Thiếu giáo viên, theo học ngành Sư phạm có lo không tìm được việc?

Admin

Có nhu cầu tuyển dụng cao cả ở khối trong và ngoài công lập, lượng tuyển sinh ổn định nhưng theo học nghề giáo vẫn là sự cân nhắc của nhiều em học sinh.

Công tác tuyển sinh vừa qua vẫn ghi nhận lĩnh vực Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên trình độ đại học đứng thứ 7 về tỉ lệ tuyển sinh cao nhất (chiếm tỉ lệ 5,09%).

Có nhu cầu tuyển dụng cao cả ở khối trong và ngoài công lập, với lượng tuyển sinh ổn định, nhưng chia sẻ với Người Đưa Tin, em Nguyễn Quỳnh Anh, sinh viên năm 2 ngành Sư phạm Văn tại một trường đại học tại Hà Nội có chút băn khoăn về cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Em Quỳnh Anh cho biết: “Có năng lực với khối Khoa học Tự nhiên, kèm theo điểm số phù hợp nên em đã quyết định theo học ngành Sư phạm Văn. Sau 2 năm học tập bản thân vẫn thấy yêu thích ngành học của mình”.

Tuy nhiên, khi được hỏi về định hướng việc làm em sinh viên vẫn lo ngại không biết mình có thể được đứng trên bục giảng theo nghiệp giáo như đúng chuyên môn đào tạo hay không.

Đánh giá về nhu cầu tuyển dụng ngành sư phạm hiện nay, trao đổi với Người Đưa Tin, ThS. Lê Phan Quốc - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM cho rằng không nên có cái nhìn quá tiêu cực về cơ hội của sinh viên sư phạm vì yêu cầu tuyển dụng của các ngành là như nhau.

“Ngành nào cũng vậy, cơ hội việc làm phải đến từ 2 phía, là  các đơn vị tuyển dụng (ở đây cụ thể là trường học, doanh nghiệp, công ty ngoài sư phạm,…) và người lao động”, ông Lê Phan Quốc bày tỏ.

Ở đây, ông Quốc phân tích bất kỳ nhà tuyển dụng nào đều đưa ra và xây dựng những yêu cầu của công việc và tìm người có thể đáp ứng.

Giáo dục - Thiếu giáo viên, theo học ngành Sư phạm có lo không tìm được việc?

ThS. Lê Phan Quốc - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM.

Trước những “đòi hỏi” này, bản thân các cơ sở đào tạo đại học cũng phải dựa vào để xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra để năng lực người học đáp ứng thị trường lao động.

“Nếu đôi bên đều “khớp” theo một quy chuẩn nào đó thì chắc chắn không lo sinh viên không có việc để làm.

Tuy nhiên, giữa bên tuyển dụng và người lao động họ vẫn phải bàn thêm như điều kiện lao động, chế độ đãi ngộ,…rất nhiều yếu tố khác để có thể cùng hợp tác với nhau”, ông Lê Phan Quốc nhận định.

Ngoài ra, các em sinh viên muốn có được một việc làm tốt nên cần phải tự nâng cao trình độ bản thân, bởi các trường chuyên, trường top luôn sẽ có thêm những điều kiện thèm theo như như có thành tích xuất sắc trong học tập, chứng chỉ tiếng Anh. Nếu các em không đủ điều kiện thì không “khớp” với nhau.

Đánh giá trung bình hiện nay, ông Quốc cho biết: “Trên cả nước, đội ngũ giáo viên vẫn thừa thiếu cục bộ ở một số môn, một số địa phương.

Trong giai đoạn hiện nay chúng ta đang triển khai Chương trình GDPT 2018 với nhiều nội dung mới đây cũng là cơ hội nhiều nhất cho các em sinh viên”.

Đối với Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM ngoài những ngành truyền thống được quan tâm như Sư phạm Toán, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm tiếng Anh, thì bên cạnh đó các ngành của chương trình mới như Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử - Địa lý cũng được nhiều thí sinh lựa chọn.

Giáo dục - Thiếu giáo viên, theo học ngành Sư phạm có lo không tìm được việc? (Hình 2).

Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi về sự đổi mới trong đội ngũ giáo viên (Ảnh: Hữu Thắng).

Trước đó theo, Thống kê của Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho thấy, đến cuối năm học 2022 - 2023, cả nước tuyển dụng thêm hơn 17.000 giáo viên công lập. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 74.000 chỉ tiêu biên chế được giao cho các địa phương nhưng chưa tuyển dụng được.

Trong khi đó, cũng theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tình trạng thiếu giáo viên năm học này đang diễn biến trầm trọng hơn năm học trước. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. 

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục.

Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên. Năm học 2022 - 2023 số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người so với năm học 2021 - 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207 người, cấp THPT tăng 2.045 người).

Đối với việc đào tạo giáo viên ở bậc đại học, những năm trở lại đây, điểm xét tuyển ngành này có sự tăng dần qua từng năm, khác với tình trạng ở mức điểm gần như là thấp nhất trong các ngành.

Cụ thể, năm 2023, điểm chuẩn các ngành đào tạo giáo viên xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dao động từ 15 - 26,65 điểm. Tổ hợp xét tuyển gồm 2 môn, trong đó một môn được nhân đôi điểm.

Điểm chuẩn năm 2022 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 dao động từ 24,3 - 38,67, tính theo thang điểm 40. 

Sang năm 2023, điểm chuẩn xét tuyển sớm của trường này với phương thức sử dụng kết quả học tập cấp THPT, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Sư phạm Toán học 29,67 điểm.