Sau kết quả tăng trưởng quý I, ADB dự báo ra sao về tăng trưởng GDP 2025 của Việt Nam

"Việc Hoa Kỳ công bố áp thuế gần đây, cùng những bất ổn toàn cầu đang tiếp diễn, có thể đặt ra các thách thức đáng kể cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay", Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định.
Sau kết quả tăng trưởng quý I, ADB dự báo ra sao về tăng trưởng GDP 2025 của Việt Nam- Ảnh 1.

Thương mại mạnh mẽ, sản xuất xuất khẩu hồi phục và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dồi dào đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Sang đến quý I/2025, theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2025 ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025.

"Tăng trưởng thương mại mạnh mẽ, sản xuất cho xuất khẩu phục hồi tích cực và đầu tư trực tiếp nước ngoài ở mức cao đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024", Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty, nhận định.

Kết quả tăng trưởng này đã vượt mục tiêu đặt ra cho quý I/2025 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP , nhưng chưa đạt mục tiêu phấn đấu cao hơn tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 do thế giới biến động nhanh, nhiều bất ổn đã ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội nước ta. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, đóng góp 40,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,70% , đóng góp 53,74%.

Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về triển vọng phát triển châu Á - Thái Bình Dương, các chuyên gia đánh giá, những bất ổn toàn cầu và các rào cản pháp lý vẫn là những rủi ro suy giảm đáng kể trong năm nay. Dù vậy, trong hai năm tới, tăng trưởng được dự báo sẽ duy trì vững chắc với mức lạm phát tăng nhẹ.

Theo đó, ADB dự báo, GDP Việt Nam sẽ  tăng trưởng 6,6% trong năm 2025 và 6,5% trong năm 2026, sau khi tăng mạnh ở mức 7,1% vào năm ngoái. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ được sẽ tăng trưởng 7,2% trong năm 2025, nhờ gia tăng du lịch trong nước và quốc tế cũng như các ngành công nghiệp công nghệ. Song, mức dự báo này được các chuyên gia ADB tính toán trước khi Hoa Kỳ công bố các biện pháp thuế quan.

"Việc Hoa Kỳ công bố áp thuế gần đây, cùng những bất ổn toàn cầu đang tiếp diễn, có thể đặt ra các thách thức đáng kể cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay. Điều này cần phải theo dõi thêm trong thời gian tới", Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định.

Đánh giá về các rủi ro từ bên ngoài đối với kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng ADB cho biết, môi trường kinh tế toàn cầu thay đổi, chịu ảnh hưởng đáng kể bởi các tuyên bố về mức thuế gần đây của Hoa Kỳ và căng thẳng địa chính trị, đặt ra những thách thức lớn đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào tăng trưởng hướng đến xuất khẩu, chẳng hạn như Việt Nam.

Mặc dù thuế quan toàn cầu tăng, nhu cầu đối với các hàng hóa nông sản và các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp duy trì xuất khẩu. Nông nghiệp dự kiến tiếp tục tăng trưởng vững chắc ở mức 3,2% trong năm 2025. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, khả năng tiếp cận công nghệ hạn chế và thiếu hụt về cơ sở hạ tầng vẫn là những thách thức của ngành. Cải thiện năng suất thông qua công nghệ và quản lý thuế quan toàn cầu đang ngày càng tăng trong khi vẫn duy trì giá cả cạnh tranh là chìa khóa để duy trì tăng trưởng xuất khẩu.

Những bất ổn bên ngoài—như leo thang thuế quan, các biện pháp trả đũa, cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine và tình trạng bất ổn đang tiếp diễn tại Trung Đông—có thể cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn tới trung hạn.

Thêm vào đó, sự tăng trưởng chậm lại tại Hoa Kỳ và Trung Quốc, các đối thương mại lớn của Việt Nam, có thể ảnh hưởng hơn nữa tới triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Lý giải về mức dự báo thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là trên 8% mang tính định hướng và đi kèm với đó là những chiến lược cần thiết để đạt 8%.

Ông Hùng nói thêm, đánh giá của ADB cũng đưa mục tiêu tăng trưởng 8% mà Chính phủ đặt ra vào làm một tham số nhưng tham số này cũng phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả thực hiện.

"Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cần dựa trên rất nhiều yếu tố. Vì vậy, thời gian còn lại của năm sẽ là giai đoạn để chúng ta xem hiệu quả thực hiện đến đâu. Và điều này cũng cho thấy vẫn còn dư địa để kích thích tăng trưởng nếu những biện pháp này được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả", ông Hùng cho biết.