảo sát", ông Hiếu nói, cho biết phương án tuyển sinh đầu cấp dự kiến ban hành vào tháng 3.
Trước đây, chuyên Trần Đại Nghĩa là trường duy nhất tổ chức thi tuyển đầu vào lớp 6 ở TP HCM, có tỷ lệ cạnh tranh cao. Như năm ngoái, hơn 4.800 học sinh đăng ký, chỉ 535 em trúng tuyển. Những em không trúng tuyển được xét tuyển vào lớp 6 các trường công lập khác, theo phân tuyến tuyển sinh. Năm ngoái, TP HCM có thêm trường THCS Trần Quốc Toản 1 được tuyển sinh tương tự, chọn được 250 học sinh từ 750 hồ sơ.
Đề khảo sát năng lực vào lớp 6 gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, thời gian làm bài 90 phút. Phần trắc nghiệm gồm 20 câu tiếng Anh, kiểm tra kiến thức Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, thường thức đời sống, tổng 40 điểm.
Phần tự luận 60 điểm, gồm ba chủ đề: Tiếng Anh, Toán tư duy logic và năng lực Đọc - Hiểu - Làm văn. Trong đó, đề thi tiếng Anh sẽ có thêm câu hỏi Nghe - Hiểu để đánh giá toàn diện khả năng của học sinh.
Nhiều tỉnh, thành khác cũng cho phép các trường có số nguyện vọng đăng ký vượt chỉ tiêu được tổ chức thi tuyển vào lớp 6, chủ yếu bằng ba môn Toán, Văn, Tiếng Anh. Ví dụ, ở Hà Nội, ngoài trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, các trường chất lượng cao như THCS Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm... đều tổ chức thi riêng. Ở Vĩnh Phúc, Nghệ An cũng tương tự.
Lệ Nguyễn