Nhận định đầu tư
Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Trong ngắn hạn, VN-Index tiếp tục giảm giá nhanh, mạnh trước áp lực bảo vệ tài sản, áp lực giải chấp và hiện tượng bán chéo, nhất là đối với các nhóm mã liên quan đến xuất khẩu... Dẫn đến những phiên giao dịch giảm điểm mạnh.
VN-Index đã giảm mạnh từ vùng giá 1.340 điểm và đang chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá cuối năm 2023 cũng như cuối năm 2022 tương ứng 1.000 - 1.100 điểm. SHS kỳ vọng thị trường, VN-Index có thể sẽ phục hồi trong vùng giá 1.020 - 1.080 điểm sau khi chịu áp lực bán giải chấp, force sell đột biến trong trong vài phiên đến, nhất là với các nhóm ngành liên quan đến xuất khẩu.

Diễn biến chỉ số VN-Index ngày 9/4 (Nguồn: FireAnt).
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN): Thị trường có thể sẽ hồi phục trong phiên kế tiếp và biến động mạnh khi kết quả thuế quan rõ ràng. Đồng thời, các chỉ báo kỹ thuật đã giảm mạnh vào vùng quá bán nên kỳ vọng thị trường có thể vẫn sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục kỹ thuật.
Ngoài ra, mức P/E dự phóng của chỉ số VN-Index đã giảm về dưới mức 10,x cho nên thị trường thường dễ hình thành vùng đáy. Trong kịch bản cơ sở, YSVN vẫn kỳ vọng Việt Nam có thể đạt được kết quả đàm phán tích cực hoặc thời gian áp dụng thuế quan có thể thay đổi.
Chứng khoán Đông Á (DAS): VN-Index đã giảm xuống dưới mốc 1.100 điểm và tìm về vùng cân bằng mới, với hỗ trợ kỹ thuật quanh 1.050 điểm sau đó các nhóm cổ phiếu có thể giao dịch phân hoá trong tuần tới, nhà đầu tư đánh giá ảnh hưởng của thuế quan lên từng cổ phiếu cụ thể để lên kế hoạch giao dịch, có thể giải ngân từng phần đối với nhóm cổ phiếu cơ bản, hoạt động kinh doanh ít chịu ảnh hưởng bởi sự kiện thuế đối ứng của Mỹ.
Khuyến nghị đầu tư
- PNJ (CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận): Mua. Giá mục tiêu 1 năm là 97.500 đồng, tăng 45% so với hiện tại.
PNJ công bố tài liệu Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong năm 2025 (1.960 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ).
Điều này phản ánh những khó khăn mà các doanh nghiệp bán lẻ trang sức liên tục phải đối mặt do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu vàng, khiến cho việc chuyển chi phí nguyên liệu cao sang khách hàng (thường có xu hướng giữ vàng miếng/nhẫn hơn vàng trang sức trong bối cảnh giá vàng tăng) trở nên khó khăn hơn.
Do đó, SSI Research điều chỉnh ước tính lợi nhuận ròng xuống 2.240 tỷ đồng (tăng 6% so với cùng kỳ, từ 2.500 tỷ đồng). Ước tính lợi nhuận năm 2025 của SSI cao hơn kế hoạch của PNJ do công ty chứng khoán này cho rằng công ty có quan điểm khá thận trọng khi thiết lập mục tiêu.
SSI đưa ra giá mục tiêu mới đối với PNJ là 97.500 đồng/cổ phiếu, và duy trì khuyến nghị MUA với tiềm năng tăng giá là 44%.
Trong ngắn hạn, PNJ có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt nguyên liệu vàng và tác động gián tiếp từ mức thuế quan lên đến 46% của Mỹ. Tuy nhiên, định giá hiện tại của cổ phiếu khá hấp dẫn, với mức P/E 2025 dự phóng là 12x, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 16,5x trong 3 năm qua.
Quan điểm dài hạn: Việc sửa đổi Nghị định 24 (dự kiến trong tháng 9/2025) được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng dài hạn cho các doanh nghiệp bán lẻ trang sức.
Các nhà sản xuất trang sức hiện đang bị hạn chế nhập khẩu nguyên liệu vàng từ nước ngoài, và chỉ dựa vào nguồn cung trong nước, vốn đã gần như không đổi kể từ năm 2012. Điều này gây những thách thức đáng kể cho doanh nghiệp bán lẻ trang sức gia tăng thị phần, mặc dù còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp này mở rộng thị phần.
Rủi ro: Chi tiêu cho trang sức phục hồi chậm hơn dự kiến.
- VNM (CTCP Sữa Việt Nam): Chờ bán.
Năm 2025, công ty đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 64.505 tỷ đồng (tăng 4% so với cùng kỳ) và 9.680 tỷ đồng (tăng 2% so với cùng kỳ).
TCBS đánh giá, kết quả kinh doanh năm nay có thể bị ảnh hưởng bởi xu hướng tăng của nguyên vật liệu đầu vào. Doanh nghiệp dự kiến sẽ điều chỉnh giá bán sản phẩm phù hợp với tốc độ tăng chi phí đầu vào.
Tuy vậy, TCBS kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận đến từ Driftwood và Angkormilk sẽ hỗ trợ kết quả kinh doanh của công ty. Nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu có thể chờ nhịp hồi phục của thị trường để giảm một phần tỉ trọng.
- REE (CTCP Cơ điện lạnh): Chờ bán.
Công ty vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025 với doanh thu dự kiến là 10.248 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế là 2.427 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ).
Trong đó, năng lượng vẫn là mảng đóng góp chính với tỉ trọng 43% doanh thu và lợi nhuận sau thuế cùng kế hoạch nâng cao công suất thêm 100MW trong năm 2025.
Mảng cơ điện lạnh và bất động sản đều được REE đặt kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ so với năm trước với doanh thu lần lượt đạt 3.542 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ) và 2.112 tỷ đồng (84% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó công ty dự kiến chia cổ tức năm 2024 với 10% tiền mặt và 15% cổ tức bằng cổ phiếu.
Về triển vọng 2025, TCBS đánh giá REE sẽ duy trì hoạt động ổn định ở mảng năng lượng và sẽ tăng trưởng tích cực ở mảng cơ điện lạnh và bất động sản khi hoạt động đầu tư công và thị trường bất động sản tại Việt Nam có nhiều khởi sắc.