Coi mức thuế quan của ông Trump là ‘tin tốt’, một quốc gia Đông Nam Á khấp khởi chờ đón cơ hội thu hút FDI, nhà đầu tư nói 17% vẫn là rất tốt

Quốc gia này nhận thấy cơ hội rộng mở trong thu hút đầu tư khi các doanh nghiệp tìm cách dịch chuyển sản xuất khỏi các quốc gia chịu mức thuế quan cao của Mỹ.
Coi mức thuế quan của ông Trump là ‘tin tốt’, một quốc gia Đông Nam Á khấp khởi chờ đón cơ hội thu hút FDI, nhà đầu tư nói 17% vẫn là rất tốt- Ảnh 1.

Đối với nhiều người ở Châu Á, thuế quan mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một thảm họa. Nhưng Liu Gang, chủ tịch công ty HYS Enterprise, coi thời điểm này là cơ hội để củng cố nhà máy sản xuất điện tử của mình ở Philippines.

“Tôi nói với các công ty: ‘Hãy đến Philippines’”, ông Liu nói với tờ New York Times tại tầng bên dưới nhà máy. Nhà máy của ông sản xuất bộ phận kim loại cho máy ATM Fujitsu.

Ngày 9/4, chính sách thuế quan đối ứng của ông Trump có hiệu lực. Các mức thuế này có thể cản bước các doanh nghiệp tìm đến một số quốc gia sản xuất tại Đông Nam Á. Trong bối cảnh cảnh này, Philippines đang nhìn thấy cơ hội.

Philippines cũng chịu mức thuế đối ứng 17%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan (36%), Indonesia (32%) và Malaysia (24%).

Ngoài ra, kinh tế nước này phụ thuộc vào dịch vụ và nông nghiệp, do đó ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan nhắm tới ngành sản xuất.

Philippines có thể là nước duy nhất trên thế giới coi mức thuế của ông Trump là “tin tốt”. Vài giờ sau khi ông Trump công bố thuế quan ngày 2/4, phụ trách báo chí của chính phủ Philippines cho biết tác động của mức thuế sẽ “rất nhỏ”, đồng thời nói thêm rằng “chúng tôi cũng có thể thu hút được các nhà đầu tư từ các quốc gia có mức thuế cao hơn”.

Philippines đang nổi lên là giải pháp tiềm năng thay thế một số nước trong khu vực để các doanh nghiệp đặt nhà máy.

Ít nhất 6 công ty có khách hàng tại Mỹ đã khảo sát nhà máy của ông Liu và những cơ sở lân cận tại một khu vực của tỉnh Batangas. Một số đã cam kết dịch chuyển sản xuất. Đây là một bước ngoặt bất ngờ đối với một quốc gia từ lâu đã thiếu năng lực sản xuất.

Sự thay đổi này có thể chỉ là tạm thời bởi các quốc gia đang sốt sắng tìm cách đạt được thỏa thuận với Washington. Philippines cũng đối mặt với một loạt thách thức khiến việc đưa một nhà máy vào hoạt động tại đây cũng khó khăn. Các nguyên liệu thô như cao su và thép khó mua và đắt hơn so với các quốc gia như Trung Quốc. Xây dựng cũng mất nhiều thời gian hơn. Nhưng Philippines có lực lượng lao động trẻ và đông đảo với chi phí thấp.

Tia hy vọng

Ông Liu bắt đầu chuyển phần lớn hoạt động sản xuất của nhà máy từ Đông Quan (Trung Quốc) đến Batangas vào năm 2018 khi ông Trump châm ngòi cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Quyết định chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Philippines, vốn gặp nhiều khó khăn ban đầu, đã cho thấy hiệu quả khi chính quyền ông Trump tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên tổng cộng 104% từ 8/4.

Giờ đây, ông Liu đang giới thiệu nhà máy của mình như một giải pháp thay thế “một cửa” cho các cơ sở ở các nước láng giềng.

“Bạn không thể bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, ông nói với một khách hàng tiềm năng trong chuyến thăm nhà máy gần đây.

Coi mức thuế quan của ông Trump là ‘tin tốt’, một quốc gia Đông Nam Á khấp khởi chờ đón cơ hội thu hút FDI, nhà đầu tư nói 17% vẫn là rất tốt- Ảnh 2.

Tại nhà máy in Fong Shann gần đó, 4 công ty có nhà máy tại Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc đã đến thảo luận và ký hợp đồng với nhà máy này để sản xuất vật liệu đóng hộp cho các sản phẩm mà họ sẽ bắt đầu sản xuất tại Philippines.

“Chúng tôi đã có 4 khách hàng mới”, Alan Tu, phó tổng giám đốc nhà máy Fong Shann tại Philippines cho biết. “Sau vấn đề thuế quan, họ đang tìm kiếm nơi khác”.

Tại một khu công nghiệp gần đó, công ty thiết bị y tế Nhật Bản Arkray đang chuẩn bị mở rộng sản xuất các sản phẩm để xuất khẩu sang Mỹ. Công ty chủ yếu hoạt động tại Nhật Bản nhưng đã mở các nhà máy trên khắp thế giới, gần đây nhất là tại Mexico.

Hideaki Anai, giám đốc chuỗi cung ứng tại Arkray cho biết: “Chúng tôi có thể dịch chuyển sản xuất khoảng 70% sang Philippines”. Sự thay đổi này sẽ mất 1 tháng để thực hiện vì khoảng 400 sản phẩm của công ty cần phải được đăng ký khác và thay đổi nhãn, Anai cho biết.

“Nhưng so với Nhật Bản (mức thuế 25%) và Đài Loan (32%), thì 17% vẫn tốt hơn nhiều”.

Theo NYT