Xây dựng nền tảng để phát triển xã hội từ dữ liệu số

Admin

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trọng Khánh, Trưởng phòng Hạ tầng và dữ liệu số, Cục Chuyển đổi số quốc gia tại buổi Tọa đàm về dữ liệu số diễn ra hôm nay tại Hà Nội

Ngày 7/10, tọa đàm “Khai mở tiềm năng dữ liệu số - Từ tầm nhìn đến thực thi” được diễn ra tại Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của chương trình bình chọn, trao tặng Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2023 được Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) bảo trợ, do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chủ trì.

Công nghệ - Xây dựng nền tảng để phát triển xã hội từ dữ liệu số

Toàn cảnh buổi toạ đàm.

Khẳng định việc góp sức cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ trọng tâm của Hội Truyền thông số Việt Nam, ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký nêu rõ: Tọa đàm được thiết kế để góp phần nâng cao nhận thức, hình thành năng lực tư duy dữ liệu cho các đối tượng đang triển khai chính quyền số, doanh nghiệp số; tìm giải pháp cho những vấn đề và thách thức mà các tổ chức, doanh nghiệp đang gặp phải, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số nhanh và hiệu quả hơn.

Thay đổi về tư duy, cách tiếp cận dữ liệu số

Trao đổi tại tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Khánh, Trưởng phòng Hạ tầng và dữ liệu số, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT cho biết, Việt Nam triển khai phát triển Chính phủ điện tử từ năm 2000. Sau 20 năm, đến năm 2020 Việt Nam bắt đầu chuyển sang giai đoạn chuyển đổi số, đánh dấu với việc Chương trình chuyển đổi số quốc gia được ban hành, xác định rõ 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Theo chia sẻ của ông Khánh, trải qua 23 năm phát triển với nhiều thay đổi, dữ liệu số luôn là một thành phần quan trọng và cốt yếu được chú trọng xây dựng và phát triển. Trong chuyển đổi số, dữ liệu số ngày càng được nhìn nhận về vai trò rõ nét hơn, quan trọng.

Công nghệ - Xây dựng nền tảng để phát triển xã hội từ dữ liệu số (Hình 2).

Ông Nguyễn Trọng Khánh, Trưởng phòng Hạ tầng và dữ liệu số, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT phát biểu tại buổi Toạ đàm. 

Điều này được thể hiện ở việc Việt Nam chọn chuyên đề chuyển đổi số năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia, ngay sau năm tổng tiến công thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi cấp, trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện về chuyển đổi số.

Điểm qua các mức độ trưởng thành của dữ liệu từ giai đoạn đầu của Chính phủ điện tử cho tới hiện nay, ông Nguyễn Trọng Khánh cho hay: “Hiện chúng ta đã chuyển từ giai đoạn ứng dụng CNTT hay tin học hóa sang giai đoạn chuyển đổi số. Cùng với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ, nhiều công nghệ số mới ra đời, những nhìn nhận, cách tiếp cận về dữ liệu trong chuyển đổi số cũng có sự thay đổi nhất định”.

Ở góc độ của cơ quan được giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, đại diện Cục Chuyển đổi số chỉ ra rằng dữ liệu quốc gia đã trải qua 4 giai đoạn, cùng với đó là 18 điểm thay đổi đáng chú ý trong tư duy, cách tiếp cận về dữ liệu số khi Việt Nam chuyển từ giai đoạn ứng dụng CNTT, tin học hóa sang chuyển đổi số.

“Dữ liệu được thu thập nguyên trạng từ thực tế đời sống xã hội, được khai thác để giải quyết các vấn đề của xã hội, thúc đẩy sự sáng tạo trong xã hội. Trí tuệ nhân tạo sẽ thông minh hơn nhờ có nhiều dữ liệu; quản trị công sẽ tốt hơn nhờ dữ liệu; định hướng kinh doanh sẽ tối ưu hơn nhờ dữ liệu; ngành nghề mới ra đời nhờ dữ liệu; đời sống con người sẽ tốt hơn nhờ dữ liệu”, ông Khánh phát biểu.

Xây dựng chiến lược quốc gia về dữ liệu là cần thiết

Bàn về chính sách cho việc khai thác giá trị dữ liệu, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) nhấn mạnh đến sự cần thiết xây dựng chiến lược quốc gia về dữ liệu.

“Chính phủ đặc biệt quan tâm tới dữ liệu”, ông Đồng nhấn mạnh. Theo đó, dữ liệu ngày càng xác lập được vị trí trong một thập kỷ qua. Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhận định, dữ liệu công ở Việt Nam vẫn còn riêng lẻ, thiếu sự điều phối.

Công nghệ - Xây dựng nền tảng để phát triển xã hội từ dữ liệu số (Hình 3).

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) nhấn mạnh sự quan tâm của Chính phủ đối với dữ liệu số.

“Vì vậy, việc thu thập dữ liệu sẽ chưa dừng lại, kỷ nguyên chuyển đổi số chỉ vừa mới bắt đầu, dữ liệu sẽ ngày càng được thu thập và lớn hơn”, ông Đồng cho biết, để có kho dữ liệu tập trung, về mặt chính sách, bài toán lớn nhất là làm thế nào để quy tụ, tập trung được dữ liệu.

Cùng với đó, cần xác định rõ mô hình, vai trò xây dựng và khai thác dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, hoàn thiện chính sách về phân loại dữ liệu, có cơ chế cho việc khai thác dữ liệu, đồng thời cần có danh mục các dữ liệu ưu tiên.

Đối với khuyến nghị về sự cần thiết có chính sách phân loại dữ liệu, ông Nguyễn Quang Đồng nhấn mạnh: “Việc phân loại dữ liệu ở cấp độ chính xác là rất quan trọng đối với an toàn thông tin, tiết kiệm chi phí và hoạt động hiệu quả của các cơ quan Chính phủ”.

Chia sẻ quan điểm về kiến trúc dữ liệu nền tảng của tổ chức, doanh nghiệp, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số nêu ra 6 thách thức lớn mà các tổ chức phải đối mặt trong tiến trình chuyển đổi số, đơn cử như: Làm thế nào để mọi cấu phần, cấu trúc, tiến trình và hoạt động vận hành của tổ chức trở nên có tính hệ thống, tổng thể, đồng bộ và cộng hưởng;

Hay làm thế nào để có thể ra quyết định dựa trên dữ liệu thông qua việc ứng dụng một cách hiệu quả các công nghệ số và dữ liệu số...

“Các tổ chức muốn ra quyết định dựa trên dữ liệu thì cần có một kiến trúc dữ liệu nền tảng”, ông Lê Nguyễn Trường Giang lưu ý.

Từ thực tế tư vấn và triển khai giải pháp công nghệ cho nhiều tổ chức, ông Hoàng Trọng Tôn, Giám đốc Giải pháp & Sản phẩm, Công ty SVTech khuyến nghị các đơn vị nên bắt đầu với những việc nhỏ để chứng minh hiệu quả. “Tuy vậy, vẫn cần thiết kế, xây dựng data platform chuẩn ngay từ đầu. Muốn khai thác dữ liệu hiệu quả thì phải quản trị dữ liệu tốt; Muốn phân tích dữ liệu để hỗ trợ ra quyết định thì nguồn dữ liệu phải có chất lượng tốt”, ông Tôn khuyến nghị.